Nhập môn Pháp chân đế: XIX. Thọ
Tâm (citta) đa dạng bởi các pháp tương hợp (các tâm sở đồng sinh với tâm). Một trong các pháp tương hợp ấy là tâm sở Thọ (vedanā). Tâm có thể được xếp loại theo các thọ đồng sinh như sau:
- Tâm đồng sinh với thọ hỷ (Somanassa sahagata)
- Tâm đồng sinh với thọ ưu (Domanassa sahagata)
- Tâm đồng sinh với thọ xả (hay còn gọi là thọ trung tính) (Upekkhā sahagata)
- Tâm đồng sinh với thọ lạc (Sukkha sahagata)
- Tâm đồng sinh với thọ khổ (Dukkha sahagata)
Tâm sở thọ (vedanā) thì luôn sinh khởi cùng với mọi tâm. Nếu tâm là pháp dẫn đầu trong việc nhận biết những đặc tính khác nhau của đối tượng thì tâm sở thọ "cảm nhận" đối tượng được kinh nghiệm. Tâm sở thọ có thể được chia làm năm loại: Thọ hỷ, thọ ưu, thọ lạc, thọ khổ và thọ xả.
Như đã biết, các tâm sở thì luôn cùng chủng loại (jāti) với tâm mà nó sinh kèm. Vì thế các tâm sở bất thiện (akusala cetasika) thì không thể sinh kèm tâm thiện, tâm quả hay tâm duy tác. Các tâm sở thiện (kusala cetasika) thì không thể sinh kèm với những tâm bất thiện, tâm quả hay tâm duy tác. Tương tự, các tâm sở quả (vipāka cetasika) thì không thể sinh kèm với tâm bất thiện, tâm thiện hay tâm duy tác. Với tâm sở thọ, tuỳ vào từng trường hợp mà nó có thể là thiện, bất thiện, quả hay duy tác.
I. Hiểu thêm về tâm sở Thọ
Thọ khổ, thọ lạc, thọ hỷ .... nghe qua tưởng ai cũng biết rõ nhưng thực tế thì không dễ để hiểu đúng. Vì thế Đức Phật đã thuyết giảng về đặc tính khác nhau của tất cả các pháp, bao gồm cả tâm sở thọ (vedanā cetasika) một cách chi tiết. Chẳng hạn thọ khổ (được kinh nghiệm mỗi khi ta khó ở, bệnh tật hay đau đớn...) là tâm sở sinh khởi cùng với tâm quả mà trong trường hợp này là thân thức. Thọ này không giống như thọ ưu là tâm sở sinh khởi cùng với tâm bất thiện. Thọ khổ và thọ ưu như vậy khác nhau về tính chất, thời điểm sinh khởi cũng như tâm đồng sinh. Nếu Đức Phật đã không thuyết giảng rất chi tiết loại thọ nào sinh kèm với từng chủng loại tâm: thiện, bất thiện, quả và duy tác; mọi người sẽ tiếp tục hiểu sai về tâm sở thọ. Ở ví dụ về thọ khổ và thọ ưu vừa rồi, cần hiểu rằng bất cứ khi nào chúng ta thấy đau đớn, khi đó có thọ khổ trên thân và đó chính là quả bất thiện. Thọ khổ này sinh khởi cùng tâm quả bất thiện (thân thức) chỉ trong một khoảnh khắc rất ngắn rồi diệt đi ngay, nó không kéo dài. Sau khi tâm quả ấy đã diệt đi rồi, có bối rối và lo lắng sinh khởi về cảm thọ đau ấy. Tại khoảnh khắc bối rối hay lo lắng ấy, tâm sinh khởi không còn là tâm quả nữa mà là tâm bất thiện sinh kèm với thọ ưu (domanassa) .
