phương trình cuộc sống



I. Đơn giản
Một chuyện tình cờ do một anh đại ca ngày xưa của tôi chia sẻ trên facebook. Đề tài là công chuyện làm ăn, nhưng tôi bị thu hút bởi một “than thở” bên lề của anh:
“Đẹp nhất là các bác trúng Vietlot, mua một biệt thự ven biển. Bình minh lên, ra biển bơi, trưa về ăn hải sản, uống rượu vang, tối lên sàn khiêu vũ. Giàu thì đã mua biệt thự ven biển, không phải làm …”
Tôi hiểu anh cũng chỉ “than thở” chung chung như vậy, như một cách diễn đạt làm người đọc cảm thấy gần gũi với chủ topic hơn mà thôi. Chúng ta ai chẳng ước mơ trở nên giầu sang và được hưởng thụ cuộc sống mà không cần lo nghĩ như vậy chứ.
Nhưng tôi lại mơ hồ thấy có gì đó chưa thuyết phục lắm trong cách nói “đơn giản, gọn gàng, dễ hiểu” trên, để rồi thử đi sâu suy nghĩ một chút xem nó có thực sự đơn giản như vậy không.
AAIA_wDGAAAAAQAAAAAAAA0vAAAAJDE1YmJjOWQ2LWZmOWItNDdlYi1iZWZmLTI4M2RkOGEwNjAyMg
Thoạt tiên, tôi nhận thấy ta có thể tiếp cận cách diễn đạt này như một công thức: Hạnh phúc = có tiền + ở biệt thự + bơi biển + ăn hải sản + uống rượu vang + khiêu vũ … Vẻ đẹp của công thức này nằm ở sự đơn giản của nó: dễ hiểu, dễ hình dung, dễ nhớ, do đó nó ắt phải đúng (cách suy luận điển hình của System 1, xem thêm Thinking fast and slow), stop, chấm hết. Không, chưa hết (System 2 của tôi lúc này đã được huy động để xem lại kết luận của System 1), hãy nhìn kỹ một lần nữa vào câu chuyện. Hãy hình dung về nó, hình dung ra một người giầu có với một cuộc sống đơn giản. Đến đây, (System 2 của) tôi tự hỏi mình: tôi đang hình dung ra cái gì vậy? Và tôi bỗng nhận ra, cái hình ảnh mà mình đang hình dung có liên hệ mật thiết với thế giới của phim ảnh hay tiểu thuyết, thứ gì đó tồn tại trong sách hay được chiếu lên một cái ti vi thì nhiều hơn là có liên hệ với những kinh nghiệm trong đời sống thật của mình. Vâng, bỏ qua tiểu thuyết và ti vi thì tôi đã thấy rất nhiều người giầu có trong cuộc sống, tôi cũng thấy những người sống đơn giản, nhưng con số thì ít hơn nhiều, và quan trọng hơn, tôi đã từng thấy hay nghe nói về ai vừa giầu có vừa sống đơn giản hay chưa? Có lẽ có, nhưng vô cùng hiếm. Và (System 2) của tôi ra một câu hỏi quyết định: Nếu là tôi, nếu thực sự tôi trở nên giầu có đến mức không phải lo lắng về tài sản, liệu tôi có sống được đơn giản không? Với câu hỏi này dĩ nhiên (thằng System 1 của) tôi nhẩy tưng tưng lên và trả lời Có có có …, nhưng đồng thời (my mindful System 2) tôi đưa ra một đáp án nữa: Có thể là không.
Nếu thực sự quay vào bản thân và suy nghĩ thành thật về cuộc sống, về những gì đã xẩy đến, tôi buộc phải thừa nhận: nếu ghi lại hằng ngày các niềm vui, nỗi buồn, phần thưởng và vấn đề .., thì cuộc sống của tôi được xây nên chủ yếu bằng các vấn đề, để thậm chí có thể nói không ngoa cuộc sống là một chuỗi bất tận các vấn đề. Đó là thống kê, và cũng là thống kê sẽ cho thấy khá nhiều vấn đề không có nguyên nhân từ việc có hay không có tiền, cũng có nhiều vấn đề thậm chí có nguyên nhân từ việc có nhiều tiền hơn mức kỳ vọng. Vậy thì, hết sức logic và cơ bản, có gì đảm bảo khi ta có nhiều tiền thì những vấn đề vốn không xuất phát từ tiền, hay vốn xuất phát từ việc có rất nhiều tiền, sẽ “tự dưng” biến mất? Cuộc sống vốn không đơn giản, cuộc sống thậm chí ngày càng trở nên phức tạp. Muốn kiếm tiền người ta phải xử lý rất nhiều vấn đề phức tạp, dựa trên những mối quan hệ phức tạp đến mức có thể nói không có ai suy nghĩ “đơn giản” mà có thể trở nên giầu có. Vậy thì khi đã thực sự giầu có người ta có tự dưng trở nên suy nghĩ đơn giản đi không? Nếu suy nghĩ của họ không đơn giản đi, liệu họ có thể chấp nhận sống đơn giản hoặc có thể chỉ đơn giản hưởng thụ? trong khi ta biết bản thân việc hưởng thụ có thể trở nên cực kỳ phức tạp.
