7 điều kỳ ảo về thực tại (tột cùng)

Con đường thực ra không hề đòi hỏi những trải nghiệm đặc biệt, những trải nghiệm khác thường (không có trong đời sống hằng ngày). Con đường mở ra với hiểu biết đúng (về thực tại vô ngã) và ngày càng đúng hơn về những thực tại thường ngày mà thôi. --- Jonothan Abbott -- 

"The path is not about having special experiences, special life style. It’s about clearer appreciation of the truth appears at the present moment" -- Jonothan Abbott -- 

Câu nói trên nói về "thực tại đang xuất hiện ở khoảnh khắc này".

I. Nhưng "Thực tại" ở đây là gì?

Một số người có sẵn vài vốn kiến thức về thiền, mindfulness 

Một số người cho rằng họ thực hành việc nhận biết cái đang xảy ra trên thân và tâm của bản thân là họ biết cái "đang là", rằng biết thân và tâm của mình là biết được thực tại hiện khởi. Họ gọi đó là chánh niệm hay sự tỉnh thức. Chánh niệm với họ là sự thực hành "biết mình" như thế. Bạn cứ chú tâm vào thực tại ở giây phút này và đó là chánh niệm. Chánh niệm hết sức đơn giản, miễn là bạn chú tâm vào thực tại. Chánh niệm là cái tự bạn cảm nhận, mọi kiến thức sách vở từ bên ngoài đều không cần thiết.

Vấn đề ở chỗ cùng là "thực tại", nhưng "thực tại" xuất hiện trước vô minh và "thực tại" xuất hiện trước chánh niệm thật sự thì hoàn toàn khác nhau

Thực tại xuất hiện trước vô minh có rất nhiều: Thân của mình, Tâm của mình, hơi thở, chân, tay, cử động ... Cho dù có được nghe Giáo pháp hay không thì ai cũng biết những thực tại ấy. Chúng là các thực tại chế định hay tục đế.

Thực tại xuất hiện trước chánh niệm thật sự thì là khác: Bảy sắc cảnh giới, các đặc tính thiện, bất thiện. ... Nếu không được nghe Giáo pháp thì không ai có thể có hiểu biết về những thực tại ấy. Chúng là các thực tại chân đế hay thực tại tột cùng.

Trên thực tế, chánh niệm cũng là một thực tại tột cùng, một pháp vô ngã sinh lên rồi diệt đi ngay. Duyên để chánh niệm sinh khởi là sự suy xét ở mức độ tư duy về các thực tại tột cùng được mô tả trong Giáo pháp. Mọi pháp, mọi duyên đều là vô ngã. Do duyên khởi nên không có thực tại nào là chủ quan, mọi tâm đều là khách quan. Do là thực tại vô ngã, là thực tại khách quan nên chánh niệm thật sự không thể được lên kế hoạch, không sinh khởi do mong cầu, không thể được tạo ra bởi sự chú tâm hay một phương pháp cụ thể nào hết. Khi "sự suy xét đúng" xẩy ra đủ, chánh niệm tự nó sinh khởi đột ngột như cơn mưa/ như ánh chớp, không hề hẹn trước. 

Tâm không phải "của bạn", thế thì làm sao "bạn" có thể luyện được tâm, thứ vốn sinh khởi mà không cần đến "bạn"? Chánh niệm cũng không phải "của bạn", nên mọi phương pháp "của bạn" hay "của ai" đó đều không tạo ra được nó, cũng như "bạn" không thể tạo ra cơn mưa hay ánh chớp vậy.

Nếu không được nghe/ đọc và hiểu đúng về các thực tại tột cùng trong Giáo pháp, mọi thực hành đều chỉ là sự chú tâm vào các thực tại chế định với vô minh mà thôi.

Sự chú tâm vào các thực tại chế định thực chất chỉ là các tâm suy nghĩ về các khái niệm thông thường, ở đó không có hiểu biết về chánh niệm, đối tượng của chánh niệm thực sự cũng như duyên để chánh niệm sinh khởi. 



