communication model and the study

Trải nhiều năm tháng làm việc với ngôn ngữ tự nhiên cũng như ngôn ngữ lập trình, tôi đã luôn nghĩ có lúc mình sẽ viết về  communication, từ góc độ kinh nghiệm thực tế của bản thân.
Mô hình communication cổ điển trong sách giáo khoa như sau:

Sender –> encode message –> transfer using medium –> receiver –> decode message (–> feed back)

Còn mô hình của tôi:

diễn đạt thông điệp               4–>       truyền tin      5 –>      diễn giải thông điệp
          3↑                                                                                        ↓ 6
trích xuất thực tại và khái niệm hóa                      tái hiện thực tại mức khái niệm
         2 ↑                                                                                         ↓ 7
thực tại tương đối A                                                          thực tại tương đối B
        1 ↑
thực tại tuyệt đối                                                                                         (← thực tại tuyệt đối)

Trước khi dùng mô hình này để khảo sát công việc và học tập, tôi sẽ làm rõ thêm về một số khái niệm dùng ở đây cũng như một vài thứ ta có thể quan sát thấy từ mô hình này.
Đầu tiên, thực tại tuyệt đối hay thực tại như nó là, thực tại rốt ráo tận cùng, là một thực tại mà con người luôn  luôn và vẫn còn đang tiếp tục tìm kiếm. Thực tại tuyệt đối có 4 chiều hay 11 chiều, có tồn tại hay không vật chất nhỏ nhất, cấu tạo của ý thức là gì và làm thế nào vật chất tạo ra ý thức, thực sự chúng ta là ai, v.v là những câu hỏi quan trọng về thực tại tuyệt đối
Còn thực tại tương đối thì dễ hiểu hơn, nó là thực tại được từng cá nhân cảm nhận, bao hàm cả thực tại tương đối về mặt vật lý cũng như sinh học, cảm xúc, chứa đựng cả các quá trình của ý thức hay quan niệm, tâm lý. Thực tế với những con người khác nhau thực tại tương đối này có nhiều điểm chung về đại thể, nhưng đi sâu vào thì thiên sai vạn biệt. Với Newton không thời gian tách biệt và tuyến tính, với Einstein không thời gian không tách rời, với Hawking mọi thứ trước BigBang là bất khả tri, với một bà cụ thì trái đất là phẳng và được đặt trên lưng những con rùa, với bạn cô gái ấy đẹp còn với tôi cô ấy là một người khó chịu, etc..
Việc tri nhận từ thực tại tuyệt đối ra thực tại tương đối trước tiên là nhờ các giác quan. Các giác quan nhận tín hiệu, xử lý sơ bộ và gửi lên não. Bộ não tổng hợp và đưa ra một “thực tại” trong tâm trí chúng ta. Nhưng đó chưa phải tất cả, thực tại được input từ các giác quan đó lại được tổng hợp với các kinh nghiệm từ những sự kiện trong quá khứ theo một cách thức nào đó, từ đó cho ra các cảm xúc và đánh giá liên tục refresh về thực tại tương đối. Điều này khiến thực tại của em bé ví dụ vừa sinh ra và thực tại của một người lớn, hoặc một người sắp chết là hoàn toàn khác nhau, và đôi khi phần đóng góp của các giác quan thực tế lại chiếm rất ít so với phần tham gia của kinh nghiệm, của hồi tưởng và các “khuôn mẫu” có sẵn trong não bộ.
