ego and identity

Bản ngã luôn tìm con đường tự khẳng định mình. Dù đơn giản hay phức tạp, niềm khao khát mang tính quy luật đó là động lực để nhiều tìm mọi cách thay đổi điều kiện xung quanh mình, hay ngược lại trở thành động lực khiến nhiều người người không chịu thay đổi các thói quen cố hữu.

Tôi sẽ lấy vài ví dụ thực tiễn gần gũi ở đây. Trường hợp thứ nhất là những người khó thay đổi. Ta được biết những câu chuyện như mấy bác giám đốc về hưu. Đã về hưu rồi nhưng sáng sáng vẫn cắp cặp đến cơ quan, vẫn tham gia chỉ đạo việc abc, vẫn muốn được gọi là giám đốc. Người ta thông cảm vì cả đời làm giám đốc quen rồi, giờ không quay lại thành thường dân được. Bề ngoài là thói quen, còn bên trong là bản ngã. Bản ngã không chịu từ bỏ cái danh, cái quyền. Bản ngã bám lấy cái danh tính cũ, bám lấy cảm giác control.



Ở chiều ngược lại, ta có ví dụ về những con người bề ngoài bình thường như mọi người, đến trường lớp, đi làm việc như mọi người, nhưng ở bên trong là một nỗi bơ vơ hoặc cô đơn trống rỗng mơ hồ. Họ không thực sự hòa nhập được vào gia đình, bạn bè hay công sở, nhưng không biết chính xác mình phải làm gì để cảm thấy đáng sống hơn. Họ hoàn toàn vô hại, cho đến một hôm tiếp xúc với một loại tư tưởng nào đó khác thường với tiêu chuẩn xã hội thông thường. Và họ như tìm thấy mình, họ thích thú tìm hiểu và dấn thân vào tư tưởng đó và họ thay đổi hoàn toàn đến mức gia đình, bạn bè cũng chẳng nhận ra. Họ có thể bống nhiễn gia nhập IS, bỗng nhiên theo đạo Hồi. Có trường hợp từ một cô bé ngoan ngoãn lớn lên ở Anh, đi học trường công bình thường như bao thiếu nữ Anh, bống một hôm trùm đầu và trở nên hoàn toàn thấy tự tin, yên ổn với danh tính "hồi giáo" mới của mình. Gia đình và bạn bè nhận ra cũng quá muộn, cố gắng tác động để thay đổi cũng vô ích. Bản ngã đã tìm thấy danh tính, nó không muốn quay lại với một danh tính cô đơn nhạt nhòa giữa một môi trường thân quen nữa, nó thà bứt khỏi những gì quen thuộc để đổi lấy một danh tính rõ biệt. Hoặc những trường hợp xả súng trường học ở Mỹ cũng vậy. Đến lúc vụ việc đã xẩy ra rồi người ta mới thấy nó là kết cục của một quá trình, bắt đầu từ một vài vấn đề trong cuộc sống của thủ phạm, cho đến một vài tư tưởng di biệt thủ phạm tin theo, cuối cùng là kế hoạch hành động thủ phạm vạch ra. Đằng sau quá trình ấy là một quá trình âm thầm hơn nữa của bản ngã: nó âm thầm xây dựng một danh tính (dù không theo chuẩn mực đạo đức thông thường đi chăng nữa), củng cố và sau cùng là nhất quyết khẳng định cái danh tính ấy.

Thực ra cách suy nghĩ theo danh tính hoàn toàn không hiếm gặp ở xã hội. Ta có thường xuyên gặp ngay trên báo đài ngày nay: Tự hào là người Việt nam, buồn chán vì bóng đá Việt nam. Kiêu hãnh là học sinh trường ABC, không thích những người là dân tỉnh XYZ, cực đoan hơn sự dính mắc vào danh tính trở thành sự sĩ diện, thành ý thức đẳng cấp. Kinh tế tiêu dùng khiến đến cả sản phẩm cũng có bản ngã, cũng mang danh tính. Deceptive by nature có thể là môt chiếc giầy của Nike. Đẳng cấp thể hiện ở quần áo, đầu tóc, điện thoại, nhà, xe. Người ta hút thuốc để khẳng định danh tính, uống bia để khẳng định đẳng cấp. Chơi thể thao cũng phải đến gym, phải trang thiết bị cho ra dáng. Cứ thế, bản ngã bám dính vào danh tính và quyết định rất nhiều việc trong đời sống theo chiều hướng khẳng định danh tính. Trong giao tiếp hằng ngày cũng vậy. Người ta nói với nhau những câu như "mày là dòng trưởng, mày phải đứng ra lo việc này...", "tao là hàng chú bác, mày phải nghe tao ..". Đằng sau tất cả những "là.. phải" ấy có rất nhiều câu phản ánh suy nghĩ theo danh tính. Và sau mọi nỗ lực khẳng định danh tính, đó đều là tiếng nói của bản ngã.

Comments

Popular Posts