II. 7 điều kỳ ảo về thực tại chân đế

Bài Có gì hay không có gì? đã mô tả điều kỳ ảo thứ nhất về thực tại chân đế:

1. Không ai có thể tự mình tìm ra sự thật về các pháp chân đế, khoa học cũng không thể phát hiện ra các thực tại tột cùng

Thế đấy, trong khi ai cũng biết, cũng kinh nghiệm được các thực tại tục đế trong cuộc sống hằng ngày thì ngược lại, hiện tại không ai có khả năng kinh nghiệm (nhận biết/ cảm nhận) một cách trực tiếp các thực tại chân đế cả.

Không phàm nhân nào có khả năng kinh nghiệm (nhận biết/ cảm nhận) một cách trực tiếp các thực tại chân đế. Việc trực tiếp kinh nghiệm được sự sinh diệt của các pháp đòi hỏi một mức độ trí tuệ rất cao. Mức độ trí tuệ này hiện nay (trong thời Mạt pháp) không còn nữa, đúng như tiên tri của Đức Phật. Vì con người không thể kinh nghiệm được trực tiếp sự sinh diệt của các thực tại chân đế, hiện điều này chỉ có thể được hiểu ở mức độ tư duy mà thôi. Chỉ với cái hiểu ở mức độ tư duy, sẽ chưa thể chứng ngộ được đặc tính vô thường của các pháp. Tuy nhiên, nếu không nghiên cứu về thực tại chân đế, sẽ không bao giờ bạn có bất cứ hiểu biết nào về thực tại được Đức Phật chứng ngộ, bất kể dùng phương pháp nào.

Nếu không hiểu về pháp chân đế trong Giáo pháp, sẽ không ai có thể tự mình tìm ra được thực tướng của vạn pháp.

tiếp theo xin giới thiệu thêm trong bài này:

2. Các pháp chân đế hay các thực tại tột cùng thì chỉ tồn tại trong chớp mắt, nhưng chúng ta chưa đủ khả năng kinh nghiệm sự sinh diệt đó

Trong khi các thực tại tục đế như hòn đá, xe cộ, con người thì luôn ở đó, ít nhất là cũng tồn tại kéo dài trong một khoảng thời gian thì ngược lại, các pháp chân đế hay các thực tại tột cùng thì chỉ tồn tại trong chớp mắt

Vậy còn khoa học. Cứ tiếp tục phát triển thì đến lúc nào đó khoa học cũng có thể giúp ta kinh nghiệm sự sinh diệt đó đúng không? 


Một số người cho rằng khoa học hoàn toàn logic, trong khoa học mọi thứ đều được kiểm chứng, không có chỗ cho những niềm tin "từ trên trời rơi xuống". Nhưng không phải vậy đâu. Khoa học cũng dựa trên niềm tin đó bạn, chỉ có điều, niềm tin trong khoa học được gọi bằng cái tên khác, nghe "khoa học" hơn: Các tiên đề. 


Ít nhất khoa học có hai niềm tin sau:

 a. Có tồn tại vật chất cuối cùng, một loại hạt cơ bản xây nên cả vũ trụ (có thể là super string, …)

 b. Ý thức là sản phẩm của vật chất


Hai niềm tin hay tiên đề này ngay từ đầu đã hướng khoa học ra ngoài thực tại chân đế. Trong khi pháp chân đế là những thứ sinh lên rồi biến mất ngay lập tức thì vật chất cuối cùng trong khoa học là niềm tin vào một thứ "hạt" mang tính trường tồn ổn định. Trong khi danh pháp và sắc pháp cùng nương tựa lẫn nhau thì khoa học tin rằng ý thức chỉ là hệ quả của vật chất.


