Nhập môn pháp chân đế: XXII. Tịnh hảo và bất tịnh hảo

Khi tâm được phân loại theo các pháp tương hợp (sampayutta dhamma), tâm có thể được phân loại tịnh hảo (sobhana) và bất tịnh hảo (asobhana). Điều ấy có nghĩa rằng tâm được phân loại thành sinh kèm hoặc không sinh kèm các tâm sở là nhân tịnh hảo, tức vô tham, vô sân và trí tuệ. Các tâm sinh kèm nhân tịnh hảo là tâm tịnh hảo và các tâm không sinh kèm tâm tịnh hảo là tâm bất tịnh hảo. 

 Các pháp tịnh hảo không chỉ bao gồm các pháp thiện mà còn bao gồm cả các pháp là quả thiện (kusala vipāka) và các pháp là duy tác (sobhana kiriya dhamma). Các pháp bất tịnh hảo không chỉ bao gồm các tâm và tâm sở bất thiện, mà còn cả các tâm và tâm sở không sinh kèm với các tâm sở tịnh hảo. Khi nghiên cứu pháp chân đế, ta cần thẩm xét một cách kỹ lưỡng về nhân và quả. Nếu làm như thế, ta sẽ không còn hiểu sai về pháp tịnh hảo và pháp bất tịnh hảo.

I. Phân biệt bất thiện và bất tịnh hảo

Tâm bất thiện sinh khởi cùng với các tâm sở bất thiện là tham, sân và si, như vậy đó không phải là tâm tịnh hảo. 

Nhãn thức không sinh khởi cùng tham, sân, si nhưng cũng không sinh khởi cùng vô tham, vô sân và trí tuệ. Nhãn thức là tâm quả và chỉ đồng sinh với bảy biến hành tâm sở chứ không với các tâm sở tịnh hảo hay tâm sở bất thiện. Như vậy, nhãn thức là tâm bất tịnh hảo nhưng không phải là tâm bất thiện.

Nhãn thức sinh kèm với bảy biến hành tâm sở gồm xúc (phassa), thọ (vedanā), tưởng (saññā), tư (cetanā), nhất tâm (ekaggatā), mạng căn (jīvitindriya) và hướng tâm (manasikāra). Bảy tâm sở này được gọi là biến hành tâm sở vì chúng luôn sinh kèm với mỗi tâm, cho dù đó là tâm bất thiện, tâm thiện, tâm quả, tâm duy tác hay tâm siêu thế hay bất cứ loại tâm nào khác. Các tâm sở này khi sinh khởi cùng tâm bất thiện thì chúng là bất thiện, khi sinh khởi cùng tâm thiện thì chúng là thiện.  

Khi nghiên cứu Giáo pháp, ta cần phải hiểu một cách chính xác sự khác biệt giữa tâm bất thiện và tâm bất tịnh hảo. Tâm bất thiện hay các pháp bất thiện là các thực tại xấu xa, hạ liệt và nguy hiểm bởi vì chúng là nhân sẽ tạo ra kết quả xấu và buồn đau. Pháp bất tịnh hảo thì rộng hơn, bao gồm toàn bộ các tâm và tâm sở không sinh kèm với tâm sở tịnh hảo. Pháp được phân loại bằng nhiều phương pháp khác nhau dưới nhiều góc độ khác nhau, tương ứng với đặc tính khác nhau của các thực tại. 


Các tâm và tâm sở thuộc bốn chủng loại có thể được phân thành tịnh hảo và bất tịnh hảo theo cách sau:

  • Tâm bất thiện và các tâm sở đồng sinh là các pháp bất tịnh hảo
  • Tâm thiện và các tâm sở đồng sinh là các phá tịnh hảo
  • Tâm quả và tâm duy tác không sinh kèm với các tâm sở tịnh hảo như vô tham hay vô sân là các pháp bất tịnh hảo
  • Tâm quả và tâm duy tác sinh kèm với các tâm sở tịnh hảo các pháp tịnh hảo

Như đã nói, nhãn thức quả thiện và nhãn thức quả bất thiện (nhãn song thức) chỉ sinh kèm với bảy biến hành tâm sở. Bốn song thức khác (nhĩ, tỉ, thiệt, thân song thức) cũng như vậy, vì thế toàn bộ 10 tâm ngũ song thức là tâm bất tịnh hảo. Ngoài 10 tâm này và các tâm bất thiện còn có các tâm khác nữa không sinh kèm với tâm sở tịnh hảo và do đó là bất tịnh hảo.

