Nhập môn Pháp chân đế: XII. Bản chất của tốc hành tâm

Từ góc độ pháp chân đế, cuộc sống hằng ngày của chúng ta đơn giản chính là sự sinh diệt của các tâm hộ kiếp (bhavaga citta) và các tâm lộ (vīthi citta, tức là các tâm sinh khởi trong lộ trình). Các thuật ngữ trong Giáo pháp mô tả chức năng và đặc tính của các thực tại, những thực tại ấy không ở trong sách mà xuất hiện chính trong cuộc sống hằng ngày, chính là các thực tại sinh khởi mỗi khi thấy, nghe, ngửi, nếm .... hay suy nghĩ. Chẳng hạn ở thời điểm này ta đang thấy, thế thì chúng ta có thể biết rằng đang có các tâm sinh khởi trong lộ trình nhãn môn, rằng có nhãn môn hướng tâm sinh khởi, rồi nhãn thức, rồi tiếp nhận tâm, suy đạt tâm, xác định tâm và rồi các tốc hành tâm (javana citta) ... sinh khởi. Tất cả các tâm này sinh và diệt một cách liên tiếp. Hiểu biết đúng về Giáo pháp sẽ nhắc chúng ta rằng tốc hành tâm sinh khởi sau cái thấy, cái nghe .... có thể là tâm thiện (kusala citta) hoặc bất thiện (akusala citta) sinh khởi theo chặp trong một luồng riêng.

I. Chủng loại của tâm hộ kiếp và tâm lộ

Chúng ta đã biết tâm có bốn chủng loại (jāti): Thiện (kusala), bất thiện (akusala), quả (vipāka) và duy tác (kiriya). Bây giờ chúng ta sẽ xem xét chủng loại của các tâm lộ (sinh khởi trong lộ trình) và các tâm không sinh khởi trong lộ trình. 

Tâm đầu tiên của một kiếp sống là thức tái tục. Nó thuộc chủng loại gì? Nó là tâm quả, là quả (vipāka) của nghiệp. Chúng ta có rất nhiều nghiệp trong quá khứ nhưng chỉ duy nhất một nghiệp là duyên cho thức tái tục sinh khởi tiếp nối tử thức của kiếp sống trước. Thức tái tục là tâm quả và nó đảm nhận chức năng tái sinh một lần duy nhất trong cả kiếp sống ở thời điểm đầu tiên của kiếp sống ấy, nó sinh lên một lần rồi diệt đi ngay lập tức.

Khi thức tái tục diệt đi, nó là "vô gián duyên" (anatara paccaya) cho sự sinh khởi tức thì của tâm tiếp theo. Tâm tiếp theo này chưa phải là tâm lộ mà là tâm hộ kiếp đầu tiên, nó đảm nhận chức năng hộ kiếp (bhavanga) và cũng là quả (vipāka). 

Tâm hộ kiếp (bhavanga citta) sinh và diệt một cách liên tục, nối tiếp nhau cho đến khi tâm lộ xuất hiện. Tâm lộ đầu tiên trong một lộ trình luôn là tâm đảm nhận chức năng hướng đến đối tượng và luôn thuộc chủng loại Tâm duy tác (kiriya citta). Tâm lộ đầu tiên có hai loại: Ngũ môn hướng tâm cho lộ trình tâm qua ngũ môn và Ý môn hướng tâm cho lộ trình tâm qua ý môn. Hai tâm này đều là tâm duy tác và có thể kinh nghiệm cả đối tượng khả ái (iṭṭhārammaṇa) lẫn bất khả ái (aniṭṭhārammaṇa). Hai tâm duy tác này được Chú Giải Bộ Pháp Tụ mô tả rằng "chúng vô sinh, giống như một cái cây có hoa bị gió táp", tức là chúng không thể tạo quả.

Nếu là sau khi Ngũ môn hướng tâm diệt đi, tâm tiếp theo sẽ là một trong các tâm thuộc Ngũ song thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức ...., và tâm này thuộc chủng loại là quả (vipāka). Nếu tâm đó là Nhãn thức thì nó có thể là một trong hai loại: Nhãn thức quả thiện hoặc Nhãn thức quả bất thiện. Nhãn thức quả thiện thì được làm duyên bởi Nghiệp thiện (kusala kamma) và thấy đối tượng thị giác khả ái. Nhãn thức quả bất thiện thì được làm duyên bởi Nghiệp bất thiện (akusala kamma) và thấy đối tượng thị giác bất khả ái. Tương tự, Nhĩ thức cũng là tâm quả, được làm duyên bởi nghiệp quá khứ. Không ai biết được loại âm thanh nào Nhĩ thức sẽ nghe ở một thời điểm cụ thể, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào duyên; vào nghiệp đã tạo trong quá khứ. Khi mùi được ngửi qua mũi, đó chính là tâm quả là tỷ thức. Khi vị được nếm qua lưỡi, đó chính là tâm quả là thiệt thức. Khi nóng, lạnh, cứng, mềm được kinh nghiệm qua thân căn, đó chính là tâm quả là thân thức. Tất cả các tâm quả này sinh khởi đều phụ thuộc vào Nghiệp quá khứ. 