Phân tích trên cho thấy khi nghiên cứu Vi Diệu Pháp một cách chi tiết, chúng ta có thể có được hiểu biết đúng về loại tâm sở thọ đang sinh khởi cùng tâm. Hiểu đúng về bản chất của tâm sở thọ sẽ có thể là trợ duyên cho chánh niệm bắt đầu hay biết về đặc tính của thọ, có thể biết thọ đang sinh khởi ở một khoảnh khắc cụ thể là thiện, bất thiện, quả hay duy tác. Nếu ta không nghiên cứu các thực tại, nếu ta không hiểu đặc tính của thọ, ta sẽ không nhận ra rằng thọ chỉ là một thực tại sinh khởi liên tục trong cuộc sống hàng ngày cũng như tất cả các pháp khác xuất hiện qua ngũ môn và ý môn bởi duyên, chúng ta sẽ tiếp tục say mê với thọ hỷ trên tâm, thọ lạc trên thân hay thọ xả, tiếp tục dính mắc vào thọ, bám víu vào thọ, tiếp tục muốn đạt được cái mà ta cho là điều kiện cho thọ hỷ. Khi có sự dính mắc, bám víu như vậy, thực chất có các tâm bất thiện sinh khởi mà ta không nhận ra.
II. Thọ uẩn và Chánh niệm
Đức Phật xếp tâm sở thọ thành một uẩn riêng biệt - thọ uẩn (vedanākkhandha), bởi vì con người rất coi trọng thọ và dính mắc vào nó. Thọ chỉ là một thực tại mà con người nhầm tưởng và cho là tự ngã, là một chúng sinh hay con người và gán cho nó một giá trị lớn lao. Tuy nhiên con người thường không biết rằng thọ bản chất chỉ là một pháp và tất cả các pháp đều là vô ngã (không phải tự ngã hay chúng sinh hay con người nào hết). Tất cả chúng ta đều coi thọ là cái gì đó rất quan trọng trong cuộc sống, đều muốn có thọ hỷ hay thọ lạc và chạy trốn thọ khổ hay thọ ưu. Tuy nhiên, con người thường không biết rằng có tham ái tại khoảnh khắc cố bám víu vào cảm thọ, cái sinh khởi do duyên rồi lại diệt đi ngay.
Như đã nói, bất cứ tâm nào sinh khởi cũng đều sinh kèm với thọ, cái cảm nhận đối tượng được kinh nghiệm tại khoảnh khắc ấy. Bây giờ, tại khoảnh khắc này, ắt phải có một loại thọ nào đó: thọ xả, thọ lạc, thọ khổ, thọ hỷ hay thọ ưu. Nghiên cứu Giáo pháp không chỉ là hay biết tên gọi hay con số. Mục đích của việc nghiên cứu chính là hiểu biết về đặc tính của thực tại hiện giờ, bao gồm cả hiểu biết về cảm thọ sinh khởi hiện giờ. Có thể chưa có chánh niệm về đặc tính của cảm thọ ngay tại khoảnh khắc này, nhưng chúng ta cần nhớ rằng thọ tại khoảnh khắc này là một thực tại đã sinh và diệt đi rồi, nếu không, ta sẽ lại tiếp tục cho rằng thọ lạc, thọ khổ, thọ hỷ, thọ ưu hay thọ xả là ta, là tự ngã.
Nếu chánh niệm không sinh khởi và hay biết đặc tính của thọ, sẽ không thể từ bỏ tà kiến cho rằng các pháp là tự ngã, chúng sinh hay con người. Chúng ta rất cần nghe Giáo pháp và nghiên cứu Giáo pháp một cách chi tiết hơn nữa, suy xét về những gì chúng ta được nghe và thẩm xét bản chất thật của các pháp trong cuộc sống hàng ngày, như vậy chánh niệm có thể sinh khởi và hay biết đặc tính của các pháp đang xuất hiện.
Chúng ta đã bao giờ hay biết về đặc tính của các loại thọ khác nhau đang sinh và diệt ở khoảnh khắc này hay chưa? Có thể một số người bắt đầu hay biết về đặc tính của các sắc xuất hiện qua mắt, tai, mũi, lưỡi hay thân căn. Một số khác có xu hướng suy xét, hay biết đặc tính của danh (yếu tố kinh nghiệm đối tượng) khi có cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay suy nghĩ. Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ. Chánh niệm cần phải hay biết đặc tính của tất cả các pháp, của toàn bộ ngũ uẩn: sắc uẩn (rūpakhandha), thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uẩn (saññākkhandha), hành uẩn (saṅkhārakkandha: bao gồm các tâm sở khác với thọ và tưởng), thức uẩn (viññāṇakkhandha). Nếu chánh niệm chưa hay biết toàn bộ các pháp này thì vô minh về các thực tại vẫn còn và như thế phiền não chưa thể được tận diệt.
