từ growth mindset đến mài giũa tư duy

Trước khi đi sâu vào việc mài giũa tư duy xin được phép lan man một chút.

1. Giả sử.

Thỉnh thoảng cứ vài tháng tôi lại giới thiệu và tặng một vài quyển sách mà tôi thích cho vài người bạn có quan tâm. Mỗi lần như thế tôi thấy rất vui, có khi vui cả tuần. Và giả sử, đối với tôi việc tặng sách như vậy có thể đem lại nhiều niềm vui tương đương với việc tôi sẽ sở hữu một chiếc ô tô, sau đó mỗi năm lại đổi xe mới một lần. Niềm vui thì tương đương mà chắc chắn là việc trước thì nhẹ đầu hơn là việc sau.

Giả dụ trên là để rọi sáng một quan điểm (mà tôi tìm được khá nhiều tương đồng từ các quyển sách yêu thích của mình), đó là chất lượng niềm vui quan trọng hơn trị giá của vật sở hữu. Không nhất thiết cứ phải tiêu rất nhiều tiền mới có được niềm vui rất chất lượng. Để có chất lượng niềm vui thì không nhất thiết phải tốn tiền, mà tốn thứ khác: tốn công suy nghĩ để có ý tưởng giá trị. Nếu bạn chấp nhận quan điểm này, nó dễ dàng dẫn đến quan điểm tương tự tiếp theo nếu ta đi vào xem xét chất lượng của suy nghĩ: Chất lượng của suy nghĩ không đến từ tin tức thời sự hay giải trí, mà đến từ các ý tưởng sáng tạo. Tiếp tục xem xét về ý tưởng sáng tạo, tôi đi đến quan điểm cuối cùng: Chất lượng của ý tưởng (sáng tạo) không hẳn liên quan đến khối lượng của kiến thức, mà nó đến từ chất lượng tư duy. Đến đây, tôi gặp lại chính mình trong chia sẻ nghi-ve-cach-nghi , trong đó tôi được tiếp sức bởi mô hình Fixed mindset/ Growth mindset của Carol Dweck. Ở tài liệu đó, tôi đã giới thiệu vài câu hỏi cụ thể giúp ta tiếp cận mô hình này dễ dàng hơn, và trên hết, muốn thuyết phục mọi người về tầm quan trọng của việc tư duy hướng giá trị.


(https://duongtrongtan.wordpress.com/2016/05/11/suc-manh-cua-thai-do-va-thoi-quen/)

2. Quan sát

Ở đây tôi muốn tiếp tục xem xét sâu hơn về mô hình fixed mindset/ growth mindset. Câu hỏi đặt ra là nếu ta chấp nhận mô hình này của C. Dweck, nó giúp ích cụ thể gì cho ta từ góc độ cá nhân? Trước khi đi thẳng vào câu trả lời, tôi nghĩ rằng chúng ta có hai cách hiểu/ cách nhìn khả dĩ như sau.

a) OK, như vậy quá rõ ràng, theo Dweck, sẽ có hai kiểu người: tư duy cố định và tư duy open. Việc cần làm là đưa ra các biện pháp để convert hay transform những người kiểu fixed mindset sang thành kiểu người growth mindset.

Thực tế tôi nghĩ rằng đây là cách nhìn của phần lớn mọi người, bản thân tôi cũng tự động có cách nhìn như vậy cho đến gần đây. Tuy nhiên, có một cách nhìn nữa:

b) Tư duy của bất kỳ một cá nhân nào hay một tổ chức nào có cả phần fixed mindset và growth mindset. Điều này đúng cho cả một cá nhân cực kỳ xuất sắc (họ vẫn có phần fixed mind) hay một tổ chức cực tệ hại (nó vẫn le lói có growth mind). Giờ đây thì tôi tin vào cách nhìn b) hơn. Càng về sau, tôi càng thấy những cách tiếp cận phi nhị nguyên (non-duality) giải thích được nhiều thứ hơn. Đơn giản là vì con người là một thứ cực kỳ phức tạp, các tình huống trong cuộc sống cũng vô cùng đa diện, không có những cái chỉ trắng, hoặc chỉ đen, mà sự thật thường "tối tối và nằm ở giữa" như tựa đề blog một người bạn cực kỳ xuất sắc của tôi (https://hailongdao.wordpress.com/).