Có thể nhận thấy trong những quá trình xây dựng thực tại tương đối, những quá trình nằm ngoài nhận thức đóng vai trò chủ yếu. Tín hiệu từ tai, mắt, mũi, cơ thể được xử lý thế nào, tổng hợp ra sao, các kinh nghiệm và khuôn mẫu quá khứ được truy xuất thế nào đều là những lĩnh vực mà với một người, chúng tự động diễn ra, một người chỉ biết chúng diễn ra nhờ suy đoán mà không “nhận thức” chúng diễn ra thế nào, không thể trả lời những câu hỏi: cái gì, ở đâu, vì sao v.v. cho những quá trình tương tác giữa giác quan và tâm trí. Khoa học cũng công nhận có rất nhiều điều về thực tại được hệ thần kinh thực vật ( thứ điều khiển hệ thần kinh, xương khớp, tuần hoàn làm việc “tự động”, một hệ nằm ngoài ý thức) tạo ra. Người ta không thể chối bỏ việc hệ thần kinh này tham gia vào quá trình tạo nên thực tại, cũng như không thể không công nhận bản thân hệ thần kinh này là một phần của thực tại.
Và bây giờ, vì con người chưa sở hữu siêu năng lực cho phép communicate trực tiếp giữa tâm trí của người này và người kia, khi ông A muốn truyền đạt điều gì đó cho ông B, ông A dùng ý thức để lấy một phần thực tại (quá khứ/ hình dung/ mong đợi/ biểu đạt …)của mình ra, tạo dựng nên những ngôn ngữ hay hình ảnh mà ông B có thể hiểu được để mô tả phần thực tại đó, sau đó dùng những từ ngữ, âm thanh, hình ảnh ấy mà truyền đi. Đến lượt ông B, sau khi thu nhận được từ ngữ, âm thanh, hình ảnh đó, bằng cách nào đó “cảm nhận được” một thực tại mới và đầu óc của ông B sẽ tổng hợp thực tại mới đó vào thực tại tương đối sẵn có trong tâm trí ông B. Ở đây, công cụ mà ông A dùng là khái niệm hóa, vì bản thân từ ngữ hoặc âm thanh (được dùng để truyền tải) đã được dùng để mô tả thực tại, chúng là cái trỏ đến thực tại, vì thế chúng là các khái niệm. Từ ngữ, âm thanh, hình ảnh là một sự mã hóa, một kiểu nén thông tin trong đó khối lượng lớn thông tin (được trỏ đến) được cô đọng lại thành một ít ký hiệu, biểu tượng hay nét vẽ. Theo một ý nghĩa nào đó, thực tại được cô đọng thành từ ngữ/ hình ảnh, sau đó được truyền đi dưới dạng tuần tự (text sequential hoặc 2D serial). Ở đầu tiếp nhận ắt có một sự đối xứng: các khái niệm được bung ngược ra để tạo nên một thực tại nào đó cho ông B.
 Chuyển sang chuyện học tập. Uyên Linh, một ca sĩ yêu thích của tôi có nói đại khái muốn hát giỏi thì phải học hết, sau đó quên hết những gì mình đã học! Với tôi, câu nói đó rất gây ấn tượng, nó giống như là một koan (công án)(tất nhiên câu này Uyên Linh cũng chỉ nhắc lại câu nói của một người nào đó khác). Sau này đọc truyện Kim Dung, tôi cũng tìm thấy một tình tiết tương tự, khi Trương Vô Kỵ học tuyệt kỹ Thái cực kiếm của sư tổ, trong cảnh thọ địch mà “lâm trận mới học võ”, sư tổ hỏi “con nhớ được bao nhiêu phần?”, Vô Kỵ lúc đầu đáp “con nhớ bẩy phần”, sau “con nhớ ba phần”, và rồi khi “con quên sạch rồi” cũng là lúc sư tổ và Vô Kỵ mừng rỡ vì võ công tâm pháp đã được truyền xong. Vâng, dường như ở đây có một sự học hành và sự lĩnh hội vượt lên trên logic thông thường.
Cái gì vượt lên trên logic thông thường? Tôi sẽ giải thích điều đó bằng mô hình communication của tôi:

thực tại tuyệt đối –>(1) thực tại tương đối A –>(2) trích xuất thực tại và khái niệm hóa –>(3) diễn đạt thông điệp –>(4) truyền tin –>(5) diễn giải thông điệp –>(6 ) tái hiện thực tại mức khái niệm –>(7) tổng hợp vào thực tại tương đối B  (← thực tại tuyệt đối)

