happiness without spirituality

Với vị trí quản lý dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tôi hiểu rõ tầm quan trọng của các khái niệm, các con số. Để thi lấy chứng chỉ, tôi không thể mơ hồ/ lẫn lộn các khái niệm và logic của chúng. Làm việc theo logic và suy nghĩ bằng logic đã là một phần tất yếu của cuộc sống hằng ngày. Nhưng tôi cũng hiểu mình có vấn đề với khoa học thực chứng trong một vài lĩnh vực. Cụ thể làm thế nào để giảm stress, đương đầu với các phức tạp gia đình/ xã hội hiện đại mà không phát điên thì logic thực chứng chỉ giúp tôi tiếp cận đến gần vấn đề/ giải pháp ở mức độ nhất định rồi dừng lại ở đó. Để đi tiếp, hiện tôi đang tìm hiểu các tài liệu về mindfulness/ Thiền của các tác giả phương Tây, thấy hóa ra chúng sâu sắc và khoa học theo cách của riêng chúng, và quan trọng nhất là hiểu ra nhiều thứ thực sự giúp ích cho mình đương đầu với cuộc sống/ công việc.

Dưới đây là điều mà hôm nay tôi hiểu ra sau vài năm đọc/ tự suy ngẫm và nhận feedback từ cuộc sống:

Trong tiếng Anh thì người ta hay dịch Thiền là meditation (động tác ngồi thiền), nhưng theo tôi, có thể meditation hay không không quan trọng lắm. Vậy cốt yếu của Thiền là gì?

Nói ngắn gọn: Thiền trước tiên nghĩa là tự hiểu mình
Nói dài hơn một chút: Thiền là tự quan sát và tự làm cân bằng tâm trí mình.
(đơn giản không ngờ!)


Thế thôi, chẳng cần liên quan gì đến tâm linh hay luân hồi/ nghiệp gì cả. Cũng không nhất thiết phải tham gia nhóm hành thiền nào, chẳng cần làm gì hay hô hào làm gì bất thường (ăn chay, niệm chú, hành lễ, luyện khí công gì gì đó, ...). Cuộc sống của một người tìm cách tự hiểu mình, tự làm cân bằng tâm trí mình có thể diễn ra hoàn toàn bình thường (đi làm, trông con, chạy, bơi, ...). Tôi thực sự không thấy có gì đặc biệt hay ghê gớm ở một cuộc sống như vậy.
Cứ hình dung như Putin hay Djokovic, họ ngồi thiền thường xuyên chỉ đơn giản là vì thiền đem lại cho họ sự cần bằng cần thiết để làm việc tốt hơn. Dù ngồi thiền thường xuyên, nhưng Putin vẫn hoàn toàn là Putin tổng thống và Djokovic vẫn hoàn toàn là No. 1 professional tennis player, chỉ có hạnh phúc và cân bằng hơn một chút.

Tóm lại, ngồi hay không cũng chả quan trọng, quan trọng là mình có ý thức tự quan sát và tự làm cân bằng tâm trí của mình hay không? Phương pháp thì có nhiều, ta có thể tham khảo hoặc tự sáng tạo phương pháp có hiệu quả với mình. Tôi hoàn toàn chia sẻ với một quyển sách rất đơn giản, gần gũi và hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận (không-có-gì-ghê-gớm) nói trên: “Hạnh phúc là điều có thật” (Nguyễn Minh Tiến). Tất nhiên, theo cách tiếp cận này chẳng thể có phương pháp nào kỳ vọng sẽ đem lại một sự thay đổi nhanh chóng. Để nhận diện và buông bỏ những chướng ngại đến hạnh phúc thì không thể thiếu công phu tự tìm tòi.

Với ý nghĩa đó, ở một khía cạnh nhất định, thậm chí bạn có thể bỏ qua luôn chữ "thiền". Tự hướng vào bên trong, tự hiểu mình, tự quan sát và làm cân bằng tâm trí mình để có hạnh phúc, một hạnh phúc không tâm linh.

Comments

Popular Posts