Nhập môn Pháp chân đế: II. Sơ lược về Tâm (Citta)

 Tâm (citta) là pháp (dhamma) dẫn đầu trong việc nhận biết những gì xuất hiện. Có tất cả 89 (hoặc trong một số trường hợp là 121) loại Tâm.

 Tâm sở (cetasika) là một loại pháp (dhamma) khác sinh khởi cùng với tâm, kinh nghiệm cùng một đối tượng với tâm và diệt đi cùng tâm. Mỗi tâm sở có một đặc tính riêng và đảm nhận một chức năng riêng. Có tất cả 52 loại tâm sở.

 I. Tâm là khởi đầu của toàn bộ sự kinh nghiệm

Tự bản thân mắt thì không thấy mầu sắc, mắt chỉ là một duyên cho sự sinh khởi của "cái thấy", cái thấy này là một Tâm (citta). Tương tự, khi âm thanh tác động lên tai, bản thân âm thanh cũng như tai không kinh nghiệm gì cả. Cái kinh nghiệm âm thanh là một pháp sinh khởi tại thời điểm ấy, pháp ấy hay "cái nghe" ấy là một Tâm (citta). Cái thực sự kinh nghiệm các đối tượng khác nhau chỉ là các pháp chân đế (paramattha dhamma) gọi là Tâm chân đế pháp (citta paramattha). Các pháp chân đế này là những thực tại theo nghĩa tối hậu có khả năng kinh nghiệm hay nhận biết các thứ khác nhau. Như thế: 

  • Tâm là các pháp chân đế (thực tại tối hậu) có khả năng kinh nghiệm những gì xuất hiện, và
  • Nếu tâm (citta) không sinh khởi, không có gì có thể được kinh nghiệm
  •  Tâm (citta) không thuộc về ai, không tuân theo ý chí của bất kỳ chúng sinh nào mà sinh diệt bởi các điều kiện (duyên) thích hợp. Tâm là vô ngã và sinh diệt phụ thuộc vào các yếu tố (duyên tố) cũng vô ngã nốt.

Ngay cả nếu một vị Phật chưa ra đời và khám phá chân lý thì pháp vẫn sinh và diệt bởi các duyên hệ của chúng và có đặc tính riêng của chúng

.... Này các Tỳ kheo, dầu các Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú tánh của giới ấy, là pháp quyết định tánh, tức là: "Tất cả các pháp là vô ngã". Về vấn đề này, Như Lai chánh giác tri, chánh giác ngộ. Sau khi chánh giác tri, chánh giác ngộ, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, tuyên thuyết, xác nhận, khai thị, phân biệt, hiển thị: "Tất cả các pháp là vô ngã"..... (Tăng Chi Bộ Kinh)

II. Tâm là Vi diệu pháp

 Đức Phật Toàn giác là vị thầy tối thượng bởi vì Ngài đã tự chứng ngộ bản chất của tất cả các pháp. Ngài chứng ngộ sự thật rằng các pháp là vô ngã, không phải là chúng sinh, không phải là con người và rằng chúng không thể bị kiểm soát bởi bất kỳ ai. Tâm (citta) là một pháp và nó cũng là abhidhamma (vi diệu pháp). Abhidhamma có nghĩa là pháp có sức mạnh, bởi vì nó là vô ngã, nằm ngoài sự kiểm soát của bất kỳ ai. Khi Đức Phật giác ngộ, ngài đã thuyết giảng tất cả các pháp (dhamma) mà ngài đã xuyên thấu, Ngài giảng về tính chất của các pháp và các duyên hệ khiến chúng sinh khởi. 

 Đức Phật không dậy rằng ngài đã kiểm soát các pháp mà ngài đã hoàn toàn chứng ngộ. Ngài tuyên bố rằng kể cả ngài cũng không thể khiến cho ai đó có thể đắc được Đạo/ Quả, kinh nghiệm Niết bàn và giải thoát khổ đau. Ngài dậy rằng, chỉ có sự thực hành Pháp mới là nhân duyên cho một người có thể chứng nghiệm tâm đạo và tâm quả, kinh nghiệm Niết bàn và thoát khổ.

III. Tâm có nhiều loại

Pháp vi diệu và nằm ngoài sự kiểm soát, nhưng không nằm ngoài khả năng ta có thể hiểu, vì cho dù vi diệu, chúng là có thực, là các thực tại đang xuất hiện ở mỗi khoảnh khắc. Chánh kiến, hay hiểu biết đúng, là biết được các đặc tính của pháp chân đế như chúng là. 