Chừng nào các sự vât hiện tượng còn xuất hiện một cách kéo dài và có vẻ thường hằng, chừng đó chưa có duyên để hiểu sự thực về Khổ. Khổ lúc đó vẫn chỉ là các cảm thọ khổ ưu của tục đế mà không phải là Khổ được nói đến trong Thánh đế. Chưa biết sinh-diệt, chưa thể hiểu Khổ trong Thánh đế.


Ngược với hình dung thông thường của thế gian rằng ắt có một “cái gì đó” tồn tại liên tục để nhận biết hay kinh nghiệm hết điều này đến điều khác. Cái "nhận biết" không thường hằng, không có sẵn, không kéo dài. Cái biết không “luôn có mặt sẵn” ở đó chờ để biết những gì xuất hiện. Cái biết chỉ sinh lên cùng với cái được biết trong khoảnh khắc và thậm chí diệt đi trong khi cái được biết vẫn còn ở đó.

Chỉ lúc đó thôi. Just in that moment.

3. Các pháp hữu vi đều không có tính thực thể, chúng chỉ là đặc tính đơn thuần, loé lên rồi biến đi mất trong chớp mắt

Gọi là thực tại, tức là có tồn tại theo nghĩa tận cùng, nhưng (cả danh và sắc đều) không có thực thể nào tồn tại hết, chúng giống như các đặc tính loé lên thì đúng hơn. Có người cho rằng sắc (rupa) là các "hạt vật chất", nhưng thực ra sắc không phải là vật chất theo nghĩa vật lý thông thường. Sắc hoàn toàn khác.

Sắc chỉ là các "đặc tính" đơn thuần: cứng, mềm, căng, chùng, ..... Mỗi "đặc tính" là một sắc, chúng chỉ loé lên rồi lại diệt đi ngay như các tín hiệu loé lên vậy. Ở khoảnh khắc khi có sự xúc chạm vào "cái bàn", chỉ có "đặc tính cứng" hoặc một vài đặc tính khác được cảm nhận, chứ không có cái "hạt" nào được cảm nhận hết.

Không thể nói sắc là có trọng lượng, có kích thước, có vị trí, hay có hình dạng ... gì cả.

Các danh pháp cũng vậy, chúng vô hình, vô ngã, chỉ sinh lên, thực hiện chức năng của chúng rồi diệt đi ngay sau khoảnh khắc.

Do các pháp hữu vi chỉ là các đặc tính đơn thuần và duyên khởi nên cũng có thể nói chúng:

  • .Không bản chất (〜anatta)
  • .Không kéo dài (biến mất ngay)
  • Không kích thước/ hình dạng
  • Không tồn tại độc lập (bắt buộc phải được các pháp đồng sinh khác làm duyên)
  • .Không mang lại sự hài lòng (dukkha)
  • .Không mục đích/ ý nghĩa
  • .Không ý chí tự do
  • Không thể bị kiểm soát
  • Không thể được lựa chọn

Tất cả những các pháp đều là thực, rất thực nhưng vô cùng tạm bợ. 

4. Các pháp hữu vi luôn sinh và diệt liên tục nối tiếp nhau không ngừng vô cùng nhanh

Các pháp hữu vi luôn sinh và diệt liên tục nối tiếp nhau bởi các duyên. Một danh pháp diệt đi thì lại có một danh pháp khác sinh lên thay thế rồi lại diệt đi ngay, tiếp theo là một danh pháp khác. Sắc pháp cũng vậy.

Trên phương diện tục đế, chúng ta cho rằng "cái bàn" là thường hằng nhưng thực ra không phải vậy. Ở chỗ mà chúng ta suy nghĩ là có "cái bàn" đó luôn luôn chỉ là các sắc pháp vừa mới sinh lên rồi diệt đi nhường chỗ cho các sắc pháp nữa cũng vừa mới sinh lên. Một quả chuối lúc đầu xanh, sau vàng, sau héo. Người ta vẫn nghĩ từ đầu đến cuối chỉ có một quả chuối biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác nhưng ko phải như vậy. Ở mức độ tận cùng, ở chỗ "quả chuối" đó luôn chỉ là vô vàn các sắc pháp "mới toanh" vừa sinh lên và đã diệt đi mất trong chớp mắt, chứ không hề có một thực tại nào đang tồn tại xuyên suốt ở đó cả.

