tóm nhỏ về ngôn ngữ: vai trò, chức năng

thử nhìn lại mối duyên gần đây của bản thân tôi với ngôn ngữ (dạng nói và viết), và đưa ra một tóm tắt nhỏ về vài vai trò, chức năng của nó.

I. Công cụ giao tiếp
“Ngôn ngữ là cội nguồn của ngộ nhận” -- Saint Exupéry
Như đã có vài lần tôi từng quan sát, đánh giá, ở vai trò này, mặc dù hiển nhiên là một công cụ giao tiếp quan trọng bậc nhất song ngôn ngữ vẫn có những hạn chế mang tính bản chất. Theo tôi, những hạn chế này xuất phát từ bản chất nhị nguyên (duality) của bất kỳ khái niệm nào có thể được diễn đạt bằng ngôn ngữ. Ngôn ngữ là nhị nguyên, và những gì diễn đạt bằng ngôn ngữ đều không tránh khỏi tính nhị nguyên. Điều đó có nghĩa là trong cùng 1 diễn đạt bao giờ cũng có hai mặt: đúng và khác với nghĩa ban đầu của người diễn đạt, và vì thế luôn có thể phân tích 1 phát biểu theo 2 chiều hướng ngược nhau mà theo tôi quan sát thì những người hay phê bình và lý sự rất biết khai thác điểm này.
Quan điểm trên hoá ra cũng được một số người viết chia sẻ. Xin trích một đoạn từ cuốn "Nếu biết trăm năm là hữu hạn" của Phạm Lữ Ân:
"
Và cuối cùng, khi nói bao nhiêu cũng không hiểu. Càng nói càng không hiểu.
Đó là khi ta nhận ra ngôn từ không bao giờ đủ. Có biết bao điều ta muốn bày tỏ cho người ta yêu - những điều ta mong người ấy thấu hiểu - những yêu thương, oán giận, xót xa, giày vò tự sâu thẳm trái tim ta - nhưng không ngôn từ nào đủ sâu sắc, trọn vẹn lý tình, không ngữ pháp nào đủ phức tạp để diễn tả. Từ ngữ lúc ấy thậm chí còn có bộ mặt phản trắc vì sự đa nghĩa của chúng. Và chúng ta hiểu sai, chúng ta bị hiểu sai. Chúng ta như đi trong rừng rậm của những ý niệm chồng chéo lên nhau. Bao nhiêu cuộc tình đã và sẽ còn diễn ra theo cách đó? Không phải sự thấu cảm cạn dần theo tình yêu mà là ngược lại, tình yêu cạn dần theo sự thấu cảm.
Khi ta phải viện đến từ ngữ để tìm cách hiểu nhau, thay vì nghĩ về nhau, nắm bắt cảm xúc của nhau để hiểu nhau,  đó là khi ta nhớ đến Saint Exupéry với lời cảnh tỉnh “Ngôn ngữ là cội nguồn của ngộ nhận”.
"


II. Công cụ quy định việc thực thi "khế ước xã hội"
Đây là chức năng cũng rất đáng kể của ngôn ngữ. Với các văn bản pháp luật, nghị định, hợp đồng, thông báo ..., thì một văn bản dạng viết có đóng một cái dấu hay chữ ký trở thành một thứ "ngôn ngữ lập trình" không thể thiếu cho hoạt động của bất kỳ một chính thể, một công ty hay một tổ chức nào. Một lần nữa, với vai trò này, theo tôi ngôn ngữ cũng không vượt qua nổi các giới hạn của ... bản thân việc lập trình (xin nói điều này với tư cách một người có chứng chỉ lập trình và đã làm việc trong ngành phần mềm hơn 10 năm).
Nếu như một chương trình máy tính được viết ra theo một "thiết kế", thực chất là một ý đồ, một hình dung sẵn có về việc chương trình sẽ được thực thi thế nào (điều mà cho tới lúc đó nó chỉ tồn tại trong đầu của người lập trình), thì "khế ước xã hội" cũng được viết ra theo hình dung của các nhà lập pháp/ người phụ trách phòng pháp chế/ soạn thảo hợp đồng  về việc cần xử lý những tình huống thực tế trong đời sống như thế nào (ở một mức độ trừu tượng nào đó và cho một tương lai nào đó, tất nhiên). Và cũng như các chương trình máy tính thường có bug (mà trong suốt hơn 10 năm làm việc trong ngành tôi đã từng nhìn thấy vô số), các nghị định, hợp đồng .... cũng có rất nhiều điều khoản mà khi áp dụng vào tình huống cụ thể thì có vấn đề. Và khi có vấn đề thì với ngôn ngữ lập trình, người ta sẽ dùng đến các công cụ như IDE (Integrated Development Env.) , debuger. Tương tự như vậy, với các loại "khế ước xã hội" thì sẽ có hệ thống các cấp thẩm quyền, toà án, thẩm phán, luật sư... cùng tham gia vào diễn giải, phân tích ... Và có vẻ như ở thế giới chương trình máy tính hay thế giới thực, các hệ thống debuger này luôn bận rộn với cả núi việc cần giải quyết.
Ở đây, liên quan đến việc song song với hệ thống "khế ước xã hội", luôn có lý do và luôn cần thiết duy trì một hệ thống diễn giải bản thân các khế ước ấy (các luật sư chẳng hạn), quan điểm cá nhân của tôi là không chỉ đơn thuần vì đó là một việc khó, mà còn vì các hạn chế mang tính bản chất tương tự như tính "bất toàn" của các chương trình máy tính. Tôi diễn đạt quan điểm này như sau:
  • Các biến thể (variations) của bối cảnh nền tảng (context) cho bất kỳ tình huống thực tế nào (vốn được tổ hợp từ nhiều yếu tố thực tế khác làm đầu vào - parameter) là vô cùng lớn và không thể vét cạn (ví dụ đơn giản của tính không thể vét cạn là không có văn bản nào có ý định hoặc có khả năng bao quát toàn bộ khoảng thời gian trong tương lai) , hoặc
  • Context variations có thể được vét cạn, nhưng việc lập trình (viết ra các điều khoản bằng ngôn ngữ) để xử lý toàn bộ tập đó là không thể, do tự dẫn đến mâu thuẫn nội tại của văn bản, do sẽ cần lượng nhân lực hay thời gian xử lý không xác định, hoặc sẽ phải dựa vào một văn bản khác (mà đến lượt văn bản khác đó tình cảnh lại tương tự)
 III. Công cụ để sáng tạo
Không giới hạn ở nghệ thuật: sáng tác văn thơ, kịch, mọi diễn đạt nhằm thoả mãn trí tượng tượng đều được xếp vào nhóm "để sáng tạo" này. Những nét chữ nghuệch ngoạc trẻ con mang lại niềm hứng khởi vô hạn cho những bộ óc còn thơ ấu. Khi sự sáng tạo trở thành mục đích, ngôn ngữ không còn bị ràng buộc bởi logic, hay context nào nữa. Sự sáng tạo lúc đó chỉ đơn giản là mượn cái vỏ nhị nguyên của ngôn ngữ mà thôi. Từ đó vô vàn cơ hội mở ra.
Và vì không còn logic ("không còn không gian, thời gian/ và nhất là chẳng cần lý trí" như một bài thơ yêu thích của tôi), tôi sẽ dừng bài viết lại và để trí tưởng tượng của bạn tự bay bổng.

"nắng lên phơi áo công hầu
đợi khô, đóng kịch, biết đâu thành người"
-- Bùi Chí Vinh --

Comments

Popular Posts