Đến đây có thể tôi đã nhìn ra mâu thuẫn nội tại thứ nhất của phương trình lúc đầu: có tiền và sống đơn giản thông thường là mâu thuẫn với nhau trong đời thực.
Chưa dừng lại, tôi thử cách tiếp cận thứ hai theo tâm lý. Ừ, cứ cho là câu chuyện thực sự xẩy ra ở đâu đó. Dẫu hiếm nhưng vẫn có một anh chàng nào đó dung hòa được cuộc sống của anh ta giữa một bên là sự phức tạp do đống tài sản mang lại và một bên là tiêu chuẩn hưởng thụ tương đối đơn giản. Nói gì thì nói, Forest Gump hẳn phải có một hoá thân thực tế nào đó trong cuộc sống chứ !. Vâng, và điều gì xẩy đến với hoá thân của Forest Gump (gọi hoá thân này là FG) này? Đầu tiên đúng như mọi người nghĩ, anh FG ấy vô cùng sung sướng, ngày ngày anh ấy bơi, ăn hải sản, uống rượu vang, khiêu vũ và dĩ nhiên, không làm việc gì hết. Ngày hôm nay, ngày hôm sau, tháng này, tháng sau, năm này …. từ từ đã. Đọc đến đây có lẽ bạn cười mỉm: ta biết tỏng tay này định dẫn mình đến đâu rồi. Vâng, bạn đoán đúng rồi đấy :). Nếu ngày nào cũng lặp lại như ngày nào, thì, như một đồng nghiệp thông thái của tôi từng nói: cuộc sống vĩnh viễn chơi đàn harp trên Thiên đường hay vĩnh viễn đẩy đá lên đỉnh núi nơi cõi trừng phạt cũng chẳng có gì khác nhau. Chẳng còn gì vui nếu người ta cứ tiếp tục lặp lại mình. Anh có thể cố gắng bơi nhanh hơn, uống rượu ngon hơn, hay khiêu vũ đẹp hơn, nhưng các biến thể (variation) của những việc này không phải là vô hạn, và anh luôn đối mặt với hai cái bẫy: tự lặp lại mình hoặc thất vọng vì nỗ lực không thành. Rơi vào cái bẫy thứ nhất và cuộc sống rút lại thành một thói quen máy móc, rơi vào cái thứ hai và trở thành một kẻ bất đắc chí.
Lúc đầu, sự hưởng thụ tạo ra hạnh phúc, nhưng cùng một sự hưởng thụ sẽ đem đến ít hạnh phúc hơn cho lần sau khiến người ta phải truy tầm một sự hưởng thụ khác. Cuộc truy tầm chẳng mấy chốc trở nên phức tạp và vượt ngoài tầm kiểm soát của kẻ (có khả năng cùng mong muốn) truy tầm, chẳng khác gì thuốc và kẻ ghiền thuốc. Cuộc sống của nhiều ngôi sao nhạc rock có thể chứng minh cho sự nguy hiểm của công cuộc truy tầm sự hưởng thụ không ngừng nghỉ. Và nhiều người hiểu ra rằng, rốt cuộc, sự hưởng thụ thú vui vật chất chỉ đem lại chừng đấy vui thú trong chừng đấy thời gian, sau đó chúng chỉ còn đơn thuần là lời hứa hão.
Có vẻ các khuyết điểm của công thức ban đầu đã phơi bầy dưới suy nghĩ của tôi. Nhưng trời xui đất khiến thế nào tôi lại chưa dừng lại mà khái quát nó thành một thứ mà tôi tự gọi là “phương trình cuộc sống”
II. Thực tế
"Vui, ngồi hát giữa vô thường
Buồn, ngồi trên đỉnh đế vương lạnh lùng"
Như trên đã nói, bỗng nhiên tôi nẩy sinh ý muốn tự mình tổng kết một phương trình cuộc sống, hoặc cũng có thể là ngược lại, phương trình ấy đột nhiên nẩy sinh trong đầu tôi như sau:
hạnh phúc = hiện tại + alpha
trong đó:
* hiện tại: tất cả những gì ta đang có
* alpha: cái gì đó ta thấy mình đang thiếu
good point: phương trình này đúng cho mọi người, mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm bất kỳ, lại đơn giản, dễ nhớ.
bad point: chỉ dừng lại ở đây thì nó hầu như vô tích sự .
