Từ thực tại đến Giác Ngộ
Sau một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật của đạo Phật hệ Nguyên thuỷ, xin được tổng hợp và chia sẻ lại với mọi người.
Thiết nghĩ, việc tìm hiểu, soi chiếu chính xác từng thứ một trên cơ sở Tam Tạng cũng là một hướng đi cần thiết và tương đối mới vì có vẻ đa số mọi người còn chưa tiếp xúc với cách tiếp cận kỹ thuật sẽ được sử dụng trong bài. Cũng vì lẽ đó, thay vì đi trực tiếp đến “Giác Ngộ”, xin tổng hợp một số kiến thức cơ bản trước.
-- Mở đầu --
Đức Phật, bậc Toàn Giác, người đã tự mình chứng ngộ sự thực về các pháp chưa từng được nghe, chứng ngộ bản chất thật của tất cả các thực tại và những duyên hệ giữa chúng. Từ khi giác ngộ, Đức Phật đã giảng Pháp mà ngài đã chứng ngộ trong suốt 45 năm để giúp giải thoát các chúng sinh khác trong thế giới này.
I. Các thực tại tột cùng (pháp chân đế)
Sự thật mà đức Phật đã chứng ngộ và dậy lại cho các đệ tử thì rất khác với sự thật thông thường. Khác với các sự thật quy ước, sự thật mà đức Phật đã thuyết giảng là: Tất cả những gì sinh khởi chỉ là Pháp - dhamma. Pháp này là các thực tại tột cùng hay gọi là các pháp chân đế (paramatha-dhamma), mỗi pháp chân đế đều có một đặc tính riêng không thể thay đổi. Trong thực tại tột cùng mà đức Phật đã chứng ngộ, chỉ có các Pháp chân đế mà thôi. Có vài cách phân loại khác nhau, xin giới thiệu ở đây một phân loại cơ bản nhất, trong đó toàn bộ thực tại được bao gồm trong 4 pháp chân đế sau:
- Tâm,
- Tâm sở,
- Sắc và,
- Niết bàn
Trong đó: Tâm, Tâm sở và Sắc là các pháp hữu vi, chúng sinh khởi và diệt đi do duyên, còn Niết bàn là pháp vô vi, không sinh lên do các điều kiện (các duyên) và cũng không diệt đi.
Nói cách khác:
- Tâm, Tâm sở và Sắc là vô thường (sinh rồi diệt), khổ (dukkha), trong khi đó
- Niết bàn là thường (bất sinh bất diệt) và là sự chấm dứt của khổ
Các pháp hữu vi thì sinh và diệt, vì thế chúng cũng được gọi là uẩn (khanda). Từ góc độ 4 pháp chân đế nêu trên thì Ngũ uẩn được hiểu như sau:
- Tâm là thức uẩn
- Tâm sở là thọ tuẩn, tưởng uẩn và hành uẩn
- Sắc là sắc uẩn
- Niết bàn không phải là uẩn vì nó là pháp vô vi (pháp không sinh khởi, không do duyên tạo). Không thể nói Niết bàn đã sinh khởi, chưa sinh khởi, hay sẽ sinh khởi, nó không thể được mô tả trong quá khứ, tương lai hay hiện tại và nó hoàn toàn ly uẩn (khandha-vimuta)
II. Tâm, tâm sở và tâm lộ
Với nền tảng trên, bây giờ chúng ta đi sâu thêm một chút vào pháp chân đế rất thú vị là Tâm, nó có đặc tính là sinh khởi để kinh nghiệm một đối tượng nào đó rồi lại diệt đi ngay tức khắc. Nhân tiện nhắc lại một chút rằng Tâm, cũng như mọi uẩn khác, là pháp sinh khởi do duyên hay duyên khởi. Duyên để tâm sinh khởi thì vô cùng đa dạng, trong đó có 1 loại duyên gọi là đồng sinh duyên: Tâm không sinh khởi một mình mà bao giờ cũng sinh khởi cùng các tâm sở. Các tâm sở sinh khởi đồng thời với tâm, hỗ trợ tâm và diệt đi cũng cùng với tâm. Mối quan hệ tương duyên này không chỉ giữa tâm và tâm sở mà nó là mối quan hệ phổ quát, bao trùm Ngũ uẩn. Trên thực tế, trong cõi người và toàn bộ các cõi dục giới, sắc giới, tâm không bao giờ sinh khởi một mình mà luôn sinh khởi cùng với 4 uẩn còn lại. Ngũ uẩn vì thế nương vào nhau mà vận hành.
