Nhập môn Pháp chân đế: X. Chức năng của tâm (citta)

 Tâm có thể kinh nghiệm tất cả các đối tượng qua sáu môn. Các đối tượng kinh nghiệm bởi tâm có thể chia làm 6 loại.

  1. Đối tượng thị giác (rūparammaṇa), có thể được nhận biết bởi tâm qua nhãn môn và ý môn
  2. Âm thanh (saddārammaṇa), có thể được nhận biết bởi tâm qua nhĩ môn và ý môn
  3. Mùi (gandhārammaṇa), có thể được nhận biết bởi tâm qua tỷ môn và ý môn
  4. Vị (rasārammaṇa), có thể được nhận biết bởi tâm qua thiệt môn và ý môn
  5. Đối tượng xúc chạm (phoṭṭhabbārammaṇa), có thể được nhận biết bởi tâm qua thân môn và ý môn
  6. Pháp trần (dhammarammaṇa), chỉ có thể được nhận biết bởi tâm qua ý môn mà thôi

Như vậy chỉ có duy nhất lộ trình ý môn là có thể kinh nghiệm cả sáu loại đối tượng.

Mỗi tâm sinh khởi đảm nhận một chức năng và rồi diệt đi. Thức tái tục, cái tiếp nối tâm tử của kiếp sống trước đảm nhận chức năng tái sinh chỉ một lần mà thôi. Sau khi tâm đó diệt đi, các tâm hộ kiếp (bhavanga citta) sinh khởi. 

I. Tâm lộ đầu tiên trong lộ trình tâm

Như đã biết, trước khi tâm lộ sinh khởi, sẽ có các tâm hộ kiếp được gọi là hộ kiếp quá khứ, hộ kiếp rung động và hộ kiếp dứt dòng. Với hộ kiếp dứt dòng, dòng hộ kiếp ngưng lại và bắt đầu chuỗi các tâm lộ sinh khởi theo lộ trình. Tâm lộ đầu tiên trong một lộ trình bao giờ cũng đảm nhận chức năng hướng tâm (āvajjana), nó hướng tâm tới đối tượng xuất hiện qua một trong các môn (cửa giác quan), tâm này không tham gia vào chuỗi tiếp nối của các tâm hộ kiếp mà hướng về đối tượng đang in dấu lên một trong các căn. 

Nếu đối tượng in dấu lên sắc nhãn căn, Ngũ môn hướng tâm (pañca-dvārāvajana-citta) sinh khởi và đảm nhận chức năng hướng vào nhãn môn. Nếu đối tượng in dấu lên một trong các sắc căn khác thì ngũ môn hướng tâm sẽ đảm nhận chức năng hướng tới đối tượng qua môn tương ứng, nó kinh nghiệm đối tượng đang tiếp xúc với một trong năm căn nhưng nó không thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm như ngũ thức.

Nếu đối tượng tiếp xúc với ý môn chứ không tiếp xúc với một trong ngũ môn thì Ý môn hướng tâm (mano-dvārāvajana-citta) sẽ sinh khởi, đảm nhận chức năng chỉ hướng đến đối tượng qua ý môn mà thôi.

Ý môn hướng tâm thì khác với Ngũ môn hướng tâm. Ngũ môn hướng tâm chỉ có thể sinh khởi ở lộ trình ngũ môn mà không thể sinh khởi ở lộ trình ý môn, còn ý môn hướng tâm chỉ có thể đảm nhận chức năng hướng tâm qua ý môn. Như thế, đây là hai loại tâm lộ đảm nhận chức năng hướng tâm.

Khi ngủ say, chúng ta không kinh nghiệm bất cứ đối tượng nào qua một trong sáu căn, vì thế, không có ngũ môn hướng tâm hay ý môn hướng tâm ở những thời điểm đó. Kể cả khi thức, có những khoảnh khắc chúng ta không kinh nghiệm bất cứ đối tượng nào qua các căn và tại những khoảnh khắc đó, chỉ có các tâm hộ kiếp sinh khởi giữa những lộ trình tâm khác nhau. 

II. Đối tượng giác quan, Ngũ môn hướng tâm và Nghiệp

Trong quá trình sinh diệt của các tâm hộ kiếp, mùi, chẳng hạn, có thể sinh khởi và in dấu lên sắc tỷ căn. Dòng hộ kiếp chưa ngừng ngay mà phải thêm 3 tâm hộ kiếp nữa: quá khứ, rung động và dứt dòng thì tâm lộ đầu tiên là Ngũ môn hướng tâm mới sinh khởi để hướng tâm tới đối tượng qua tỷ môn. Tâm này biết đối tượng đang in dấu lên tỷ môn nhưng nó vẫn chưa thể ngửi được, giống như khi ta biết một vị khách đã tới cửa nhưng chưa biết được người ấy là ai. 