Một vị A la hán vẫn có ngũ song thức sinh khởi khi vị ấy thấy, nghe, ngửi ... Như vậy các vị A la hán vẫn có tâm bất tịnh hào nhưng vị ấy không còn tâm bất thiện (cũng như không còn tâm thiện) nữa.  

II. Tâm quả thiện tịnh hảo và bất tịnh hảo

Một số tâm quả thiện là bất tịnh hảo và một số khác là tịnh hảo. 

Như đã biết, năm tâm trong số 10 tâm của ngũ song thức là tâm quả thiện (năm tâm còn lại là tâm quả bất thiện) và chúng là bất tịnh hảo. Các tâm quả thiện này là vô nhân (ahetuka).

Ngoài ngũ song thức còn có cả các tâm quả thiện vô nhân khác nữa. Lấy thức tái tục ở cõi người làm ví dụ. Thức tái tục sinh khởi ở cõi người là tâm quả thiện. Tuy nhiên thức tái tục trong trường hợp một người bị tàn tật bẩm sinh là tâm quả thiện vô nhân (bất tịnh hảo), còn với những người không bị tàn tật bẩm sinh thì thức tái tục là tâm quả thiện nhị nhân hoặc tam nhân (tịnh hảo). 

Người sinh ra với thức tái tục là tâm quả thiện ly trí sinh kèm với vô tham và vô sân được gọi là người nhị nhân. Trong kiếp ấy, người này không thể đắc thiền hay đạt được giải thoát. Người sinh ra với thức tái tục là tâm quả thiện hợp trí sinh kèm với vô tham, vô sân và vô sinh được gọi là người tam nhân. Trong kiếp ấy, nếu đủ duyên, người ấy có thể đắc thiền hoặc phát triển tuệ giác vipassanā, có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Tuy nhiên nếu người ấy không phát triển thiện pháp hay nghe pháp, không hay biết thực tại thì người ấy sẽ chỉ tài giỏi trong các kiến thức thế gian mà thôi. Nếu không phát triển tuệ giác, sẽ không thể chứng ngộ các đặc tính của thực tại như chúng là.

Khi thức tái tục là tâm tịnh hảo thì tâm hộ kiếp (bhavanga citta) cũng là tâm tịnh hảo. 

III. Hiểu thêm một số pháp bất tịnh hảo  

Có được hiểu biết đúng về các thực tại là tịnh hảo và bất tịnh hảo là rất quan trọng. Thuật ngữ sobhana trong tiếng Pali thường được dịch ra tiếng Việt là đẹp, tịnh hảo nhưng từ này có thể tạo ra sự hiểu lầm. Ta có thể hiểu lầm rằng tất cả những gì là đẹp và dễ chịu thì là tịnh hảo (sobhana). Ví dụ ta có thể nghĩ rằng cảm giác dễ chịu trên thân là tịnh hảo, nhưng không phải như vậy.

Hãy cùng suy xét đặc tính của cảm giác dễ chịu trên thân. Thực tại được suy xét ở đây là thọ lạc (một trong năm loại thọ đã biết: thọ hỷ, thọ ưu, thọ xả, thọ lạc và thọ khổ). Thọ lạc (sukha vedanā) thì sinh kèm với thân thức là tâm quả thiện, thân thức này kinh nghiệm đối tượng xúc chạm dễ chịu. Thân thức là 1 trong các ngũ song thức không sinh kèm với các tâm sở tịnh hảo (vô than, vô sân hay vô si), vì thế nó là bất tịnh hảo. Như vậy thực tại của thọ lạc là bất tịnh hảo.