Từ góc độ pháp chân đế mà nói thì không có con người, không có chúng sinh nào cả mà con người, chúng sinh chỉ là 1 khái niệm, một tập hợp, hay tạm gọi là duyên hợp của Ngũ uẩn cứ sinh diệt sinh diệt liên tiếp mà thôi. Xin nhắc lại một lần nữa, thực tại tột cùng là không có con người, không có con vật, không có phàm nhân hay thánh nhân và cũng không có Đức Phật nào hết. Không có ai, kể cả đức Phật, mà chỉ có các Ngũ Uẩn khác nhau mà thôi.
Trong tất cả các Ngũ Uẩn ấy, tại mỗi khoảnh khắc luôn có một và chỉ một tâm sinh khởi. Vì vô thường là đặc tính của mọi pháp hữu vi nên tâm sinh lên bởi duyên rồi lại diệt đi nhanh chóng, bản thân sự diệt đi của tâm này lại trở thành 1 trong các duyên khiến tâm tiếp nối nó sinh khởi lên không gián đoạn. Xem xét dòng tâm thức này, đức Phật giảng rằng có 2 loại tâm: 1 là tâm hộ kiếp với chức năng duy trì sự sống và 2 là các tâm sinh khởi theo lộ trình đảm nhận các chức năng thấy, nghe, ngửi, nếm, … suy nghĩ, gọi tắt là các tâm lộ. Riêng về tâm lộ thì một điều thật đáng kinh ngạc là chúng luôn diễn tiến theo một trình tự nhất định không thay đổi.
Dưới đây là minh hoạ cho 1 lộ trình tâm (lộ tâm) điển hình:
Tâm hộ kiếp rúng động> Tâm hộ kiếp dứt dòng> Tâm hướng ý môn> Tâm đổng lực 1> Tâm đổng lực 2>…… > Tâm đổng lực thứ 7> Tâm na cảnh 1> Tâm na cảnh 2
Một lộ tâm cùng loại sẽ luôn diễn tiến với chính xác 12 tâm nối tiếp theo đúng trình tự như trên. Mỗi tâm trong 1 lộ tâm khi mang cùng một tính chất nhất định (ví dụ thiện hoặc bất thiện) thì khi sinh khởi, số lượng và tính chất các tâm sở đồng sinh với tâm ấy cũng là hoàn toàn xác định.
Tính xác định của tâm lộ cho thấy các thực tại tuân theo các quy luật riêng, các tâm sinh khởi là theo các điều kiện và trật tự xác định chứ không theo một ý chí chủ quan nào cả, không theo sự lựa chọn hay sự kiểm soát của bất kỳ cái "ngã" nào cả. Chỉ khi đức Phật, và sau đó là các vị Thánh đệ tử tự mình thực chứng được những điều này thì mới có đủ duyên khiến cho ngã kiến tan rã và vô minh tận diệt.
Sau đây là bảng tham khảo tổng hợp đầy đủ các tâm cùng với các tâm sở đồng sinh.
Nếu hiểu rõ dần và suy xét thêm từng kết hợp trên, nó có thể trở thành duyên để ta hiểu căn nguyên của toàn bộ các kinh nghiệm đa dạng và sinh động về thế giới này thực chất chỉ là những vận hành phức hợp của tâm/ tâm sở. Bản thân sự vận hành đó chưa bao giờ được hiểu, cho đến khi Pháp của đức Phật xuất hiện trên thế gian này.
III. Niết bàn
Như trên đã đề cập, Niết bàn không phải là uẩn, nó hoàn toàn ly uẩn hay trống rỗng các uẩn. Nó không sinh khởi do duyên, vì thế nó không được hình thành nên từ bất kỳ pháp chân đế nào khác. Nói cách khác, không có bất kỳ thực tại nào khác (Niết bàn) có thể trở thành Niết bàn mà Niết bàn cũng không thể trở thành bất kỳ thứ nào khác. Niết bàn là thường hằng, không thay đổi và nó cũng không kinh nghiệm bất kỳ đối tượng nào. Nó hoàn toàn ly uẩn nên không thể nói trong Niết Bàn có Ngũ Uẩn hay trong Ngũ Uẩn có Niết bàn hay có Ngũ Uẩn trở thành Niết bàn. Niết bàn là sự đoạn diệt hoàn toàn của các pháp hữu vi và cũng đồng nghĩa với sự đoạn diệt hoàn toàn của Ngũ uẩn.
