Mindfulness: Why?

Tiếp theo bài trước, giả sử ta chấp nhận có nhiều điểm tương đồng giữa “phần mềm” và “tư duy”, giờ với quan điểm đó, ta thử đi xem xét một vài câu hỏi có liên quan.


Giống như một cái điện thoại/ máy tính, nếu mọi chuyện đều xuôn xẻ thì không có gì đáng nói, nhưng có một thực tế là càng dùng máy tính hay smartphone nhiều, chúng ta càng nhận ra các giới hạn của chúng.
Có lẽ ai mới dùng máy tính/ smartphone thì ban đầu cảm thấy rất thích thú, hấp dẫn đến mức mình suy nghĩ không theo kịp cái máy tính/ cái điện thoại. Nhưng sau một thời gian bắt đầu quen rồi thì hầu như ai cũng thấy ngược lại là dần dần cái máy tính hay cái smartphone không theo kịp những mong muốn thao tác của mình: sao file mở mãi không lên, sao xem video bị giật, sao chơi game quá chậm … Và thế là mọi người tìm cách nâng cấp máy tính/ điện thoại của mình. Đó là câu hỏi thứ nhất:
1) Làm sao nâng tốc độ chạy phần mềm?
Với máy tính, điện thoại, chúng ta có thể lựa chọn nâng cấp phần cứng khá dễ dàng, rất nhiều lựa chọn tuỳ vào túi tiền, thậm chí khi ngân sách không sẵn có thì còn có cả những thủ thuật như overclock  …
Với bộ não, tuy không dễ hình dung và dễ thay đổi phần cứng như máy tính và điện thoại, con người vẫn thường xuyên tìm cách “nâng cấp” trí thông minh của mình. Từ các sản phẩm sữa DHA, Omega, đến các thực phẩm chức năng bổ não, dưỡng não, hay thậm chí ở chợ cũng bán óc bò/ óc lợn cho các cháu đi thi. Tôi cũng hay ăn chuối vì nghe nói tốt cho trí nhớ. Trên phim ảnh ta còn thấy nhiều lựaa chọn hơn nữa, từ cybog (kiểu Ghost in a Cell) cho đến can thiệp DNA để tạo ra các thế hệ đầu óc siêu nhân …
Đó là nói về nâng cấp phần cứng. Cũng có cách khác là dùngphần mềm. Các máy tính và điện thoại cũng có kha khá các công cụ cài vào giúp hợp lý hoá, tối ưu hoá RAM, Disk, … Tương tự như vậy con người cũng có thể chọn tham gia các khoá học dậy nhớ nhanh và nhiều hơn, giải các bài toán nhanh hơn… Bản chất các phương pháp này đều là dùng phần mềm (chủ yếu thông qua nghe giảng, thực tập tư duy) để huấn luyện phần mềm.
Được trang bị máy tính/ điện thoại là chúng ta có được nhiều tiện ích, nhưng sẽ không ai dừng lại ở chỗ có vài tiện ích, chúng ta mau chóng muốn có được nhiều và nhiều tiện ích hơn nữa. Cuộc sống ngày càng cạnh tranh và nhu cầu ngày càng mở rộng, xã hội ngày càng nhanh chóng thay đổi cơ mà phải không nào? Điều này dẫn đến câu hỏi thứ hai:
2) Làm sao có nhiều tính năng hơn?
Nhiều tính năng hơn nghĩa là cần có nhiều phần mềm hơn, bản thân các phần mềm cũng cần được cập nhật liên tục các tính năng mới hơn. Nếu các phần mềm máy tính/ điện thoại được cập nhật liên tục thì chúng ta cũng liên tục cập nhật tư duy ý thức của mình bằng tin tức, bằng cách liên tục facebook, theo dõi có gì hot… Chúng ta cũng phải liên tục học hỏi những điều mới, tham dự các khoá training mới, chưa bao giờ trong xã hội có đủ các loại hình huấn luyện phong phú như vậy để phục vụ nhu cầu mở cập nhật các kỹ năng mềm cho mọi người …
Với xu hướng cập nhật “phần mềm” như vậy, có một thực tế nảy sinh là chẳng mấy chốc bất kỳ cái máy tính hay cái điện thoại nào mà chúng ta dùng, chỉ sau khi mua vài tuần hay vài tháng thôi là chúng tràn ngập các phần mềm (thậm chí chúng ta chả nhớ hết được đã cái những gì) và kể từ đó chúng mắc một căn bệnh kinh niên: chạy chậm. Nếu so sánh một cách khập khiễng cảm giác vui sướng của chúng ta khi sở hữu một cái máy tính mới/ điện thoại mới với cảm giác vui mừng lại được đi lại hít thở, ăn uống bình thường của một người vừa nằm liệt mấy ngày do cảm cúm thì cũng có cái gì đó tương tự: niềm vui không kéo dài lâu. Điều này dẫn đến câu hỏi cuối cùng của bài viết mà thực ra nó gồm nhiều câu hỏi nhỏ.
3) Làm sao phần mềm đừng chạy chậm?
Screen Shot 2018-08-06 at 3.37.24 PM.png
Qua sử dụng máy tính nhiều năm, và mặc dù không dùng smartphone nhiều nhưng nhìn vào đồng nghiệp, tôi thấy tình trạng phổ biến là mọi người đều phàn nàn máy mình chạy chậm. Đầu tiên là phàn nàn và xin cấp máy mới, đổi máy. Sau đó vì không phải lúc nào cũng được đổi hoặc được cấp, phần lớn mọi người đều chấp nhận “sống chung với lũ” bằng cách này hay cách khác.
Điều trên đưa đến gợi ý đầu tiên để giải quyết:
  • Chấp nhận các giới hạn phần cứng
Sau khi chấp nhận các giới hạn này (hay còn gọi là tài nguyên của máy tính/ điện thoại), thông thường, bước tiếp theo là ta có thể lựa chọn giành nhiều tài nguyên hơn cho các xử lý bằng cách cắt giảm tài nguyên dùng cho phần đồ hoạ (vốn chỉ làm đẹp màn hình, làm cho mầu sắc rực rỡ, font chữ nổi bật, hiệu ứng di chuột hay làm viền cửa sổ nhìn bóng bẩy/ long lanh hơn). Trên windows có một công cụ để làm chính xác việc này:


