góc nhỏ Vi Diệu Pháp

I. Quá trình tìm hiểu đạo Phật của tôi

Tôi năm nay đã U50, bắt đầu đọc Tạng Thư Sinh Tử (Sogyal Rinpoche) từ năm 2014, từ đó đến nay vẫn tiếp tục đọc, suy xét. Cũng từ năm 2014, vừa đọc sách tôi vừa tập thiền theo các quyển sách đó đến cho đến gần đây. Cũng đã gặp, học hỏi vài bạn trẻ từng sang Làng Mai …. Trong số những sách đã đọc, hiện tại tôi còn nhớ được những tựa đề sau:

  • Phật học thường thức
  • Chánh niệm thực tập Thiền quán
  • Đường xưa mây trắng
  • Bardo và hành trình liễu sinh thoát tử
  • Thiền Đạo, Biết ta đích thực là ai, 
  • Nghệ thuật cân bằng sự sống và cái chết
  • Trong vòng sinh diệt (Ajahn Char)
  • Zen Action, Zen Person
  • Hiểu về trái tim
  • Con đường chuyển hoá
  • Về thu xếp lại
  • Kinh Mi Tiên Vấn Cấp
  • Làng Mai nhìn Núi Thứu
  • Kinh Kim Cương Gươm báu cắt đứt phiền não
  • ……
  • Đức Phật và Phật Pháp (hoà thượng Narada)
  • Vô tỷ pháp tập yếu
Trong những quyển sách tôi đọc, có cả những quyển thiên về lý luận nền tảng như cuốn "Làng Mai nhìn núi Thứu", một cuốn mà thầy Hạnh dầy công tóm tắt lại nền tảng môn phái của thầy, đọc rất nhiều khái niệm.... Những cuốn đối với mọi người khá khó đọc, vậy nhưng tôi vẫn có thể tiêu hoá bình thường, có lẽ do một vài tích luỹ riêng :)

Ngoài đọc nhiều sách, tôi cũng đã tự thực hành và đọc đủ nắm được căn bản của các pháp môn Thiền, từ Làng Mai của thầy Hạnh đến thiền Hiểu biết của thầy Minh Niệm, rồi Thiền tánh không của một đạo tràng người Việt bên Mỹ ....


Thỉnh thoảng trong số bạn bè tôi cũng có người rủ đi tham gia các khoá thiền, lên núi tĩnh tu. Thế rồi trong các tương tác trên mạng, tôi cũng đọc được khá nhiều bài chia sẻ về "Phật giáo", Thiền của nhiều người, trẻ có, già có, mới học có, chuyên gia tâm lý, tiến sỹ, giáo sư cũng có. .... Bản thân tôi đánh giá cao sự quan tâm của mọi người đến đạo Phật, sự nhận ra tầm quan trọng của các kiến thức tâm linh ở những người ấy. Tôi cũng hiểu những điều mọi người viết và hiểu tại sao mọi người lại chia sẻ về tâm linh như vậy. Như đã nói, trước đây tôi đã nghiên cứu Thiền, đạo Phật đủ nhiều, đủ để đạt đến mức độ hiểu hết tất cả các bài về công án, Thiền, đạo Phật … trên mạng. 


Tuy vậy, hiện tại tôi nhìn lại và thấy mức độ hiểu biết đó thực ra vẫn chưa đủ vững chắc. Do một duyên khác tôi được tiếp xúc và học tập Vi Diệu Pháp (VDP) vài năm gần đây. Thực sự hữu ích, thật sự là eyes opener (được sáng mắt ra). VDP cho người nghiên cứu những căn cứ thực sự cụ thể và chắc chắn để hiểu sâu sắc Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo và để phân biệt điều học nào là hợp lý, điều học nào là do người đời sau thêm thắt vào, điều thực hành nào không thực sự hiệu quả.



Trước đây, khoảng những năm 2019, tôi đã có thể giảng làu làu một hai tiếng liên tục về Tứ Đế, Bát Chánh Đạo với những người khác như sách luôn, nhưng sau khi tìm hiểu Vi Diệu Pháp, tôi mới nhìn lại và biết rằng: 

                   Ồ, hoá ra mình chẳng hiểu cái quái gì cả!


II. Sơ qua về Vi Diệu Pháp


Đến đây bạn đọc có thể thắc mắc: Vi Diệu Pháp? Vi Diệu Pháp là gì vậy? 
Xin được giải thích từ một cụm từ khác: Tam Tạng Kinh. Tam Tạng nghĩa là ba tạng kinh:  Tạng Kinh, Tạng Luật và tạng Vi Diệu Pháp.


Để dễ hiểu thì thì ví dụ ta học môn Hoá hoặc Toán chẳng  hạn. Ta có thể kể một câu chuyện: Chất này đun sôi đến từng đấy độ, cho vào môi trường này, phản ứng với chất kia ...., nhưng ta cũng có thể viết ra một công thức ngắn gọn toàn ký hiệu phân tử nguyên tử...


Cũng tương tự như vậy, Tạng Kinh và Tạng Luật được viết theo kiểu câu chuyện, còn Tạng Vi Diệu Pháp cũng giảng những vấn đề đấy, nhưng dùng thẳng các pháp (các thực tại tột cùng) để diễn dạt theo một cách chắc chắn. Cá nhân tôi hay gọi các diễn đạt đó là "phân tích kỹ thuật".