Cứ thử lấy một người ra và nghĩ về họ. Như tháp nhu cầu của Maslow đã chỉ ra, kiểu gì (và có thể là phần lớn) trong mỗi người cũng có rất nhiều tư duy tự động hướng về thỏa mãn các nhu cầu giác quan: muốn ăn thịt bò Kobe, muốn uống bia, hay là ta mua đôi giầy/ túi xách mới … Thế rồi ai cũng có những tư duy bán tự động mang tính thói quen: sắp đèn đỏ rồi, đi chậm lại/ nhanh lên thôi, sắp tết rồi nghĩ biếu bên ngoại cái gì, đến giờ rồi check thời tiết cái đã …. Có rất ít sáng tạo hay growth ở những tư duy như vậy, và vì thế ta buộc phải coi chúng là fixed mind.

Nhưng nghĩ lại thì cái đống fixed mind ấy lại có ưu điểm là chúng tương đối ổn định, rất predictable, và phải chăng chính chúng tạo nền tảng ổn định cho cảm giác "tôi là ai". Cứ thử hình dung đơn giản là nếu hôm nay tôi thích ăn cay, mai tôi lại thích ăn không cay, hôm nay tôi chỉ muốn ăn thịt, mai tôi lại chỉ thích ăn rau, cứ liên tục như vậy thì hẳn "tôi" sẽ vô cùng hoang mang :)

3. Gợi ý

Được, vậy nếu ta phải chấp nhận kiểu gì fixed mindset là luôn tồn tại và có lý do thiết thân để nó luôn tồn tại thì đồng thời ta cũng biết tin vui là vậy thì growth mindset cũng luôn luôn tồn tại trong mỗi người chúng ta. Điểm khác biệt giữa một cá nhân bình thường và một cá nhân xuất sắc, vì vậy chỉ còn nằm ở chỗ mức độ tập trung vào growth mindset của một người có tư duy xuất sắc là cao hơn và thường xuyên hơn. Đó là sự khác biệt giữa một tư duy bình thường (hầu hết bị dẫn dắt bởi media) và một tư duy được mài giũa

Vậy giả sử một người muốn bắt đầu mài giũa tư duy của mình, người đó có thể làm thế nào? Xin đưa ra một phương pháp gợi ý như sau. Phương pháp này là đúc rút cá nhân của tôi và hoàn toàn mở rộng cho các phản biện/ góp ý của mọi người

1) Tiếp xúc

Bước đầu tiên là tăng cường tiếp xúc với các suy nghĩ sâu sắc hơn, tăng cường cơ hội để có ý tưởng mới. Một số gợi ý sau có thể có tác dụng:

+ Đi nhiều hơn, trải nghiệm rộng ra, quan sát những tình huống, trải nghiệm đa dạng...

Chống chỉ định: Đi đây đó nhưng chỉ tập trung vào selfie. Đừng rơi vào cái bẫy đó mà hãy thực sự cảm nhận thực tế sống động. (dat-chiec-dien-thoai-xuong-va-cam-nhan-cuoc-song)

+ Tăng cường giao tiếp/ bàn luận: Hãy tiếp xúc với nhiều người và tăng cường chia sẻ kinh nghiệm/ quan điểm phong phú trong cuộc sống. Ta có thể form nhóm đọc sách online, định kỳ tham gia các hoạt động chia sẻ tri thức cộng đồng, ví dụ meetup.com

Chống chỉ định: Tiếp xúc nhiều nhưng chủ yếu để uống, mời uống và bị mời uống hoặc chỉ để giải trí tầm phào, nhận xét cá nhân,..., thế thì ta chỉ đang đóng góp thêm phần xôi thịt cho thế giới này mà thôi . Hãy đặt ra những đề tài sâu sắc một chút. Một điểm nữa là bàn bạc nhưng sa đà vào phê phán, so sánh hơn kém, tầm chương trích cú hay mổ xẻ câu chữ thì cũng sẽ khó sinh ra được giá trị.

+ Đọc sách: Đọc các sách nghệ thuật sống, sách phân tích tổng hợp đa ngành hay chuyên ngành phù hợp vơi sở thích. Ban đầu ta sẽ chưa biết mình thích gì nên phải tự tìm tòi sách để đọc, dần dần ta sẽ tự biết tìm đến những quyển kích thích ta suy nghĩ sâu sắc hơn (tham khảo: thoi-quen-doc)

Chống chỉ định: Đọc hơn 90% là tiểu thuyết/ ngôn tình/ truyện tranh.

