beyond EQ

 OK, vậy là các vấn đề tâm ý là có. Có vấn đề thì ta xử lý thôi, bạn có thể nghĩ như vậy. Tuy nhiên với tâm ý, việc xử lý nó không hoàn toàn đơn giản.
Nhớ lại một lần An tiếp chuyện một bác thuộc hàng tướng tá trong quân đội VN. Bác đi nhiều và cảm nhận rõ ràng sự khác biệt văn hóa. Bác nói ở Mỹ xây nhà họ không cúng thổ địa như mình, họ cũng không có mỗi nhà một bàn thờ như mình v.v. Mình không lạ chuyện đó, nhưng lạ ở cái kết của bác: Người ta nói mọi thứ đều do tâm tạo nghĩ cũng đúng, thế nên mỗi dân tộc mới tạo ra những thứ khác nhau. Để thấy, uh, dù cho không công nhận mọi thứ đều do tâm tạo (vạn pháp quy tâm) thì cũng phải công nhận rất nhiều thứ là do tâm tạo.



 Quay lại việc xử lý các vấn đề của tâm ý con người. Đầu tiên có thể kể đến chỉ số thông minh IQ. Lúc mới có IQ mọi người tập trung làm sao đạt được IQ ngày càng cao. Thế rồi nhận thấy improve mỗi IQ là không đủ, các nhà nghiên cứu phát hiện thêm chỉ số cảm xúc (EQ) nữa. Với sự chuyển dịch trọng tâm chú ý vào EQ, xã hội chú trọng phát triển các khóa học hành vi, rèn luyện và kiểm soát cảm xúc. Với EQ, con người đã nhìn ra nguyên nhân không dừng lại ở tầng logic, mà nguyên nhân trú ngụ cả ở tầng cảm xúc. Theo các nhà nghiên cứu não, tầng cảm xúc sâu hơn, mang tính gốc rễ hơn tầng logic, nó được "tạo ra" từ những vùng não "nguyên thủy" hơn như vùng não bò sát ... Về một mặt nào đó, cảm xúc được coi như những logic mang tính nguyên thủy xuất phát từ bản năng tìm kiếm sự an toàn  (chiến hay biến …), hay sự phát triển.
 Sự thực là tôi cũng đã từng học các khóa EQ của Tâm Việt, rồi "Kỷ luật không nước mắt", .... Các khóa đó đều bổ ích, mở ra cho người học những nhận thức mới/ cách tiếp cận mới. Các lớp học thường diễn ra và kết thúc rất hào hứng. Chỉ có điều với cá nhân tôi, dường như chúng vẫn chưa đủ để tạo nên thay đổi trong dài hạn, hay nói cách khác niềm hào hứng và động lực được tạo ra không hiểu sao wear off khá nhanh. Thật sự phụ lòng các thầy cô nên tôi cũng thỉnh thoảng suy nghĩ vì sao mình có học mà chẳng có khá như vậy. Nhưng rồi thấy có vẻ mình không phải người duy nhất, đồng hành với mình có cả các bạn giảm béo không thành công, hoặc cai thuốc rồi lại tái hút, hoặc các bạn học tiếng Anh tiếng Nhật mãi mà chẳng vào …
 Khi so sánh cách học tiếng Nhật của mình với mấy cậu bạn, tình cờ tôi nhận ra có những điểm khác biệt không đến từ cách thức học hành cụ thể, mà đến từ khả năng xử lý chuyện học hành ở mức sâu hơn, mức tiềm thức. Và cũng lại tình cờ lý thú khi đọc được một số bài báo khoa học có đề cập nguyên nhân nhiều người giảm béo thất bại là dường như liên quan đến một công tắc nào đó nằm ở tiềm thức, chừng nào công tắc ấy còn chưa switch on (i.e từ chỗ tiềm thức sợ bị gầy đi sang trạng thái tiềm thức nghĩ OK gầy đi cũng không chết đâu mà lo), thì mọi nỗ lực ý thức đều nhanh chóng bị cuốn trôi, dù lúc đầu đạt được một số thành quả nhất định. Ah ha, vậy là cái tiềm thức này, likely it's up to something.
 Cho đến hôm nay, tôi cho rằng: Tâm ý bao trùm cả logic, cả cảm xúc và cả tiềm thức. Các vấn đề của tâm ý vì thế cũng nằm ở tất cả các tầng từ bề ngoài (logic) đến sâu hơn (tiềm thức). Để xử lý hữu hiệu các vấn đề của tâm ý, chắc chắc ta cần đến khả năng tác động vào tầng tiềm thức, nếu không câu truyện lại quay trở lại từ đầu. Cái khó là ở chỗ khoa học biết rất ít về tiềm thức. Từ IQ đến EQ ta đã tiến một bước dài, nhưng vẫn chưa với tới tầng tiềm thức, vì thế một số vấn đề căn bản hơn vẫn chưa có phương pháp hữu hiệu nào. Muốn xử lý các vấn đề tâm ý, từ EQ, ta phải bước thêm một bước nữa.
Có lẽ điều này cũng tự nhiên thôi. Chẳng phải chính A. Einstein từng nói đại ý “ta không thể giải quyết vấn đề nếu vẫn ở cùng mức suy nghĩ với khi ta phát hiện ra vấn đề” hay sao.

There must be a level beyond!

“về đâu chưa biết nữa,
chỉ biết trong hồn anh lật lại cùng với gió
ở trong hồn ai đó ném thia lia”
-- Chế Lan Viên --

Comments

Popular Posts