sự hình thành của bản ngã:: the formation of the ego

Để hiểu bản ngã, ta hãy bắt đầu từ sự hồn nhiên.
Trạng thái của một em bé khi mới sinh ra là hồn nhiên, hoàn toàn không có bản ngã. Em bé không có ý thức về sự tách biệt của bản thân nó với những gì xung quanh, nó hoàn toàn hồn nhiên, trong trẻo và đáng yêu. Bước trưởng thành đầu tiên của một em bé, người ta nói, chính là bắt đầu biết phân biệt mình và cái khác mình. Ý thức đầu tiên là ý thức về bản thân và những gì không thuộc về bản thân. Tiếp tục em bé dần dần biết phân biệt mầu sắc, âm thanh, sáng tối, no đói... Sự phân chia là nền tảng của những ý thức đầu tiên và căn bản nhất của con người. Kể từ những ý thức đầu tiên đó, em bé trưởng thành hơn, bớt hồn nhiên hơn và cũng bớt đáng yêu hơn. Em bé hiểu ra có cái này và cái kia, và có cả mối liên hệ giữa cái này và cái kia. Em bé phát triển ý thích cá nhân, thích cái này hơn cái kia, thích mối liên hệ này hơn mối liên hệ kia. Và vì sự phân chia là nền tảng của ý thức, có cái thích ắt có cái ghét. Yêu và ghét hình thành, và bản ngã hình thành.

Bản ngã thể hiện ra ngoài ở cái ý thức yêu cài này ghét cái kia, còn ở bên trong, bản ngã là sự phân chia thành các khái niệm và logic tương tác giữa các khái niệm. Bản ngã đã hình thành, nhưng mới chỉ manh nha, em bé vẫn còn hồn nhiên lắm, vẫn còn đáng yêu lắm. Em bé thay đổi tâm tính nhanh, bản ngã cũng chỉ hình thành thoáng chốc rồi bị thay thế, chứ chưa định hình.


Rồi quy luật tất yếu là em bé đến trường, trường học hay trường đời. Trường gì cũng vậy, cũng nâng cao ý thức cho chúng ta. Mỗi bài học mỗi ngày đều dậy cho chúng ta thêm các khái niệm (các kiểu phân chia mới) và logic (các mối quan hệ mới). Rồi chúng ta trưởng thành, làm chủ khái niệm, làm chủ logic và trở thành con người thực thụ. Khi tính cách định hình rõ nét cũng là lúc bản ngã  đã định hình. Ngày ta càng dấn thân bươn chải trong đời sống, ngày càng ít sự hồn nhiên, ngày càng nhiều kỹ năng, nhiều suy nghĩ lo toan, nhiều cảm xúc, hành động. Nhiều, nhưng ở phạm vi một con người, tất cả  cảm xúc/hành động/kỹ năng đó không rời rạc, mà nhất quán với bản ngã đã định hình của người ấy. Mọi người có thể có quan điểm cho rằng bản ngã không phải nguyên nhân, bản ngã là kết quả, nghĩa là tập hợp các suy nghĩ hành động lại thì tạo thành bản ngã. Nhưng tôi nghĩ rằng, trong thế giới mọi thứ đều là xâu chuỗi các causality thì quan điểm cho rằng bản ngã chỉ là kết quả không thể đứng vững, mà mọi người buộc phải thừa nhận bản ngã đến lượt nó lại là nguyên nhân của các cảm xúc/hành động tiếp theo của một cá nhân. Như thế ta sẽ đi đến một cặp khái niệm gắn bó khăng khít, cả hai đều là nguyên nhân của nhau và đều bổ sung cho nhau. Quan điểm cá nhân của tôi thì xét về vòng đời, khái niệm bản ngã có tính thường hằng và liên tục hơn hẳn các suy nghĩ/ hành động, nên bản ngã là cái chính và là cái nền tảng. Khi ta nói đến bản ngã, hay cái tôi (ego), ta không trỏ đến một suy nghĩ hành động cụ thể nào, mà trỏ đến cả một hệ thống suy nghĩ hành động có tính ổn định tương đối trong một khoảng thời gian đủ lâu.

Kết luận lại, tôi cho rằng bản ngã hình thành trên nền tảng phát triển của ý thức và logic nhị nguyên (phân chia). Một khi đã phát triển và định hình , bản ngã của một cá nhân bao trùm toàn bộ ý thức, suy nghĩ, chi phối toàn bộ hành động của cá nhân đó. Đó là bản ngã định hình. Chúng ta không hồn nhiên nữa, thay vào đó, chúng ta có một bản ngã ổn định.

Điều tốt ở đây là xã hội với nền tảng là các cá nhân luôn cần các cá nhân có một bản ngã tương đối ổn định. Những cá nhân vừa mất đi sự hồn nhiên vừa thất bại trong việc định hình một bản ngã là những kẻ tâm thần bất định, những kẻ ở bên lề xã hội.

đọc thêm: http://emptyan.blogspot.com/2015/11/ego-and-identity.html

Comments

Post a Comment

Popular Posts