hỏi đáp về phát triển và Phật giáo

Thỉnh thoảng nói chuyện với bạn bè về đề tài tín ngưỡng, tôi hay gặp một câu hỏi đại khái nếu không còn ham muốn nữa, nếu không còn cái tôi nữa, thì xã hội làm sao phát triển được. Câu hỏi thực ra hóc búa hơn tôi tưởng, ít nhất thì cũng khá là hóc búa với trình độ đọc sách tạp nham và kinh nghiệm sống ít ỏi của tôi.
Nhưng dù sao thì câu hỏi đó cũng cứ trở đi trở lại với tôi như một duyên nghiệp gì đó. Theo đúng tinh thần "không trốn tránh" của Zen, tôi vẫn cố gắng suy nghĩ về câu hỏi đó, cố gắng vận dụng những gì mình đã biết để trả lời trong khả năng của mình. Dưới đây ghi lại một hỏi đáp trong thực tế của tôi về đề tài này.



Câu hỏi (tóm tắt):
Đạo phật có vẻ không coi mỗi ng là 1 cá thể riêng biệt nhỉ, không đề cao cái tôi cá nhân.  
Uh nhưng nếu đề cao việc từ bỏ bản ngã của mình, từ bỏ ham muốn thì có đi ngược lại tiến trình phát triển ko nhỉ? Phát triển ở đây được hiểu là sáng tạo, tìm ra bản chất của sự vật. Vì theo đuổi sáng tạo chẳng hạn có thể tạo ra đau khổ, như thế phật giáo có ủng hộ ko ? chẳng hạn thế
Trả lời:
Trọng tâm của Phật giáo là con đường diệt khổ (Tứ diệu đế: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế đều chỉ nói về khổ), vì thế Phật giáo không tìm cách đặt ra hay tìm cách xử lý các vấn đề khác: ví dụ như sự phát triển hay nghệ thuật hay giáo dục hay xây dựng, giao thông ...
Dưới cái nhìn Phật giáo, nếu một người hay một xã hội không phấn đấu diệt khổ, thì cuộc sống của họ hay của cộng đồng đó chỉ đơn giản là diễn tiến theo Nghiệp (karma). Do đó tất cả các vấn đề khác mà tớ nói ở trên: Phát triển, giáo dục, nghệ thuật, xây dựng ... với quan điểm Phật giáo thì đều chỉ đơn giản là sự vận hành của Nghiệp.
Đến lượt nó, Nghiệp chỉ là khái niệm tổng hợp của các biểu hiện cụ thể của luật nhân quả. Dưới góc độ nhân quả, có thể chia Nghiệp ra 3 loại chính: Thiện nghiệp, ác nghiệp và Vô ký nghiệp (không thiện không ác)
3 loại này áp dụng cho mọi loại hình hoạt động, phát triển hay sáng tạo. Để đơn giản, ta cũng có thể coi mọi hoạt động đều là sự sáng tạo theo cái nghĩa là nó tạo ra cái mới mà trước đó không có: 1 cái cây mới mọc, một cơn gió thổi qua, ánh trăng trên mặt nước ... Vạn pháp vô thường nên mọi thứ luôn mới, chẳng có gì lặp lại (ko ai tắm 2 lần trên 1 dòng sông). Nghiệp vì thế là một quá trình vận động không ngừng nghỉ và bản thân cuộc sống, vì thế là một sự sáng tạo. Toàn bộ cuộc sống là một sự sáng tạo lớn lao và bất tận.
Như thế thiên nhiên cũng đang sáng tạo từng giây từng phút. Bình minh cũng là sáng tạo mà gió bão, lụt lội, cháy rừng cũng là sáng tạo (tạo ra sự thay đổi, tạo ra cái mới). Những sáng tạo đó có thể phản đối được không? Không, việc phản đối hay ủng hộ sự vận hành của thiên nhiên là vô nghĩa! Thiên nhiên chỉ là nó, như nó vốn là, ko có gì để ủng hộ hay phản đối.
Tất nhiên đó là thiên nhiên, còn giờ ta quay về con người. Thiên nhiên và con người khác nhau ở chỗ con người hành động là có tác ý (làm để tạo ra cái gì đó cho mình hay cho người) .. Những tạo tác nói trên của thiên nhiên vì ko có tác ý nên ko có thiện hay ác (vô ký), chỉ có tạo tác của con người mới có tác ý mà thôi:
 - Tác ý tốt (lợi mình, lợi người) --> thiện nghiệp ;
 - Tác ý xấu (hại người - người ở đây có thể là cây, con hay bấy kỳ đối tượng sống ngoại thân nào đều được) --> ác nghiệp

Mọi người có vẻ có xu hướng nghĩ rằng mọi thứ đều hoặc thiện hay ác nhưng thực ra không chỉ có thế. Ngoài thiện và ác còn rất nhiều hành động có tạo ra sự thay đổi, nhưng chẳng thiện, chẳng ác (vô ký): đi đứng nằm ngồi chẳng hạn. Và thực tế những cái gọi là vô ký ấy mới là phần lớn, vì thế có:
- Vô tác ý (không hại/ lợi người) --> vô ký nghiệp

Trên nền tảng đó, ta trở lại câu hỏi cụ thể:  Sáng tạo tạo ra đau khổ thì Phật giáo có ủng hộ không? Có một phương án trả lời như sau:

1. Bản thân lúc sáng tạo:
- Người sáng tạo có tác ý lợi người --> việc thiện, ủng hộ.
- Người sáng tạo nếu sáng tạo (ra một công cụ/ phương tiện gì đó) với tác ý hại người --> việc ác, không ủng hộ.
- Người sáng tạo để đơn thuần giải trí (lợi mình, ko có ý để làm lợi hay hại người) --> vô ký, chẳng ủng hộ hay không ủng hộ.

2. Sau khi có sáng tạo, bản thân người sáng tạo hoặc 1 người khác lợi dụng thành quả được sáng tạo ban đầu để gây ra đau khổ thì sao? (xét về mặt nào đó thì hành động thứ hai này cũng là sáng tạo: cách thức gây đau khổ mới, hoặc làm xuất hiện khổ đau mới )
--> không ủng hộ, vì rõ ràng tác ý ở đây là để hại người và đó là việc ác.

Comments

Popular Posts