book review: What the dog saw

Lúc đầu cũng chẳng định viết thu hoạch gì, nhưng tình cờ một cuộc trò chuyện với một ông bạn cũ dẫn đến cảm hứng khiến tôi muốn viết ra vài góp nhặt từ cuốn sách xuất sắc này của Malcolm Gladwell.

Chương “Những bí mật bỏ ngỏ” rất đáng để đọc và suy ngẫm. Liên hệ với cuộc sống, phải chăng cách suy nghĩ phổ biến là chúng ta tiếp cận nhiều vấn đề trong cuộc sống theo hướng “câu đố” (puzzle). Ví dụ, ta coi kiếm tiền là một câu đố, chưa kiếm được, là do thiếu kỹ năng, hoặc thiếu chuyên gia, hoặc thiếu mô hình, hoặc thiếu mối quan hệ. Khi ta tìm được đủ các mảnh ghép, ta sẽ giải được câu đố, ta sẽ thành công.

Rồi giả sử ta thành công, sau đó mọi việc sẽ trở nên phức tạp hơn với các vấn đề mới nảy sinh: làm thế nào để duy trì, phát triển, ứng phó thay đổi ?

Một vấn đề của cuộc sống là các câu đố mới không ngừng sinh ra :)



“Câu đố” là thứ dễ nhìn thấy, cái đặc sắc mà Malcolm mang đến ở đây là ông chỉ ra và đi sâu vào các “bí ẩn” (mystery). Bí ẩn khác với câu đố ở chỗ ta không thiếu thông tin, hay mô hình, hay chuyên gia hay thậm chí mối quan hệ. Ngược lại, ta lạc lối giữa biển thông tin/ ý kiến chuyên gia. Với “bí ẩn”, liên hệ trực tiếp của tôi là việc dậy con, rất nhiều thông tin, sách vở, chuyên gia, nhưng lúc nào cũng trong trạng thái mò mẫm.

Cái phức tạp của “bí ẩn” một phần nằm ở bản thân tính tương đối của thông tin. Thông tin có nhiều nhưng việc xử lý chúng không thể loại bỏ yếu tố tính cảm tính/ kinh nghiệm trực giác, và hiệu quả xử lý không tăng lên cùng với việc huấn luyện hay đào tạo (chương Vấn đề phim nhũ ảnh, không lực Mỹ và những hạn chế trong quan sát). Lấy giá vàng làm ví dụ, dù có rất nhiều thông tin, việc nó sẽ tăng hay giảm là “bí ẩn” và có thêm nhiều ý kiến chuyên gia cũng không có mấy giá trị gia tăng. Thế rồi việc phân loại, khái quát hóa thông tin để tạo dựng mô hình tiên lường cũng gặp rất nhiều khó khăn, sẽ “không có hiệu quả khi mối quan hệ giữa phân nhóm và đặc tính không ổn định – hoặc khi bản thân hành động khái quát hóa làm thay đổi cơ sở của việc khái quát hóa” (chương Bài học từ chó Pitbull/ chương Connecting the dots).

"Bí ẩn" không chỉ nằm ở những vấn đề dự đoán tương lai, mà còn rất gần gũi với những hệ thống nhân tạo phức tạp, khi mà việc sự cố xẩy ra hay không luôn đơn thuần là vấn đề xác suất. Toàn bộ những tham số đầu vào cho khả năng sự cố đều không phải là những thông tin chính xác, mà toàn là các khả năng cao-thấp. Hạn chế của mô hình một lần nữa là tính tương đối, khi trong thực tế Nasa thành công khi khả năng sự cố cao hơn và thảm họa xẩy ra khi khả năng sự cố được đánh giá thấp hơn (chương Nổ tung).

Xác suất, ngay từ nền tảng khái niệm thì bản thân nó đã không đảm bảo tính logic trong từng trường hợp cụ thể. Nhưng đó lại là hầu hết những gì ta có khi xử lý các bí ẩn trong cuộc sống bản thân chúng ta hằng ngày. Không có giải pháp chính xác, chỉ có giải pháp để “nâng cao khả năng” giải quyết thành công, nghĩa là khả năng thất bại luôn tồn tại trong mọi giải pháp. Thậm chí cả khi khả năng thành công rất cao thất bại vẫn đến, ví dụ khi phải ra quyết định quan trọng dưới áp lực, đột nhiên ta mất niềm tin vào bản năng và quay lại level tập sự (choked). Nhưng tin hoàn toàn vào bản năng cũng nguy hiểm nếu để bản năng sợ hãi xóa sổ toàn bộ các kỹ năng cơ bản (panicked) (chương Nghệ thuật thất bại)