IV. Niết bàn và Giác ngộ
Như đã trình bầy ở trên, phàm nhân hay Thánh Nhân không thực có, mà tất thẩy chỉ là các Ngũ Uẩn. Người không quan tâm đến Pháp chỉ là Ngũ Uẩn, mà hành giả đạo Phật cũng chỉ là Ngũ Uẩn. Cũng cùng là “1 người" ấy, trước khi giác ngộ là Ngũ Uẩn mà sau khi giác ngộ thì cũng vẫn là Ngũ Uẩn, trước giác ngộ là dòng tâm ấy và sau giác ngộ cũng vẫn là dòng tâm ấy. Nếu không có góc nhìn kỹ thuật, ai cũng có thể nói bất kỳ điều gì về Giác ngộ và thẩy đều có vẻ đúng, dù diễn đạt mơ hồ mông lung ra sao. Nhưng từ nền tảng Pháp chân đế, Giác ngộ có thể được hiểu một cách hết sức rõ ràng và tường tận.
Ở đây ta hãy bắt đầu từ vài so sánh kỹ thuật đơn giản giữa các tâm trong cùng dòng tâm trước và sau thời điểm giác ngộ:
- Trước: Tâm còn phiền não và còn có các nguyên nhân của phiền não.
- Sau: Tâm không còn phiền não và các nguyên nhân của phiền não đã bị tiễu trừ
- Trước: Tâm còn sinh kèm với các tâm sở bất tịnh.
- Sau: Tâm chỉ sinh kèm với các tâm sở tịnh hảo
- Trước: Tâm có năng lực tạo nghiệp (thiện/bất thiện).
- Sau: Tâm không còn năng lực tạo nghiệp (duy tác)
- Trước: Tâm là tâm dục giới, kinh nghiệm các đối tượng dục giới và dính mắc vào đối tượng.
- Sau: Tâm vẫn là tâm dục giới, vẫn kinh nghiệm các đối tượng dục giới như cũ nhưng không còn dính mắc vào đối tượng nữa
Cụ thể, điều gì đã dẫn đến sự biến đổi đó, bí mật chính là nằm ở thời điểm giác ngộ với sự sinh khởi của 1 loại tâm đặc biệt: Tâm siêu thế.
Trong dòng tâm một phàm nhân và một hành giả trước khi giác ngộ thì các tâm sinh diệt liên tiếp và chỉ có thể kinh nghiệm các đối tượng thông thường, hầu hết là các khái niệm: con người, đồ đạc, phong cảnh, cảm xúc và thi thoảng là kinh nghiệm các sắc pháp, các tâm này được gọi là các tâm hiệp thế. Thế nhưng tại thời điểm giác ngộ, một tâm đặc biệt sinh khởi lên, tâm này không lấy các đối tượng thông thường nêu ở trên làm đối tượng mà lấy Niết bàn làm đối tượng. Tâm mà lấy Niết bàn làm đối tượng thì gọi là tâm siêu thế, và nó chỉ sinh lên đúng 1 lần duy nhất ở thời điểm giác ngộ, sau thời điểm đó, hành giả trở thành một vị A la hán hoặc (vô cùng hy hữu hơn) một vị Phật. Tâm siêu thế này sinh kèm với các tâm sở đặc biệt, cụ thể là 8 tâm sở: Trí tuệ (panna), Chánh tư duy (samma-sankappa), Chánh Ngữ (samma-vaca), Chánh Nghiệp (samma-kammanta), Chánh Mạng (samma-ajiva, Chánh tinh tấn (samma-vayama), Chánh Niệm (samma-sati), Chánh Định (samma-samadhi) , trong đó có 3 tâm sở có chức năng tận diệt các nguồn gốc của phiền não. Tâm siêu thế này gọi là Tâm Đạo. Lưu ý, Tâm đạo thì không phải là Niết bàn, mà là Tâm lấy Niết bàn làm đối tượng. Tâm đạo vẫn là pháp hữu vi, sinh rồi diệt, trong khi đó Niết bàn là pháp vô vi.
Tâm Đạo này cũng là 1 tâm lộ, và nó sinh khởi trong lộ tâm đạo chính xác như sau:
Tâm hộ kiếp rúng động> Tâm hộ kiếp dứt dòng> Tâm hướng ý môn> Tâm chuẩn bị> Tâm cận định> Tâm thuận thứ > Tâm chuyển tộc> Tâm đạo> Tâm quả 1> Tâm quả 2 > Tâm quả 3> Tâm hộ kiếp
Sau khi lộ tâm đạo nói trên diệt đi, chúng lại được tiếp nối bởi các tâm hữu phần và rồi lại đến các lộ tâm hồi quán, dòng tâm trong tập hợp Ngũ Uẩn vẫn cứ thế tiếp tục cho đến khi tâm tử sinh lên.
V. Tứ Thánh Đế và Giác Ngộ
Chúng ta cũng có thể xem xét thêm về Giác Ngộ từ một hướng kỹ thuật còn đầy đủ hơn nữa.