Là một pháp chân đế, Tâm là thực tại sinh khởi và nhận biết các đối tượng khác nhau: mầu, âm thanh, mùi, vị, đối tượng xúc chạm, khái niệm.... Có nhiều loại tâm khác nhau sinh khởi ở những thời điểm khác nhau và kinh nghiệm các loại đối tượng khác nhau. Chẳng hạn, tâm sinh khởi và thấy mầu sắc qua mắt là một loại tâm. Tâm sinh khởi và nghe âm thanh qua tai là một loại tâm khác. Tâm sinh khởi và kinh nghiệm cái lạnh, nóng, cứng, mềm, căng, trùng qua thân căn là một loại tâm khác. Tâm sinh khởi và suy nghĩ, nhận biết các ý niệm khác nhau qua ý căn lại là một loại tâm khác nữa. Tại một thời điểm bất kỳ, những gì được kinh nghiệm đều tuỳ thuộc ở loại tâm sinh khởi (bởi các duyên tố thích hợp cho nó) ở thời điểm đó.

IV. Tâm và cảnh (đối tượng của tâm)

Tại khoảnh khắc tâm nhìn thấy một cái gì đó, sẽ không chỉ có tâm thấy (nhãn thức), hay chỉ có đối tượng được thấy (đối tượng thị giác), mà phải có cả hai cùng lúc. Bất cứ khi nào có một đối tượng được thấy, nhất định phải có một thực tại nữa là tâm thấy. Phần nhiều ta chỉ quan tâm đến đối tượng hay mầu sắc được thấy mà bỏ qua một sự thực rằng đối tượng đó chỉ có thể xuất hiện hay được thấy bởi vì có tâm sinh khởi và làm chức năng thấy đối tượng đó. Phần nhiều ta cho rằng đó là ta đang thấy hay có một cái ngã đang thấy. Thực chất tại khoảnh khắc có đối tượng được thấy, ta thường không biết rằng có tâm thấy (nhãn thức), một pháp vô ngã cũng cùng sinh khởi. Tương tự như vậy, khi ta nghĩ về một chủ đề hay câu chuyện nào đó, không có cái ngã nào mà chính là do các tâm (một pháp vô ngã) sinh khởi và đang suy nghĩ về các khái niệm hay ngôn từ ở những khoảnh khắc đó. Khi tâm sinh khởi, nó chắc chắn kinh nghiệm một cái gì đó và cái được biết bởi tâm đó được gọi là Cảnh (arammana). Bất kỳ cái gì được kinh nghiệm hay nhận biết bởi tâm đều là cảnh của tâm tại thời điểm đó. Bất cứ khi nào có tâm thì phải có một đối tượng cùng với tâm. Mỗi khi tâm sinh khởi, nó phải kinh nghiệm cảnh, sẽ không thể có tâm không biết hay không kinh nghiệm gì cả. Không thể chỉ có một mình tâm (pháp) nhận biết một cái gì đó nếu không có đối tượng của nó.

V. Tâm là phổ quát và duyên khởi

 Tâm là thực tại nhận biết một đối tượng, nó không chỉ tồn tại trong đạo Phật hay cõi người. Tâm nghe, tâm thấy .... là các pháp chân đế, nó là phổ quát và không thuộc về ai hay cõi nào nhất định. Một người có ý niệm rằng (không phải pháp mà là) người này thấy hay người kia nghe là do vẻ bề ngoài của hiện tượng và do ký ức của người ấy. Nếu không có vẻ bề ngoài và không có sự tích luỹ của ký ức, chúng ta sẽ không cho rằng có một cái ngã đang thấy. Tâm là một pháp chân đế, dù ai là người thấy hay nghe thì tâm thấy chỉ thấy cái xuất hiện qua mắt, tâm nghe chỉ nghe âm thanh qua tai. Tâm thấy không thể nghe và tâm nghe không thể thấy. Không ai có thể có khả năng thay đổi đặc tính và bản chất của một pháp chân đế. 

Tâm, một pháp chân đế sinh khởi và nhận biết đối tượng bởi những duyên tố tương ứng. Nếu không có các duyên tố, tâm không thể sinh khởi. Ví dụ nếu âm thanh không sinh khởi và in dấu (hay tác động) lên nhĩ căn thì tâm nghe (nhĩ thức) không thể sinh khởi. Nếu mùi không sinh khởi và in dấu lên tỷ căn (tức là khứu giác) thì tâm kinh nghiệm mùi (tỷ thức) không thể sinh khởi. Các loại tâm khác nhau chỉ có thể sinh khởi bởi những duyên tố thích hợp cho sự sinh khởi của loại tâm đó. Để tâm sinh khởi, không phải chỉ có một duyên tố mà cần nhiều duyên tố. Chẳng hạn, tâm thấy sinh khởi cần có những điều kiện như là mắt (sắc nhãn căn), sắc là đối tượng thị giác hay mầu sắc, cái in dấu lên sắc nhãn căn...

 Tâm là pháp chân đế khác với sắc (rupa). Các pháp chân đế không phải là sắc đều là danh (nama). Tâm, tâm sở và Niết bàn đều là danh pháp, còn sắc là sắc pháp.

--> tiếp theo

--- Lời bạt của người viết ----

Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch. 

Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.

---- Lưu ý (disclaimer) ----

Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.

Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.

Comments

Popular Posts