Và để thêm phần bí ẩn, kể cả khi tìm ra một giải pháp tốt, hiệu quả, được kiểm chứng và rất rational về mặt kinh tế, vẫn còn đó những rào cản từ tính “predictably irrational” của con người (chương Murray triệu đô)

Nhìn lại thực tại, có vẻ những gì media mang đến cho chúng ta là một cuộc sống được lắp ghép cơ bản từ các causalities đơn giản. Lướt qua cafef.vn hay facebook, rất nhiều các thông điệp đại loại như có 9 kỹ năng này, bạn sẽ giầu có, đàn ông Việt nam là thế này, phụ nữ Việt nam là thế kia, làm các điều này, bạn sẽ hạnh phúc, tránh các điều này, bạn sẽ không bị ung thư, v.v… Từ góc nhìn như vậy, cuộc sống là một câu hỏi và media đã cho sẵn chúng ta câu trả lời. Vâng, nếu bạn đang sống một cuộc sống trong đó mối quan hệ giữa cái bạn làm/ không làm, cái bạn có/ chưa có (input) với các output như được/ mất, lợi/ hại là rõ ràng và chắc chắn, bạn thật may mắn hơn tôi.

Trước mắt tôi cuộc sống hiện ra với nhiều vùng bí ẩn chồng lấn với các đặc tính và phân nhóm thường xuyên bất định. Trước chúng, dù tôi nỗ lực đến mấy, với một đầu óc hữu hạn, tạm nắm được một vài mô hình significant corelation ẩn hiện trong cuộc sống thôi cũng đã là một điều xa xỉ , còn nhìn ra causalities của cuộc sống thì chẳng dám mơ. Trong hoàn cảnh đó, một sai lầm tôi thường lặp đi lặp lại (và bây giờ mới nhìn ra) là cố gắng đem nhiều hơn nữa logic vào để giải quyết vấn đề, kết quả là làm cho chúng trầm trọng thêm. Bài học cho cá nhân tôi hiện tại có lẽ là với những vấn đề kiểu bí ẩn, sau một mức độ nhất định, logic không giúp thêm gì nhiều. Với một vấn đề dạng “bí ẩn”, sau một mức độ nhất định, càng thêm logic càng rối, dẫn đến luẩn quẩn và thậm chí tự mâu thuẫn.

Vâng, với tôi cuộc sống là một bí ẩn mà sẽ không bao giờ tôi đủ thông minh để có lời giải, chỉ hy vọng nâng được vài phần trăm xác suất đúng. Những kẻ như tôi sẽ vì thế mà ghét xác suất, ngược lại, có những người lại đặt cược vào xác suất (chương Tán gia bại sản). Dù không hẳn ăn nhập với “bí ẩn cuộc sống” ở trên, xin được trích một đoạn tôi thích của cuốn sách từ chương này thay cho đoạn kết:

“Đây là lý do mà Taleb không muốn trở thành một Niederhoffer khi Niederhoffer ngự trên đỉnh cao của mình − lý do anh không muốn có những thứ đồ bạc, dinh thự và cả những trận tennis với George Soros. Anh nhìn thấy quá rõ mọi thứ có thể sẽ kết thúc nơi nào. Bằng con mắt của trí não mình, anh có thể thấy trước Niederhoffer vay mượn tiền của các con và bán sạch đám đồ bạc, và trò chuyện với giọng trầm buồn về việc đã khiến bạn bè thất vọng, Taleb nào biết được anh liệu có đủ sức lực sống với khả năng ấy không. Không như Niederhoffer, Taleb chẳng bao giờ nghĩ mình bất khả chiến bại. Anh không thể nghĩ thế khi anh đã phải chứng kiến quê hương mình hoang tàn, không thể nghĩ thế khi anh đã có lúc trở thành trường hợp duy nhất trong cả trăm nghìn người không may mắc ung thư thanh quản, vậy nên với Taleb, không có bất cứ sự thay thế nào cho quá trình đầy đau đớn hòng che chắn bản thân trước những thảm họa.”



 “Khi về trong mùa đông,
tay rong rêu muộn màng
Thôi chờ những rạng đông”
(Trịnh Công Sơn)

Comments

Popular Posts