Vì toàn bộ thực tại không có gi khác ngoài các pháp chân đế, nên Tứ Thánh Đế mà đức Phật đã giảng trong bài kinh đầu tiên (Kinh Chuyển pháp luân) cũng được bao gồm trong các pháp chân đế, chúng ta có thể xem xét cụ thể về điều này:
- Thánh Đế thứ nhất (Khổ đế) nói về cái Khổ, Khổ là đặc tính chung của toàn bộ các pháp hữu vi, là đặc tính chung của ba pháp chân đế: Tâm, Tâm sở và Sắc
- Thánh Đế thứ hai (Tập đế) nói về nguyên nhân của Khổ, đó là tham ái. Tham ái là một thực tại, một pháp chân đế riêng biệt, cụ thể nó là Tâm sở tham (lobha)
- Thánh Đế thứ ba (Diệt đế) nói về nơi diệt tận các khổ, đó là Niết bàn chân đế
- Thánh Đế thứ tư (Đạo đế) nói về Bát Thánh Đạo với 8 chi phần cụ thể. 8 chi phần đó cùng là 8 pháp chân đế, mỗi chi phần tương ứng với 1 Tâm sở tịnh hảo đặc biệt: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy .....
Với nền tảng trên, Niết bàn và Giác ngộ được định nghĩa về mặt kỹ thuật hoàn toàn rõ ràng như sau:
- Niết bàn là nơi tận diệt của Khổ, nó là 1 pháp chân đế
- Giác ngộ là sự xuyên thấu (realization) Tứ Thánh Đế ở mức độ thực chứng, hay nói ngắn gọn hơn: Giác ngộ là sự kinh nghiệm trực tiếp Tứ Thánh Đế
Như đã đề cập, thế giới của phàm nhân là thế giới được kinh nghiệm bởi các tâm hiệp thế sinh khởi trong tập (duyên) hợp Ngũ Uẩn. Do vô minh (1 tâm sở cụ thể: tâm sở si moha) mà phàm nhân chỉ sống trong thế giới của khái niệm mà không bao giờ biết, thậm chí nghe nói đến các pháp chân đế.
Trong trường hợp các hành giả, do có duyên được nghe giảng về pháp chân đế mà ở họ hình thành cái hiểu ở mức tư duy về thực tại. Hiểu biết ở mức tư duy này đến lượt nó làm duyên cho kinh nghiệm trực tiếp về các pháp chân đế sinh diệt. Lúc này hành giả bắt đầu kinh nghiệm được một chút các thực tại tối hậu là nền tảng cho thế giới khái niệm của phàm nhân, các thực tại vốn luôn ở đó nhưng đã bị vô minh che kín trong muôn kiếp. Các kinh nghiệm mới về thực tại tối hậu này tích luỹ lại làm duyên cho sự kinh nghiệm trực tiếp các đặc tính chung: Khổ, Vô Thường, duyên khởi …., cũng như sự kinh nghiệm đặc tính riêng của tâm sở Tham (lobha).
Đến đây các hành giả đã kinh nghiệm trực tiếp 2 Thánh đế đầu tiên về Khổ và Tham ái, tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ. Trải qua thời gian, đến lúc sự kinh nghiệm trực tiếp các pháp chân đế hữu vi này cuối cùng cũng tích luỹ đến mức độ chín muồi, đủ để tạo duyên cho kinh nghiệm trực tiếp về pháp vô vi (chính là Niết bàn, chính là Thánh đế thứ 3) sinh khởi. Thời điểm điều này thực sự xẩy ra là trong lộ tâm đạo như đã nói ở trên. Trong lộ tâm này, ở 3 khoảnh khắc trước Tâm Đạo (là 3 tâm: cận định, thuận thứ và chuyển tộc) trí tuệ (tâm sở panna) đã sinh khởi và xuyên thấu 2 Thánh Đế đầu tiên và làm duyên cho Tâm Đạo sinh lên cùng 8 tâm sở đặc biệt của Đạo Đế để kinh nghiệm trực tiếp Niết Bàn. Lúc này Lộ tâm đạo trực tiếp xuyên thấu toàn bộ 4 Thánh Đế và đó chính là Giác Ngộ.
Mong rằng hiểu biết về các pháp thực tại sẽ đến với mọi người!
* Các kiến thức kỹ thuật về thực tại vô cùng chi tiết và đa dạng. Bài này chỉ đề cập ở mức độ hết sức khái lược nên có những chỗ mô tả kỹ thuật còn dừng lại ở mức độ tương đối. Bạn đọc nào có câu hỏi hoặc trao đổi thêm cứ thoải mái inbox cho mình nhé.
Em, anh vừa đọc xong. Anumodhanna.
ReplyDeleteCó vài nhận xét anh đã gửi qua messenger!
Thân mến!
dạ, tri ân anh!
Delete