III. Chi tiết về các chủng loại của tâm sở thọ
Tâm sở thọ có thể thuộc một trong bốn chủng loại (jāti) như đã biết: thiện, bất thiện, quả và duy tác.
Thọ lạc và thọ khổ đồng sinh với thân thức và thuộc chủng loại quả (vipāka), là kết quả của nghiệp sinh khởi bởi nghiệp duyên (kamma-paccaya). Khi thân thức sinh khởi, nó kinh nghiệm đối tượng xúc chạm. Đối tượng xúc chạm ở đây thực chất là tứ đại (cứng, mềm, nóng, lạnh, căng, chùng) in dấu lên thân căn (kāyapasāda rūpa). Trường hợp thân thức là quả bất thiện, nó kinh nghiệm tứ đại là đối tượng khó chịu (aiṭṭhārammaṇa) và có thọ khổ trên thân sinh khởi. Trường hợp thân thức là quả thiện, khi đó tứ đại in dấu lên thân căn là đối tượng dễ chịu (iṭṭhārammaṇa), có thọ lạc trên thân sinh khởi. Thọ sinh khởi ở thân căn chỉ có thể là thọ lạc hay thọ khổ, không thể là thọ xả, thọ ưu hay thọ hỷ.
Thọ ưu thuộc chủng loại bất thiện. Khi không có cái thấy, nghe, ngửi, nếm hay xúc chạm, có cái suy nghĩ sinh khởi qua ý môn. Khi có cái suy nghĩ với lo lắng hay bối rối thì có thọ ưu. Thọ ưu này không phải là kết quả của nghiệp mà được duyên bởi sự tích luỹ các pháp bất thiện trong quá khứ.
Ngoài thọ khổ và thọ lạc trên thân - cái chỉ thuộc chủng loại quả và thọ ưu - cái chỉ thuộc chủng loại bất thiện, ta còn hai loại thọ khác là thọ hỷ và thọ xả. Hai loại thọ này có thể thuộc về cả bốn chủng loại: thiện, bất thiện, quả hay duy tác. Lưu ý là ngũ song thức trừ hai tâm thân thức (nhãn thức quả thiện, nhãn thức quả bất thiện, nhĩ thức quả thiện, nhĩ thức quả bất thiện ....) thì luôn sinh kèm với thọ xả.
Như vậy, các loại thọ sinh khởi cùng với các tâm khác nhau có thể được xếp thành năm nhóm như sau:
- Thọ lạc đồng sinh với thân thức là quả thiện;
- Thọ khổ đồng sinh với thân thức là quả bất thiện;
- Thọ ưu đồng sinh với hai loại tâm sân căn (bất thiện);
- Thọ hỷ hay thọ xả đồng sinh với tâm thiện, tâm bất thiện, tâm quả và tâm duy tác
IV. Thọ ưu và Lòng bi mẫn
Như đã biết, thọ ưu chỉ sinh kèm với tâm bất thiện là hai tâm sân căn (dosa-mūla-citta), nó không thể sinh kèm với tâm thiện, tâm quả hay tâm duy tác. Hầu hết mọi người không biết điều này và lầm lẫn sự buồn rầu khi thương xót những người đang đau khổ hay gặp khó khăn với lòng bi mẫn. Trên thực tế, lòng bi mẫn là pháp thiện trong khi sự buồn rầu lại là pháp bất thiện. Để phân biệt được khoảnh khắc của lòng bi mẫn thực sự, ta cần hay biết đặc tính của thọ sinh kèm với tâm khi ấy, xem xét liệu có thọ ưu hay không? Nếu có thọ ưu, nếu ta buồn rầu thì đó là tâm bất thiện. Tâm bất thiện này hoàn toàn khác với tâm thiện sinh khởi cùng bi mẫn (tâm sở bi - karuṇā cetasika). Mọi người thường cho rằng nếu mình có sự bi mẫn với người khác khi người này đang đau khổ thì cần phải chia sẻ sự đau buồn và cảm giác bất hạnh cùng người ấy mà không nhận ra rằng đó là thọ ưu chứ không phải thật sự là lòng bi mẫn.