Lấy ví dụ đối tượng giác quan khác là âm thanh. Âm thanh là sắc sinh khởi khi có duyên riêng cho nó sinh khởi. Âm thanh xuất hiện chỉ là một thực tại không kinh nghiệm gì cả, nó không mong muốn ai nghe hay không nghe nó. Âm thanh đã sinh khởi có in dấu lên nhĩ căn hay không là do duyên quyết định. Với một người ngủ say, thậm chí âm thanh của sấm sét cũng không xuất hiện. Tuy nhiên, với một số người khác thì vẫn chính âm thanh đó lại trở thành vị khách của họ nếu có đủ duyên. Tuỳ vào các duyên tố mà một đối tượng có thể trở thành vị khách của ai đó qua các môn như mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Một trong những duyên quan trọng nhất ở đây là Nghiệp (kamma). Nghiệp được tích luỹ sẽ làm duyên cho sự sinh khởi của tâm quả, pháp chân đế kinh nghiệm vị khách ấy qua môn tương ứng. 

Như vậy, các vị khách của xuất hiện qua năm giác quan sự thực chỉ là các sắc pháp sinh lên ngắn ngủi rồi diệt đi, chúng biến mất hoàn toàn và không còn bao giờ quay lại trong vòng luân hồi. Không có chúng sinh, con người, tự ngã hay bất kỳ cái gì ở đó. Không ai biết hay kiểm soát được trong một ngày, vị khách nào sẽ tới qua cửa nào và vào khoảnh khắc nào. 

Từ góc độ tột cùng, những vị khách khác nhau xuất hiện này chỉ là các sắc (rūpa) mà thôi. Sắc thì không biết gì cả và vì vậy nó không có ý định xấu hay tốt nào với bất kỳ ai hết, không phải là bạn hay thù của ai hết. Cái quyết định vị khách đến với chúng ta là bạn hay thù nằm ở phẩm chất thiện hay bất thiện của các tâm tiếp theo trong lộ trình. 

III. Các tâm lộ trong lộ trình ngũ môn và trật tự của chúng

Bất cứ tâm nào sinh khởi và kinh nghiệm đối tượng qua một trong sáu căn thì đều được gọi là tâm lộ (nghĩa là sinh khởi trong một lộ trình). Ngũ môn hướng tâm là tâm lộ đầu tiên kinh nghiệm đối tượng trong một lộ trình ngũ môn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân môn). Trong lộ trình ngũ môn, có bảy loại tâm lộ sinh khởi theo một trật tự cố định. Khi tâm lộ đầu tiên - ngũ môn hướng tâm sinh khởi, đảm nhận chức năng hướng tới đối tượng và diệt đi, tâm lộ thứ hai sinh khởi. Trong lộ trình nhãn môn, tâm lộ thứ hai này là nhãn thức (tâm thấy), đảm nhận chức năng thấy (đối tượng) chỉ một lần và diệt đi. Cũng như vậy trong trường hợp các lộ trình ngũ môn khác: tâm lộ thứ hai là nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức (cùng với nhãn thức, các tâm này gọi chung là ngũ song thức) sinh khởi, đảm nhận chức năng riêng của chúng một lần duy nhất rồi diệt đi. Ngoài ngũ song thức thì không tâm nào có thể sinh khởi tiếp ngay sau ngũ môn hướng tâm.

Khi tâm lộ thứ hai diệt đi, tâm lộ thứ ba là tiếp nhận tâm (sampaṭicchana citta) sinh khởi, đảm nhận chức năng tiếp nhận đối tượng đã được kinh nghiệm bởi một trong ngũ song thức trước đó. Khi tâm lộ thứ ba diệt đi, tâm lộ thứ tư là suy đạt tâm (sanṭīraṇa citta) sinh khởi, đảm nhận chức năng thẩm định đối tượng chỉ một lần rồi diệt đi. Tâm lộ thứ năm là xác định tâm (vothapana citta) sinh khởi, đảm nhận chức năng xác định đối tượng, nó dọn đường cho tâm thiện, hoặc tâm bất thiện hoặc tâm duy tác sinh khởi sau nó.

Khi tâm thứ năm (xác định tâm) diệt đi, tâm lộ thứ sáu thuộc chủng loại (jāti) thiện, bất thiện, hoặc duy tác sẽ sinh lên bảy lần liên tiếp trong một luồng gọi là luồng tốc hành tâm (javana citta) và đảm nhận chức năng "chạy qua" đối tượng. Đây cũng chính loại tâm mà Chú giải Bộ pháp tụ mô tả như là "được tích luỹ do năng lực của chuỗi tốc hành tâm". Chức năng của tốc hành tâm được đảm nhận bảy lần bởi bảy tốc hành tâm sinh khởi liên tiếp.