Khi Ngũ song thức đã diệt đi, tâm lộ sinh khởi tiếp theo là Tiếp nhận tâm, cái làm chức năng tiếp nhận đối tượng. Tâm này cũng thuộc chủng loại là quả và cũng là kết quả của cùng một Nghiệp đã tạo ra các Ngũ song thức trước đó. Cũng vẫn Nghiệp này tạo ra tâm sinh khởi ngay sau Tiếp nhận tâm trong lộ trình: Suy đạt tâm, cái làm chức năng suy đạt và cũng thuộc chủng loại là quả (vipāka).

Sau khi Suy đạt tâm diệt đi thì Xác định tâm sinh khởi, tâm này thực chất chính là Ý môn hướng tâm, nhưng khi sinh khởi trong lộ trình ngũ môn thì nó đảm nhận chức năng xác định đối tượng. Xác định tâm do đó thuộc chủng loại là duy tác (kiriya).

Khi Xác định tâm diệt đi, nó được tiếp nối bởi các tốc hành tâm lộ (javana vīthi citta), các tâm này sinh khởi theo chặp liên tục và đảm nhận chức năng "chạy qua đối tượng". Thông thường có bảy chặp tốc hành tâm thuộc cùng một loại tâm sinh và diệt liên tiếp trong luồng tốc hành javana. Tốc hành tâm lộ (javana vīthi citta) thì có thể thuộc vào một trong ba chủng loại: thiện (kusala), bất thiện (akusala) hoặc duy tác (kiriya, chỉ trong trường hợp một vị A la hán). Với một người chưa phải A la hán, tốc hành tâm lộ sẽ luôn là tâm thiện hoặc tâm bất thiện. Chỉ một vị A la hán mới có các tâm duy tác đảm nhận chức năng tốc hành tâm (javana), những tốc hành tâm này do đó không phải là thiện, cũng không phải bất thiện, chúng không thể tạo quả. Các tốc hành tâm lộ duy tác của một vị A la hán thì không có quả, "giống như hoa của một cái cây đã bị nhổ rễ", bởi vì các vị A la hán đã tận diệt mọi phiền não.

II. Một ẩn dụ về lộ trình ngũ môn

Ví dụ sau đây được sử dụng trong cuốn Chú Giải Bộ Pháp Tụ để giải thích sự sinh khởi của các tâm lộ trong một lộ trình ngũ môn:

Có một vị vua kia lên giường và chìm vào giấc ngủ say. Người hầu cận đang ngồi xoa bóp chân cho nhà vua; một người canh cổng điếc đang đứng ở cửa. Có ba tên lính canh đứng thành hàng. Thế rồi có một người dân trong làng lân cận đem đến dâng cho nhà vua quà tặng, chạy lại gõ cửa. Vì điếc nên người canh cổng không nghe thấy tiếng động. Người hầu đang xoa bóp chân cho nhà vua ra hiệu cho người canh cổng mở cửa ra xem. Người lính canh đầu tiên nhận lấy món quà rồi trao lại cho người lính canh thứ hai, người này lại trao lại cho người lính canh thứ ba, đến lượt người này dâng món quà lên cho nhà vua, nhà vua liền thọ hưởng món quà này.

Ví dụ nói trên minh hoạ chức năng được đảm nhận bởi mỗi tâm lộ trong lộ trình ngũ môn. Sự in dấu của đối tượng lên nhãn căn giống như việc dân làng mang tới món quà và gõ vào cửa. Ở đây đối tượng chỉ có chức năng duy nhất là in dấu lên căn tương ứng. Dân làng không thể vào yết kiến nhà vua mà món quà cần được trao cho người lính thứ nhất, thứ hai và thứ ba rồi mới đến tay nhà vua. Chức năng của Ngũ môn hướng tâm có thể được so sánh với việc ra hiệu của người hầu cận đang xoa chân cho nhà vua khi người ấy biết rằng có một người khách đã tới và gõ vào cửa. Lúc này Ngũ môn hướng tâm hướng đến đối tượng đang in dấu lên căn tương ứng rồi diệt đi ngay. Sau đó, trong trường hợp của lộ trình nhãn môn, nhãn thức sinh khởi và đảm nhận chức năng thấy qua nhãn căn, lúc đó là nhãn môn. Điều này được so với người giữ cửa bị điếc mở cửa và nhìn. Chức năng thấy đối tượng in dấu trên nhãn môn chỉ được đảm nhận duy nhất bởi Nhãn thức. Đối tượng thị giác chỉ in dấu lên sắc là nhãn căn và các tâm của lộ trình nhãn môn cần phải biết đối tượng ấy; đối tượng này không thể chạy trốn hay thâm nhập vào một căn khác. Nhãn thức thì chỉ thấy đối tượng rồi diệt đi, nó không thể đảm nhận chức năng tiếp nhận đối tượng. Chức năng tiếp nhận đối tượng được đảm nhận bởi tâm khác: Tiếp nhận tâm, tâm này được so sánh với người lính gác thứ nhất tiếp nhận món quà và đưa nó cho người lính gác thứ hai. Suy đạt tâm như người lính gác thứ hai suy xét món quà và đưa nó cho người lính gác thứ ba. Xác định tâm như người lính gác thứ ba, xác định món quà và sau đó đưa món quà cho nhà vua. Vị vua thọ hưởng món quà ấy ám chỉ luồng tốc hành tâm tiếp nối và tận hưởng đặc tính chính yếu của đối tượng ấy.