V. Tiểu kết
Như vậy ta cần phải biết rõ khi nào tâm là bất thiện, để bất thiện có thể bị tận diệt.
Mọi người thường vô minh về cảm thọ. Nếu ai đó được hỏi họ đang có cảm thọ nào ở khoảnh khắc này, người ấy chỉ biết một cách lờ mờ rằng đang thấy vui hay thấy buồn. Cảm thọ sinh khởi với mỗi tâm, nhưng thật không dễ nhận ra bản chất thật của nó, kể cả khi có sự hay biết về cảm thọ. Thọ chỉ là một thực tại kinh nghiệm, nó là một loại danh. Khi tâm sở xúc tiếp xúc với đối tượng (điều này xảy ra mọi lúc trong cuộc sống hàng ngày, khi ta nghe âm thanh chẳng hạn), tâm sở thọ cũng phải sinh khởi.
Nếu chánh niệm (sati) có thể bắt đầu hay biết đặc tính của tâm hay thọ, sẽ có sự tích luỹ các trợ duyên để bớt dần sự lơ là về các thực tại mỗi khi ta có cảm thọ xả, thọ hỷ, thọ lạc, thọ khổ hay thọ ưu. Chúng ta có thể buồn, nhưng thay vì chìm đắm trong sự đau khổ, có thể có chánh niệm hay biết cảm thọ ấy và nó có thể được nhận biết chỉ là tâm sở thọ sinh khởi bởi những duyên riêng của nó. Như vậy, ta thấy rằng tứ niệm xứ là vô cùng lợi lạc, hiểu biết đúng có thể làm giảm nhẹ khổ đau khi ta lo lắng và buồn phiền.
----
Ngủ, thức và phiền não
Pháp là một chủ đề cần được suy đi ngẫm lại. Càng thẩm xét về Giáo pháp, ta càng có cái hiểu rõ ràng hơn. Chẳng hạn chúng ta có thể suy xét liệu có tâm sở thọ trong khi ngủ hay không?
Khi chúng ta ngủ sâu, chúng ta không kinh nghiệm bất kỳ đối tượng nào của thế giới này qua bất kỳ cửa nào trong sáu cửa giác quan. Tại những khoảnh khắc ấy không có suy nghĩ cũng không có mộng mị, cái ta từng thấy, từng nghe, từng thích/ không thích không xuất hiện. Tuy nhiên, kể cả ở những khoảnh khắc ấy, vẫn phải có tâm sinh khởi và diệt đi. Tâm sinh diệt ở những khoảnh khắc ngủ say ấy là tâm hộ kiếp (bhavanga citta), cái đảm nhận chức năng duy trì sự liên tục của một kiếp sống. Các tâm hộ kiếp này, như đã biết, là các tâm quả, kết quả của nghiệp quá khứ. Chúng ta cũng đã biết mỗi khi tâm sinh khởi thì phải có các tâm sở đồng sinh với nó. Thọ cũng là một tâm sở và nó sinh khởi với mỗi tâm. Tâm sở thọ sinh khởi cùng tâm hộ kiếp là tâm sở quả, nó cảm nhận đối tượng được kinh nghiệm bởi tâm hộ kiếp, tuy nhiên đối tượng này không phải đối tượng của thế giới này. Chúng ta không biết đối tượng ấy và vì thế cũng không thể biết đặc tính của (tâm sở) thọ sinh kèm với tâm hộ kiếp.
Chúng ta cần suy xét kỹ hơn chính xác cái gì là cái thức dậy khi chúng ta thức dậy và cái gì ngủ khi chúng ta ngủ. Sắc (rūpa) pháp thì không biết gì cả, vì thế sắc không thức cũng không ngủ. Danh (nāma) là pháp kinh nghiệm đối tượng. Khi danh không biết đối tượng xuất hiện trên thế giới này, nó có trạng thái gọi là "ngủ". Còn khi chúng ta thức dậy, các đối tượng của thế giới này xuất hiện trước danh qua các lộ trình tâm qua sáu cửa giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân căn và ý môn. Nếu chúng ta suy nghĩ về thực tế này một cách chi tiết, đó có thể là duyên cho sự phát triển của tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna), cái chính là mục đích của việc nghiên cứu Giáo pháp.