Hãy thử suy xét về sắc (rūpa). Sắc thì không biết gì cả, nó không thể sinh kèm với từ, bi, hỷ hay bất cứ pháp tịnh hảo nào, nó cũng không thể là thiện hay bất thiện. Vì thế sắc không phải là pháp tịnh hảo, cho dù nó có thể là một đối tượng đẹp, dễ chịu. Chỉ có tâm và tâm sở là tịnh hảo hay bất tịnh hảo mà thôi. 

IV. Tiểu kết

Chúng ta nghiên cứu các loại tâm khác nhau để có thể hiểu một cách chính xác các đặc tính của các tâm được phân loại theo những cách khác nhau. 

  • Chúng có thể được phân loại theo chủng loại - tính chất thiện, bất thiện, quả và duy tác; hoặc
  • Phân chia theo ba nhóm - thiện pháp, bất thiện pháp và vô ký pháp; hay
  • Phân chia theo nhân (hetu); hoặc
  • Phân chia theo không cần tác động (asaṅkhārika) hay cần tác động (sasaṅkhārika); hay
  • Phân chia theo tịnh hảo hay bất tịnh hảo

Các phân loại này khiến chúng ta thấy rõ hơn rằng tâm được sinh kèm bởi các tâm sở khác nhau làm cho chúng muôn màu muôn vẻ. Nếu chúng ta hiểu những cách phân chia này, đó có thể là duyên cho chánh niệm (sati) sinh khởi và hay biết các thực tại, để các thực tại có thể được biết là vô ngã, không phải một tự ngã hay một chúng sinh nào cả. Các thực tại chỉ là danh và sắc với những đặc tính riêng của chúng, xuất hiện một mình tại một thời điểm. Đối tượng thị giác xuất hiện qua mắt chỉ là một đặc tính của thực tại. Âm thanh cũng là một đặc tính khác của thực tại. Mùi, vị và đối tượng xúc chạm đều là hững thực tại khác nhau, mỗi thứ đều có đặc tính riêng của chúng. Tâm thiện và tâm vô ký là những thực tại khác nhau, đều có những đặc tính riêng của nó. 

Nếu chúng ta hiểu kỹ hơn về tất cả các thực tại này, mỗi thực tại với đặc tính riêng của nó, sẽ có sự tích lũy và nhân duyên cho chánh niệm hay biết và thẩm sát đặc tính của các thực tại đang xuất hiện. Bằng cách ấy, bản chất thực sự của các pháp có thể được xuyên thấu.



Thọ uẩn và ngũ uẩn thủ

Tâm kinh nghiệm đối tượng, nó muốn thấy một đối tượng thị giác, muốn nghe âm thanh, ngửi mùi hay kinh nghiệm đối tượng xúc chạm dễ chịu để thọ hỷ có thể sinh khởi mãi. Ta muốn có thọ hỷ hằng ngày, bất kỳ khi nào đối tượng được kinh nghiệm qua các căn và kể cả khi suy nghĩ về đối tượng ấy. Đó là sự dính mắc vào đối tượng.

Ngũ uẩn là đối tượng của sự dính mắc và điều ấy được chỉ ra trong nhiều ví dụ khác nhau trong kinh điển. Trong một cuốn Chú giải cho Thanh Tịnh Đạo có nói rằng sắc uẩn (rūpakkhandha) giống như cái đĩa chứa đựng thức ăn mang đến hạnh phúc. Thọ uẩn (vedanākkhandha) giống như thực phẩm trong đĩa thức ăn ấy. Tưởng uẩn (saññākkhandha) giống như loại nước sốt được rưới lên thức ăn làm nổi bật hương vị của nó; bởi lẽ, do nhận thức về cái đẹp, nó che giấu bản chất của thực phẩm là thọ. Hành uẩn (saṅkhārakkandha) giống như người phục vụ đĩa thức ăn đó, là nhân cho thọ, còn thức uẩn (viññāṇakkhandha) giống như vị thực khách bởi vì nó được thọ trợ giúp. Cả bốn danh uẩn này luôn sinh khởi cùng nhau và phụ thuộc vào sắc uẩn làm duyên.

 --- Lời bạt của người viết ----

Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch. 

Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.

---- Lưu ý (disclaimer) ----

Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.

Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.

Comments

Popular Posts