Để phương trình bớt vô tích sự, xin thử đi sâu vào giải thích thêm một vài điểm có thể nhận thấy về phần alpha.
Thứ nhất là alpha rất đa dạng, với những người phải sấp ngửa chạy ăn từng bữa chẳng ngẩng mặt lên nổi thì alpha là hầu hết mọi thứ trên đời này, từ chuyện có cơm ăn áo mặc trở đi. Họ chả còn hơi đâu mà quan tâm đến ý đến bất cứ cái gì ngoài sự sinh tồn. Với những người khá có điều kiện như ở trên, alpha trước mắt chỉ là tiền để mua cái biệt thự ven biển và mua hải sản, rượu vang + quần áo khiêu vũ đến cuối đời.
Thứ hai, alpha rất xảo quyệt. Như phần trước tôi có phân tích qua, alpha biến đổi không ngừng. Lúc đầu giả sử nó chỉ là tiền như trên, tưởng rằng chỉ cần phần đấu để đưa tiền vào thành phần hiện tại thì alpha sẽ biến mất. Nhưng không, khi ta kiếm được tiền thì alpha không mất đi mà nó mau chóng biến thành thứ khác, bất kỳ thứ gì: danh vọng, chiến thắng đối thủ cạnh tranh, được ca tụng … Mỗi lần tưởng như ta thu nhỏ được alpha một chút là mỗi lần nó biến đổi, thậm chí dường như nó biết trước ta đang nghĩ gì và biến đổi trước. Nó biết ta còn ta thì lại rất mù mờ về logic của nó. Bạn có bao giờ có cảm giác một sáng kia thức dậy, nhìn quanh mỉm cười với cuộc sống và thấy mình thật đầy đủ, sau đó vừa nhấm nháp cà phê vừa vào facebook. Một, hai, ba entry và bỗng nhiên cảm giác không còn đầy đủ thanh thản như lúc mới dậy nữa!
Cái gì đã xẩy ra? Sao đột nhiên thằng alpha sống lại nhanh vậy? Cái thần kỳ hay quỷ quái gì nuôi dưỡng nó vậy? Có phải ta lướt face và bỗng nhiên ta thấy thiếu không? Thấy những gì người khác có và thấy thiếu?
Sự xảo quyệt và quỷ quái là ở chỗ đó, ở chỗ ‘Người khác có’ (tự động)= ‘Ta thiếu’ ( = alpha), một sự biến đổi hoàn toàn tự động và cực kỳ lợi hại. Chỉ trong chớp mắt khi ý thức còn chưa kịp hiểu gì thì cái ‘Người khác có’ đã nhẩy thẳng từ con mắt vào tiềm thức của người nhìn và lập tức trở thành cái Ta thiếu (alpha). Bằng cách đó, cái năng lực thâm sâu vô hạn và tốc độ kinh hoàng của tiềm thức đã luôn là nguồn năng lượng nuỗi dưỡng sự xảo quyệt vô tận của alpha, vì thế alpha luôn tồn tại.
Alpha không chỉ tồn tại, có thể thậm chí nó còn khôn khéo hơn. Đưa hạnh phúc ra để dẫn dụ, ta tìm cách lấp đầy alpha. Khao khát truy tầm hạnh phúc trở thành khao khát có tất cả những gì Người khác có trong tầm mắt hay tầm tai. Cơ chế khao khát này biến Thiếu trở thành Tham. Cái tham thành thói quen, thói quen tham đi sâu vào tiềm thức và nó lại cung cấp thêm năng lượng củng cố cơ chế tự động chuyển những gì ‘Người khác có’ thành alpha. Nói cách khác, từ lúc nào, alpha đã hoàn thiện vòng kim cô của nó để ta mãi chơi trò chơi hạnh phúc theo ý nó.
Mới đây các bạn tiếp thị nhét vào nhà tôi một tờ quảng cáo dự án bất động sản. Đã có quá nhiều tờ quảng cáo như vậy nên giờ tôi chẳng nhớ nổi tên dự án đó, chỉ ấn tượng với một lời đề trong đó:
"Giữ tâm sáng như ngọc
Trên miền vô ưu sống"
Thời của chủ nghĩa tiêu dùng và hưởng thụ, alpha có thể thoải mái tự gọi mình bằng bất cứ tên gì, kể cả Vô ưu.

Comments

Popular Posts