-- bạn có thể đọc thử một ví dụ phân tích kỹ thuật được viết dựa trên kiến thức VDP --

Phân tích từ góc độ pháp chân đế (paramatha dhamma) về Tâm từ (metta): Thực tại của Metta (tâm từ) là gì? Thực tại của Metta là tâm sở vô sân (adosa cetasika, một trong 3 nhân tịnh hảo - sobhana hetu). Tâm sở vô sân này sinh kèm với các tâm nào. Tra sách thì ta thấy adosa sinh kèm với tất cả các tâm thiện. Có 69 tâm thiện trong tổng số 89 tâm. Bất cứ khi nào một trong 69 loại tâm thiện sinh khởi thì đều có ít nhất 7 tâm sở biến hành và 19 tâm sở tịnh hảo (bao gồm cả adosa) sinh kèm. Vậy có phải khoảnh khắc nào có tâm thiện thì có Metta hay không? Thực ra không phải. Metta là một trong “sắc thái” của adosa, tức là có adosa cũng chưa chắc đã có Metta vì biểu hiện của adosa ở những trường hợp khác nhau thì rất khác nhau. Các Chú giải có giải thích: Tâm từ có đối tượng là khái niệm, nghĩ đến sự an vui / khía cạnh tốt đẹp của chúng sinh. Tâm có thể lấy bản thân pháp chân đế (danh, sắc) hoặc các khái niệm khác nhau làm đối tượng. Chỉ tâm thiện sinh khởi với đối tượng là khái niệm cụ thể: “sự an vui/ khía cạnh tốt đẹp của chúng sinh” thì mới là Metta (tâm từ). Vậy ở khoảnh khắc có tâm từ (metta) thì có sự an trú vào Tam Bảo hay không? Với trường hợp của Metta: Do đối tượng của tâm thiện lúc đó là khái niệm (pannati) chứ không phải là pháp chân đế nên ở đó không có trí tuệ ở mức độ minh sát tuệ, vì thế đó chưa phải là mức độ an trú vào Phật Pháp. 


III. Vì sao nên tìm hiểu Vi Diệu Pháp?

— một sự thực về Giác ngộ —
(trừ chính bản thân Đức Phật,)
không ai có thể giác ngộ nếu không được nghe trực tiếp Đức Phật giảng, hoặc nếu không được nghe giảng từ một thiện trí thức, người có hiểu biết vững chắc về Giáo pháp mà Đức Phật đã giảng.

Vậy điều gì khiến cho Giáo pháp của Đức Phật đặc biệt? Đó là trí tuệ toàn giác của Đức Phật. Trí tuệ này sinh khởi cùng với tâm đạo tại thời điểm giác ngộ, nó xuyên thấu bản chất của các thực tại tột cùng và nhân duyên của chúng. Nói cách khác, đó là trí tuệ có thể chứng ngộ trực tiếp các thực tại tột cùng. Giáo pháp của Đức Phật toàn hảo vì nó phản ánh trí tuệ của toàn hảo của Ngài.

Vì trí tuệ của một vị Phật toàn giác là cực kỳ hy hữu, Giáo pháp ấy cũng là nơi duy nhất ta có thể tìm thấy kiến thức hay hiểu biết về các thực tại tột cùng, các thực tại chỉ có thể được kinh nghiệm trực tiếp bởi Đức Phật và các vị Thánh đệ tử.

Không ai có thể giác ngộ nếu không được nghe Giáo pháp của Đức Phật, hiểu biết về các thực tại tột cùng vì thế được xem là thứ không thể thiếu, là yếu tố quyết định, là chìa khoá sẽ dẫn đến Giác ngộ.

— sự suy xét những gì Giáo pháp mô tả —
Yếu tố quyết định là “sự hiểu biết về thực tại (tột cùng)” là thứ hiểu biết không ai có thể tự mình tìm ra mà phải nhờ được nghe Giáo pháp. Chỉ Giáo pháp của Đức Phật mới cung cấp cho chúng ta các khái niệm mô tả thực tại tột cùng. Vì thế, việc tìm hiểu các khái niệm ấy một cách chính xác trở thành điều kiện cần.

Tuy nhiên, rốt cục, thực tại thì không nằm trong sách, không nằm trong ngôn từ hay câu chữ. Thực tại là cái xẩy ra bây giờ, ở đây và có thể được kinh nghiệm ở giây phút hiện tại. Các thực tại được mô tả trong Giáo pháp vì thế cần được suy xét ngay trong hiện tại khi chúng xẩy ra. Việc suy xét này trở thành điều kiện đủ.


Tạm kết:
Để phát triển hiểu biết về thực tại, yếu tố quyết định dẫn đến Giác ngộ:
- Cần nắm vững các thực tại tột cùng được mô tả trong Giáo pháp
- Suy xét về những mô tả ấy trong giây phút hiện tại

— Cái gì là thực hiện giờ? —
Sự suy xét những gì được Giáo pháp mô tả trong giây phút hiện tại có thể được tạo duyên bởi câu hỏi: 
Vậy thì cái gì là thực hiện giờ? 
What’s the reality now?
Ở đây có hai lưu ý:
  •  “thực tại” trong suy xét trên không phải là thực tại mà cá nhân tự cảm nhận, tự lý giải, cũng không phải là thực tại mà các pháp môn khác (Tịnh Độ, Thiền tánh biết, mindfulness, vật lý, khoa học …) giải thích, mà là các thực tại phù hợp với mô tả về pháp chân đế (paramattha dhamma/dhamma ) trong Giáo pháp của Đức Phật. Việc tìm hiểu Vi diệu pháp cung cấp cho chúng ta các khái niệm chính xác về pháp chân đế.
  •  Không có tự ngã nào chủ động/ lên kế hoạch/ kiểm soát việc suy xét câu hỏi trên, chỉ là sự suy xét tự nó xẩy ra khi có đủ duyên
Vậy cái gì là pháp (thực tại - dhamma) hiện giờ?

Comments

Popular Posts