Đầu tiên, trong quá trình học, Uyên Linh hay Vô Kỵ cũng như mọi người khác, phải thực thi các bước: 5: Diễn giải thông điệp, 6: Tái hiện thực tại mức khái niệm và 7: Tổng hợp thực tại mới vào thực tại tương đối của bản thân. Dễ thấy bước 5 hoàn toàn dựa vào tư duy ý thức, bước 6 chủ yếu dựa vào tư duy ý thức nhưng có một ít tư duy phi ý thức, còn bước 7 hoàn toàn dựa vào tư duy phi ý thức. Việc truyền tin(4) và bước 5: diễn giải thông điệp có thể chỉ diễn ra một lần, nhưng bước 6 và 7 có thể cần lặp lại nhiều hơn, đó là quá trình ôn bài và nhắc lại, làm theo. Thỉnh thoảng chúng ta quên, và phải nhớ lại bài học, và nếu chúng ta nhớ hết, chúng ta coi rằng đã học xong. Cái khác biệt của ta và Uyên Linh hay Vô Kỵ là ở đây, vì quay lại câu chuyện của họ, chúng ta thấy hai kẻ này học xong khi “quên hết”.
Được trang bị với mô hình của mình, tôi có thể giải thích điều này một cách đơn giản. Với người thường, quá trình học hành được coi là kết thúc nếu hoàn thành bước 6, tức là toàn bộ thông tin được truyền tải có thể tái hiện lại được bằng tư duy ý thức. Nhưng với Uyên Linh và Vô Kỵ, họ đã tiến một bước sâu hơn, khi thực tại không những được tái hiện toàn bộ ở mức khái niệm mà còn được tổng hợp hoàn hảo vào thực tại tương đối của họ, tức là hoàn thành bước 7. Nhờ hoàn thành bước 7, là một bước vượt ra ngoài ý thức, họ dễ dàng truy xuất và sử dụng những kỹ năng mới tiếp nhận bằng một thứ tư duy có lẽ tương tự “hệ thần kinh thực vật”, ở đó mọi thứ “tự động diễn ra” cực kỳ nhanh chóng, trôi chẩy và không cần tới bất kỳ can thiệp nào của tư duy ý thức. So với thứ tư duy này thì tư duy ý thức chậm chạp và làm việc kiểu sequential hơn nhiều.. Tôi nghĩ ai cũng công nhận rằng, với kiểu “ngấm vào máu” thế này thì sự cần thiết phải tra lại sách vở, nhớ lại lời thầy dậy khi đang thực thi tác vụ là hầu như biến mất. Để thấy,  cái quên của họ không phải kiểu “chữ thầy trả thầy”, mà là kiểu “hấp thụ hoàn hảo vào tiềm thức, do đó không còn phải dùng đến ý thức nữa”. Nhìn rộng ra trong thực tế, ta thấy các bậc thầy trong lĩnh vực âm nhạc, văn thơ hay bất kỳ một lĩnh vực nào đó, đều ít nhiều đi theo con đường này. Mọi thứ họ nhận được, cuối cùng được hiểu và tái tạo trọn vẹn vào tầng tiềm thức, thậm chí tầng vô thức của họ, từ đó họ có khả năng tự do dậy lại cho người khác bằng “ngôn ngữ” của chính họ, và sáng tạo ra các “khái niệm” (giờ đây, với tôi, khái niệm và ngôn ngữ là không phân biệt) từ nền tảng thực tại tương đối tuyệt đẹp của mình. Họ sở hữu một khả năng mà những kẻ vẫn còn loanh quanh với việc nghiên cứu/ tổ hợp mớ khái niệm bằng tư duy ý thức (loanh quanh ở bước 6) không tài nào bắt chước được. Vì thế ta thấy với Beethoven điếc không phải là trở ngại, với Trịnh Công Sơn ở ca từ của ông luôn có một sự sáng tạo thần thánh. Để bắt kịp họ, người ta phải có khả năng huy động tư duy ở những tầng sâu hơn tầng ý thức, tôi nghĩ vậy.

Comments

Popular Posts