Như vậy, cái thực sự thức dậy là tâm và tâm sở. Các tâm quả sinh khởi và thấy cái xuất hiện qua mắt, hoặc nghe cái xuất hiện qua tai .... Không ai có thể ngăn các kinh nghiệm ấy xảy ra, nó ngoài tầm kiểm soát. Nghiệp (kamma) tạo ra sự tái sinh ở kiếp này, cũng chính nghiệp tạo ra mắt, tai, mũi, lưỡi và thân căn để tạo duyên cho các tâm quả thiện hoặc tâm quả bất thiện sinh khởi. Ngoài các tâm và tâm sở quả này, còn có các danh pháp nào thức dậy nữa? Khi ta thức dậy, các pháp bất thiện, tất cả các loại phiền não cũng bắt đầu thức dậy.
Khi ta ngủ không hề có tâm bất thiện, nhưng vẫn có những phiền não ngủ ngầm (anusaya kilesa) tiềm ẩn trong tâm. Những phiền não ngủ ngầm chưa được tận diệt ấy được tích luỹ từ tâm này sang tâm khác bởi tâm sinh và diệt một cách liên tiếp, kể cả trong lúc ta ngủ. Như thế, khi ta ngủ say, cho dù không có phiền não sinh khởi, không thể có thích hay không thích sinh khởi bởi lẽ tâm hộ kiếp không kinh nghiệm bất cứ đối tượng nào của thế gian này, vẫn có các phiền não ngủ ngầm được luân chuyển từ khoảnh khắc của tâm hộ kiếp này sang khoảnh khắc của tâm hộ kiếp khác. Khi ta ngủ, tất cả phiền não cũng ngủ. Tuy nhiên khi chúng ta thức dậy, các phiền não cũng thức dậy. Sau khoảnh khắc của ngũ song thức chỉ vài sát na, tất cả các phiền não ấy sinh khởi cùng với tâm bất thiện, tùy thuộc vào các duyên tương ứng.
Xét từ góc độ các cõi thức của tâm (bao gồm cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới và siêu thế), ta đã biết tâm dục giới thuộc cõi thức thấp nhất và tâm của mọi người thì hầu hết là ở cõi dục giới. Cứ thức dậy là chúng ta thấy, nghe .... Cứ thức dậy là tâm lui tới các đối tượng qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân căn và ý môn và hầu hết các tâm sinh khởi trong ngày đều là các tâm dục giới thuộc chủng loại thấp kém và bất thiện. Trừ khi có duyên cho thiện pháp thì thông thường cái thức dậy chính là bất thiện pháp, hầu như có tham sinh khởi liền sau cái thấy, liền sau cái nghe và điều ấy là tự nhiên.
Chúng ta cần đối diện với sự thật là có nhiều tâm bất thiện hơn là tâm thiện trong một ngày. Chấp nhận và suy xét sự thật ấy có thể làm duyên để nhận thấy mối hiểm họa của bất thiện pháp. Chừng nào hiểu biết đó còn chưa đủ duyên để sinh khởi, chúng ta còn thậm chí thích thú với bất thiện pháp của mình. Khi nhận ra được sự đau khổ hay bấn loạn do phiền não gây ra, chúng ta sẽ phát triển các thiện pháp như bố thí (dāna), trì giới (sīla), phát triển sự an tịnh (samatha) hoặc phát triển Tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna).
Một số người tin rằng phải diệt bỏ tham trước rồi mới có thể phát triển được tuệ giác tới mức độ chứng đắc Dự lưu (Sotāpanna), tuy nhiên điều đó là không thể. Thực tế là ngay cả khi tuệ giác phát triển tới mức chứng đắc Dự lưu, tham vẫn chưa được loại bỏ, tuy nhiên trí tuệ (paññā) vẫn có thể tiếp tục suy xét đặc tính của tham để tham có thể được nhận biết như nó là.
>> tiếp theo
--- Lời bạt của người viết ----
Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch.
Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.
---- Lưu ý (disclaimer) ----
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.
Comments
Post a Comment