Vị vua thọ hưởng đối tượng và điều này giải thích đặc tính của tâm thiện hoặc tâm bất thiện đảm nhận chức năng của tốc hành tâm là chạy qua đối tượng. Tốc hành tâm có thể thọ hưởng đối tượng với tham, sân hoặc với si và khi đó nó là tâm bất thiện; hoặc nó có thể là tâm thiện hay trong trường hợp của vị A la hán thì là tâm duy tác. Tốc hành tâm thì không tiếp nhận đối tượng, không suy đạt hay xác định đối tượng bởi những tâm trước đó đã đảm nhận những chức năng ấy rồi. Khi những tâm trước đó đã diệt đi, có duyên tố cho sự sinh khởi của tâm thiện, tâm bất thiện hoặc tâm duy tác chạy qua đối tượng trong một luồng tiếp nối bảy chặp tâm cùng loại đảm nhận chức năng tốc hành tâm thọ hưởng, tiêu hoá đối tượng ấy. 

III. Tốc hành tâm và các Duyên hệ

Việc có bảy tốc hành tâm sinh và diệt một cách liên tục thọ hưởng đối tượng là theo duyên hệ. Trong bảy tốc hành tâm, tốc hành tâm đầu tiên là tập hành duyên (asevana paccaya) cho tốc hành tâm thứ hai; cái sinh khởi và thọ hưởng đối tượng một lần nữa, và cứ như vậy cho đến tốc hành tâm thứ bảy (tốc hành tâm thứ bảy thì không phải là tập hành duyên cho tâm tiếp theo nữa). Tốc hành tâm lộ thiện (kusala javana vīthi citta), tốc hành tâm lộ bất thiện (akusala javana vīthi citta) hay tốc hành tâm lộ duy tác (kiriya javana vīthi citta) đều có thể là tập hành duyên cho sự sinh khởi của tốc hành tâm lộ tiếp theo cùng chủng loại. Nhờ loại duyên hệ này, có sự sinh khởi lặp lại của các tâm cùng một tính chất đảm nhận chức năng tốc hành tâm; và như vậy tâm thiện và tâm bất thiện có đủ sức mạnh để làm duyên nghiệp cho sự sinh khởi của quả (vipāka) trong tương lai. Hơn thế nữa, các tốc hành tâm có thể là thân y duyên (upanissaya paccaya) cho sự sinh khởi một lần nữa các tốc hành tâm lộ thiện hay tốc hành tâm lộ bất thiện trong tương lai. Sự sinh khởi thường xuyên trong các luồng tâm bất thiện khác nhau làm duyên cho sự tích luỹ ngày càng tăng của bất thiện. Bởi vậy, chúng ta mê đắm với những gì mà mình thấy ngay từ khi thức dậy và mở mắt. 

IV. Ba mức độ của phiền não

Khi chúng ta ngủ mơ hay suy nghĩ thì không có các tâm hộ kiếp mà có các tâm thuộc lộ trình ý môn, cái là suy nghĩ sinh khởi. Khi chúng ta ngủ say và không mơ là lúc có các tâm hộ kiếp. Khi có các tâm hộ kiếp, chúng ta không hay biết bất cứ đối tượng nào của thế gian này thông qua một trong sáu môn, nhưng điều ấy không có nghĩa rằng ở đó không còn phiền não nữa. Cùng với các tâm hộ kiếp, vẫn còn có các phiền não ngủ ngầm (anusaya kilesa) khác.

Có ba mức độ của phiền não:

  • Phiền não vi tế (anusaya kilesa), là phiền não đã được tích luỹ nằm trong lớp ngủ ngầm dưới dạng các khuynh hướng ngủ ngầm
  • Phiền não bậc trung (pariyuṭṭhāna kilesa), sinh khởi cùng với các tốc hành tâm
  • Phiền não bậc thô (vītikkama kilesa), sinh khởi cùng với các tốc hành tâm

Như vậy, ngay cả với các tâm không phải là tốc hành tâm, vẫn có những phiền não dưới dạng ngủ ngầm. Các vị A la hán đã hoàn toàn tận diệt phiền não và vì vậy không còn các phiền não ngủ ngầm nữa. 

V. Tóm tắt chủng loại của các tâm lộ trong lộ trình ngũ môn

Ngũ môn hướng tâm >> Ngũ song thức >> Tiếp nhận tâm >> Suy đạt tâm >> Xác định tâm >> Tốc hành tâm (7) >> Na cảnh tâm

Duy tác >> Quả >> Quả >> Quả >> Duy tác >> Thiện/Bất Thiện/Duy tác >> Quả

--> tiếp theo

--- Lời bạt của người viết ----

Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch. 

Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.

---- Lưu ý (disclaimer) ----

Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.

Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.

Comments

Popular Posts