aid6226842-v4-728px-Customize-Visual-Effects-in-Windows-Step-4.jpg



tuỳ chỉnh giúp tốc độ nhanh hơn bằng cách hy sinh vẻ bề ngoài

Cách làm trên tương ứng với gợi ý tiếp theo:
  • Bỏ bớt các tính năng đơn thuần phục vụ cho hình thức bên ngoài
Sau bước trên, nếu muốn có thêm hiệu suất nữa, tôi sẽ tìm đến một công cụ khá đơn giản vốn được thiết kế cho người dùng tự quản lý các tài nguyên, tự giải quyết các trường hợp treo máy/ xử lý chậm. Thực tế là mặc dù công cụ này có sẵn, tôi quan sát có ít người dùng thông thường biết cách sử dụng nó. Trên windows, tên nó là Task manager còn trên Mac, tên nó là Activity Monitor.
Điều trên ứng với gợi ý thứ ba:
  • Dùng Task manager hoặc Activity monitor
Về cơ bản, các công cụ nói trên cho phép chúng ta thấy rõ hiện tại, về tổng thể tài nguyên của máy đang được sử dụng thế nào? Memory còn trống nhiều không? Tình hình CPU load … Nếu CPU thường xuyên chịu tải trên 90%, memory cũng thường xuyên bị sử dụng trên 90%, ta bắt buộc phải tắt bớt các tác vụ. Công cụ này cũng cho ta thấy rõ luôn hiện có các tác vụ nào đang chạy tương ứng với ứng dụng nào, tác vụ nào đang chiếm nhiều CPU hoặc Memory nhất. Dựa vào các thông tin đó ta có thể tạm thời tắt bớt các tác vụ hoặc ứng dụng đang chiếm nhiều tài nguyên nhất để tạm thời giảm tải cho máy tính/ điện thoại và vượt qua tình trạng treo/ chậm.


Screen Shot 2018-08-06 at 4.50.27 PM.png
image giao diện ví dụ của Activity Monitor

Về lâu dài, ta sẽ phải dùng các công cụ khác nữa để rà soát và dọn dẹp bớt các ứng dụng đã cài để tăng lượng  tài nguyên khả dụng, gỡ bỏ các phần mềm không cần thiết hoặc bỏ chế độ tự động chạy ngầm để tiết kiệm tài nguyên khả dụng.
Dưới đây là liệt kê vài tính năng và ứng dụng của công cụ Task Manager/ Activity Monitor:
Screen Shot 2018-08-06 at 4.50.13 PM.png
Kết:
Các cách làm trên thực tế có tác dụng nhất định trong việc cải thiện tốc độ, ít nhất với cá nhân tôi và một vài người. Nếu áp dụng tương tự các gợi ý trên để cải thiện một tâm trí thường hay cáu bẳn, căng thẳng, mất ngủ thì ta có thể làm gì? Tựu chung, nếu keyword trong performance của máy tính/ điện thoại là tài nguyên, thì tâm trí ta cũng có một key word tương tự mà tôi tạm gọi là năng lượng sống, hay “năng lượng tâm trí” (mind-energy). Nếu ta chấp nhận một logic tương tự như trên, thế thì câu hỏi khi ta nhìn tư duy từ góc độ phần mềm là:
Làm thế nào để quản lý tốt năng lượng tâm trí?
Minh hoạ cho câu hỏi:
Mind and Software2.png
Cá nhân là một người thích dùng Task manager/ Activity monitor, tôi cũng đang trên đường đi tìm kiếm thứ tương tự ngõ hầu dùng cho tâm trí của bản thân (thường chẳng mấy khi có một ngày giữ được tâm trạng vui vẻ bình tĩnh thoải mái 🙂 ). Tuy chưa thu được nhiều kết quả, nhưng trên đường tìm kiếm tôi cũng bắt gặp vài cuốn sách lý thú đem lại nhiều gợi ý rất đáng suy ngẫm trong lĩnh vực này. Sẽ rất hân hạnh một ngày nào đó có thể cùng chia sẻ cùng ai đó vài cuốn sách, vài thứ lặt vặt mà tôi tìm thấy trên con đường ấy.

“Người đâu mất người
đời tôi ngốc dại
tự làm khô héo tôi thôi
Về thu xếp lại
ngày trong nếp ngày”

Comments

Popular Posts