Về các danh pháp thì tại một thời điểm chỉ có một tâm duy nhất sinh lên. Cái thấy không thể sinh lên cùng với cái nghe, cái nghe không thể sinh lên cùng cái nghĩ .... Mỗi tâm là độc nhất và riêng rẽ. Cái thấy sinh lên một mình, cái nghe, cái nghĩ ... cũng vậy. Đó cũng là ý nghĩa của "sống một mình". Trên phương diện tột cùng, không nhiều người sống cùng nhau, chỉ có các tâm sinh lên một mình tại một thời điểm.

Cái thấy chỉ loé lên chứ ko có cái thấy nào kéo dài. Cái nghe chỉ loé lên chứ ko có cái nghe nào kéo dài. Cái nghĩ chỉ loé lên trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.

Không có một cái biết hay nhớ liên tục ở đó chờ để biết hay để nhớ. Bất kỳ cái biết nào/ cái nhớ nào đều là cái biết/ cái nhớ mới, chỉ sinh lên ở khoảnh khắc đó, biết hay nhớ chỉ ở khoảnh khắc đó rồi diệt đi ngay, nhường chỗ cho danh pháp khác. 


5. Các thực tại (tột cùng) có thể sinh khởi mà không “xuất hiện” trước tâm. Chúng chỉ xuất hiện từng thực tại một tại một thời điểm

Cái thấy chỉ thấy trong một khoảnh khắc loé lên, cái nghe chỉ nghe trong một khoảnh khắc vụt qua. Từng cái riêng lẻ, cái này rồi mới đến cái kia. Nhưng vì các khoảnh khắc đó quá nhanh nên ta tưởng rằng thấy và nghe xẩy ra đồng thời và kéo dài. Quá nhanh khiến pháp chân đế nhoè thành thế giới tục đế. Chừng nào hiểu biết về tính riêng rẽ của từng thực tại chưa phát triển thì chừng đó chưa đủ duyên để xả ly ý niệm về ngã: tôi thấy, tôi nghe …


6. Ở mức độ tột cùng không có cái gì tồn tại nằm ngoài các pháp chân đế hết

Có thể có cái tôi tồn tại kéo dài và “tách khỏi” suy nghĩ, tách khỏi cái biết không? Có thể có cái tôi tồn tại kéo dài và độc lập với các pháp hữu vi không? Nếu bạn cho rằng là có, thì nghĩa là bạn chấp nhận có một tự ngã tồn tại ở bên ngoài các uẩn (pháp hữu vi), đó là cái hiểu sai vì nó vi phạm điểm thứ 5. này. Cái hiểu sai này là một dạng tà kiến về ngã, là bất thiện pháp với vô minh.

Chẳng có con người nào hết, chẳng có bạn, có tôi, cũng không có Đức Phật, chỉ có Ngũ uẩn, chỉ có các pháp hữu vi mà thôi. Đó chính là sự thật về vô ngã. Vì không hề có con người, không hề có một thứ bản ngã nào tồn tại độc lập và có ý chí tự do, nên cũng chẳng có trải nghiệm nào là "chủ quan" hết. Mọi trải nghiệm đều là trải nghiệm khách quan, mọi trải nghiệm đều là duy nhất nhưng không tồn tại độc lập. Mọi trải nghiệm xẩy ra đều bị chi phối bởi các điều kiện khách quan. Cái thấy, cái nghe, suy nghĩ, cảm xúc, ý định, mong muốn đều khách quan, duyên khởi và không thể kiểm soát bởi ai cả.