"Luôn luôn tự học, tự đọc, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến tâm đắc với câu nói: “Nếu muốn thông tin thì đọc báo (Internet), muốn học nghề đọc tạp chí, còn muốn thành người phải đọc sách”."

2) Tự mình viết

Sau một thời gian 1) Tiếp xúc ở trên, hãy bắt đầu viết. Viết lại các chuyến đi, các trải nghiệm của mình. Viết những điều đôi khi ta tự rút ra từ sách mà ta đọc. Ban đầu chỉ cần viết như là nhật ký, essay, nhưng cứ duy trì. Một thời gian sau bỗng nhiên ta viết được cái gì đó cô đọng hơn một chút, tinh hơn một chút.

Bản thân việc diễn đạt lại thành ngôn ngữ viết đã là một bước đáng kể để nâng cao tư duy rồi, cho nên "cứ viết tiếp", như một người bạn từng khuyên tôi. Thật sự hữu dụng.

"Trăm nghe không bằng một thấy", mà nhiều khi Mười nói không bằng một viết. Trải nghiệm thú vị của bản thân tôi là rất nhiều thứ "bỗng" trở nên rõ ràng mạch lạc hơn hẳn khi được viết ra, vẽ ra...Không như hồi xưa chỉ có giấy, bút hay forum, bây giờ việc lên blog đang trở nên rất đơn giản.

3) Tập dượt

Sau một thời gian đọc, trải nghiệm, viết, ta có thể tiếp tục nâng cao việc tập dượt suy nghĩ của mình. Hãy tìm kiếm các cơ hội để trình bầy cái gì mình đã tự đúc rút được cho người khác. Dầu chỉ là một quan sát, một quan điểm, việc trình bầy với người khác tạo điều kiện để ta cọ sát, kiểm nghiệm và làm sắc nhọn thêm tư duy của mình. Tham gia vào một vài cộng đồng, xin làm presentor, trình bầy với sếp xin làm present chia sẻ kinh nghiệm ở cơ quan … Nhiều tài liệu/ ý kiến cũng đồng tình rằng cách học tốt nhất là trở thành người giảng lại cho người khác chính những gì mình thu được.

4) Vận dụng

Ta đã tiếp xúc, đã viết, đã chia sẻ, tư duy đã trong sáng, mạch lạc hơn. Ta tự tin hơn trong việc trình bầy, sẵn sàng trả lời các câu hỏi. Từ trong những hoạt động đó ý tưởng sẽ đến. Đôi khi trong lúc bàn luận/ trình bầy/ lắng nghe người khác, những ý tưởng mới chợt nảy ra như một niềm vui kết tinh từ những nỗ lực của trí óc. Nhưng ta vẫn có thể nâng cao thêm nữa tư duy của mình. Hãy tìm kiếm cách cụ thể hóa các ý tưởng mới để thử nghiệm. Hướng tới việc đem lại giá trị cho một ai đó. Thử nghiệm một vài thay đổi trong cách ta làm việc hằng ngày, đề xuất những cải tiến nho nhỏ trong teamwork. Thử thay đổi cách ta tương tác với người thân … Các thử nghiệm sẽ feedback lại vào các trải nghiệm của ta, và ta quay trở về step 1), và ta tiếp tục mài giũa :)

Phù!. Xem ra làm cái đống trên cũng tốn công nhỉ, mà với nhiều người có lẽ không thú vị gì lắm. Vâng, các ý tưởng luôn tốn công và giá trị luôn đòi hỏi công sức suy nghĩ. Những giá trị to lớn trong dài hạn luôn đòi hỏi việc hy sinh vài thú vui và chấp nhận lặp đi lặp lại vài thứ "nhàm chán" trong ngắn hạn. Nhưng chẳng phải đó là quy luật hay sao? Và tôi tin mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu ta tạo được thói quen mỗi ngày nỗ lực một chút, chỉ cần nỗ lực một chút thôi nhưng duy trì nó trong thời gian hàng năm.

Có một tôi điều chắc chắn là trong xu thế mà chủ nghĩa giải trí/tiêu dùng/hưởng thụ/vật chất đang dominate cuộc sống như hiện tại thì đại đa số sẽ không quan tâm tìm kiếm niềm vui từ tư duy, vì thế tôi chắc những thinker sẽ luôn luôn hiếm.


"Thinking is difficult, that's why most of people judge" -- C.G. Jung --

Comments

Popular Posts