Như đã nói, tất cả các loại tâm lộ kinh nghiệm đối tượng qua ngũ môn cũng như ý môn sinh khởi theo một trật tự cố định (gọi là citta niyāma), trật tự này là do duyên và do đó nằm ngoài sự kiểm soát của bất cứ tự ngã nào. Bởi các duyên tương ứng mà các tâm lộ, đầu tiên là Ngũ môn hướng tâm sinh khởi một lần, rồi đến tâm lộ thứ hai là một trong các Ngũ song thức sinh khởi một lần, tiếp theo là Tiếp nhận tâm sinh khởi một lần, Suy đạt tâm sinh khởi một lần, Xác định tâm sinh khởi một lần và rồi Tốc hành tâm sinh khởi bảy lần liên tiếp. Việc các tốc hành tâm sinh khởi theo chuỗi tiếp nối bảy lần liên tiếp như vậy cũng là do duyên quyết định.

trình tự các tâm trong lộ tâm ngũ môn

IV. Tốc hành tâm và sự tích luỹ của phiền não

Có một điểm đặc biệt là trong cả lộ trình tâm ngũ môn, nơi duy nhất mà tâm (thuộc chủng loại) thiện, bất thiện sinh khởi là trong Tốc hành tâm. Như thế, sau khoảnh khắc của cái thấy, nếu ta vui thú với đối tượng được thấy thì sẽ có bảy bất thiện tâm căn tham sinh khởi liên tiếp, tức là bất thiện tâm sẽ  sinh khởi bảy lần nhiều hơn nhãn thức, cái chỉ thấy một lần duy nhất. Bằng cách ấy, với trật tự không thể thay đổi của lộ trình tâm, bất thiện được tích luỹ trong cuộc sống hằng ngày của tất cả chúng ta. Do những tích luỹ ngoan cố ấy của bất thiện, sự tận diệt phiền não là cực kỳ khó khăn và không thể đạt tới được nếu không có hiểu biết đúng về thực tại (đặc tính chỉ có ở tâm sở trí tuệ - pañña cetasika). Nếu ai đó cho rằng tận diệt phiền não là dễ dàng thì hẳn là người ấy chưa được học về lộ trình của sự tích luỹ, sự tích luỹ của tham, sân, si và tất cả những thói xấu khác, người ấy không hiểu rằng phiền não sinh khởi bảy lần thường xuyên hơn cái nghe, thấy, ngửi, nếm, xúc chạm, người ấy đã không tính đến luật nhân quả, người ấy đã không thực sự suy xét những nhân duyên đã tích luỹ trong vòng luân hồi vô cùng tận. Chỉ có phát triển hiểu biết đúng về đặc tính của tất cả các loại thực tại thì khi ấy phiền não mới có thể được tận diệt theo từng giai đoạn.

V. Sự thực hành đúng đắn

Khi ta nghe Pháp hay nghiên cứu đối tượng của tâm, chánh niệm của tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) có thể sinh khởi và hay biết về thực tại như chúng là và khi ấy ta đang đi theo sự thực hành đúng đắn, đang phát triển con đường sẽ dẫn đến sự chứng ngộ niết bàn, nơi chấm dứt của mọi phiền não. Còn khi chánh niệm không hay biết về các đặc tính của thực tại đang xuất hiện thì đó không phải con đường của tứ niệm xứ, chúng ta đang không phát triển con đường dẫn tới sự tận diệt phiền não, cho dù có thiện pháp (kusala dhamma).

Cuốn Chú giải Bộ pháp tụ có nói rằng các pháp bất thiện cũng như pháp thiện nếu không thuộc con đường Bát Chánh Đạo sẽ dẫn tới sự tích luỹ tiếp tục của vòng luân hồi. Khi chúng ta không hay biết về đặc tính của thực tại khi chúng xuất hiện, không hiểu chúng như chúng là, ta vẫn đang tích luỹ và chồng chất các kiếp sống tương lai, kiếp này sau kiếp khác, giống như một người xếp gạch xây một bức tường. Tuy nhiên, khi chánh niệm sinh khởi và hay biết đặc tính của thực tại như chúng là, đó chính là Đạo lộ, là sự tán ly (ācayagāmin), bởi lúc đó ta không chồng chất pháp dẫn tới sự tích luỹ, cũng giống như một người phá đi bức tường mà người xếp gạch đã tạo nên. Tại khoảnh khắc này chúng ta giống người phá gạch hay chúng ta giống người xếp gạch?

--> tiếp theo

--- Lời bạt của người viết ----

Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch. 

Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.

---- Lưu ý (disclaimer) ----

Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.

Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.

Comments

Popular Posts