7. Khi một thứ chỉ xuất hiện trước suy nghĩ thông thường mà không xuất hiện qua năm cửa giác quan và thứ đó cũng không phải danh pháp thì thứ đó không thể là một thực tại, thứ đó chỉ có thể là một khái niệm  

Thực ra đây không phải là một điều kỳ ảo của thực tại tột cùng, tôi chỉ tiện thể đưa vào cho đủ số thôi :)

Chúng ta thử suy xét về “tánh biết” hay “chân tâm” hay “phật tánh” hay “linh hồn” …. Những thứ đó có phải là thực tại có thật không? hay chỉ là các khái niệm?

Những thứ trên (Tánh biết, Chân tâm, Phật tánh hay linh hồn) được mô tả bởi các đặc tính như sau: “rỗng lặng trong sáng, không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không hữu, không vô, không đến, không đi, thường tròn vẹn rõ biết”.

Thứ được mô tả ở trên có một tính chất quan trọng là "rõ biết", vậy nếu nó có thật, nó phải là danh pháp. Vậy nó có phải (danh) pháp vô vi, tức Niết bàn không? Không phải vì Niết bàn thì không kinh nghiệm gì cả.

Vậy nó có phải danh pháp hữu vi hay không? Cũng không phải vì không có pháp hữu vi nào không sinh không diệt hết.

Như vậy những thứ này không phải danh pháp, những thứ này cũng không hề xuất hiện qua năm cửa giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân), vậy những thứ này chỉ là khái niệm, chỉ là những khái niệm trỏ đến những thứ không có thật, những câu chuyện hoàn toàn được thêu dệt nên mà thôi.

Có những người tự cho mình là người theo Phật và đồng ý rằng không có “cái tôi” hay “bản ngã” nào, tuy nhiên họ lại đồng ý rằng có “tánh biết” ở trong họ hoặc có họ ở trong “tánh biết”. Như thế thực chất sự bám chấp “một thứ gì đó thường hằng và bất biến” vẫn còn nguyên, ở đó không có cái hiểu rằng "chúng sinh" thực chất chỉ là các một nhóm các pháp hữu vi tự chúng sinh diệt liên tục được gọi tắt là "ngũ uẩn" mà thôi, không có gì khác ngoài ngũ uẩn hết. Nếu hiểu biết đúng về thực tại từ góc độ Pháp chân đế, những ngộ nhận/ tà kiến như vậy là rất khó để nhận ra.


---------
Thế giới chỉ sáng trong một khoảnh khắc hiếm hoi của cái thấy, nhưng cứ mở mắt ra là ta lại thấy luôn sáng, lúc nào cũng sáng!
Điều đó cho thấy Hiện tại có cái thấy, nhưng cái thấy không xuất hiện như-nó-là
Khi nghe, ngửi, nếm … suy nghĩ thì không có cái thấy, những lúc đó thực tại tột cùng ắt phải là bóng tối.
Như vậy trong cái thế giới mà ta thấy “luôn sáng” ấy chỉ có 1% là sáng của cái thấy thật, 99% còn lại là sáng do ảo ảnh (của tưởng và suy nghĩ ….) tạo ra. 99% sáng là các hình tướng, khái niệm do Ảo thuật gia citta tạo ra.
Ánh sáng chỉ vụt qua thế giới tối tăm, nhưng bạn thấy nó luôn sáng
Âm thanh thực chất chỉ vụt qua thế giới tĩnh lặng, nhưng bạn nghe nó luôn ồn ào
Cho dù có “ý thức về giây phút hiện tại” bao nhiêu đi chăng nữa mà không được nghe về Pháp chân đế thì mãi mãi người ta chỉ có thể hiểu hiện tại chế định chứ không thể nào có cái hiểu về hiện tại như được mô tả trong Giáo lý. Không nghe Pháp của Đức Phật thì không ai có thể tự mình hiểu “hiện tại” mà kinh điển nói đến là gì.

Comments

Popular Posts