Nhập môn pháp chân đế: XXV. Khái niệm

Pháp chân đế (paramattha dhamma) là các thực tại, mỗi thực tại có đặc tính riêng của nó, chúng sinh khởi bởi các duyên và diệt đi rất nhanh. Nếu ta không biết đặc tính của các thực tại chân đế (tâm, tâm sở và sắc) sinh rồi diệt, tiếp nối nhau một cách nhanh chóng thì ta chỉ biết đến khái niệm mà thôi. Ta cho những cái sinh và diệt một cách liên tiếp (danh và sắc) là những thứ tồn tại kéo dài. Như thế, chúng ta chỉ biết tới và sống trong thế giới chế định (sammutti sacca). Khi các thực tại xuất hiện, ta dính mắc vào hình dạng, vào một "khối", ta cho các thực tại mong manh là những thứ thực sự tồn tại.

Tuy nhiên, khi ta đã nghiên cứu về pháp chân đế, có thể có sự hay biết về các đặc tính xuất hiện và trí tuệ (paññā) có thể trở nên sắc bén hơn để hiểu biết một cách rõ ràng về các thực tại sinh và diệt ở khoảnh khắc này. Ta sẽ biết rằng chỉ có các thực tại chân đế xuất hiện một mình ở một thời điểm, thấy một cách rõ ràng không có chúng sinh, con người hay tự ngã nào cả. Điều này tương ứng với sự thật mà Đức Phật đã chứng ngộ tại thời điểm Ngài đạt giác ngộ và rồi giáo hoá cho những người khác.

I. Hình khối, âm thanh và khái niệm

Các thực tại luôn sinh và diệt nối tiếp nhau từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, nhưng dường như chúng không sinh diệt chút nào và ta cho chúng là "cái gì đấy". Vô minh bắt rễ một cách rất sâu dày và ngoan cố. Nó khiến chúng ta dính mắc vào các ý niệm về mọi thứ và điều này diễn ra kể cả khi ta chưa biết đến tên quy ước của chúng. 

Kể cả trẻ nhỏ chưa biết nói, chưa biết ngôn từ chỉ tên gọi của mọi vật, cũng như các con vật, đều có ý niệm về một "khối". Khi một đứa trẻ lớn lên, nó học nghĩa của các thuật ngữ chế định để chỉ các loại "khối" khác nhau xuất hiện sau khi thấy qua mắt. Càng ngày càng có thêm nhiều thuật ngữ chế định vì luôn có các sáng chế mới mỗi ngày. Thế giới của sự thực chế định lúc này xuất hiện với rất nhiều các "khối" và "hình dạng" khác nhau được gọi tên bằng các khái niệm khác nhau.

Con người có thể tạo ra âm thanh để hình thành ngôn từ gọi tên những gì xuất hiện, nhờ vậy, ta có thể hiểu những gì đang nói tới. Các con vật không thể sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt giống như con người. Sẽ không thể có từ ngữ hay tên gọi mà không có âm thanh. Khi một người có nhãn căn, người ấy có thể thấy những thứ khác nhau, nhưng người ấy cũng cần có âm thanh lời nói để tạo nên từ ngữ và tên gọi để biểu đạt những gì mình thấy, đặt tên cho mọi thứ và nói chuyện về nhiều chủ đề. Tất cả chúng ta đều dính mắc vào các tên gọi sử dụng trong ngôn ngữ chế định.

Vì các thực tại sinh và diệt nối nhau rất nhanh chóng và vì vô minh tích luỹ sâu dày, ta dính mắc vào hình và dạng của mọi thứ. Chúng ta nhìn nhận theo chế định những thứ mà trên thực tế chỉ là các yếu tố khác nhau. Ví dụ, khi ta thấy đài hay ti vi, ta cho rằng chúng bao gồm sắt, nhựa và các vật liệu khác. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả các yếu tố cấu thành chỉ là các loại sắc khác nhau. Do vô minh, ta quên mất đặc tính của danh pháp và sắc pháp đang xuất hiện một mình ở một thời điểm và rồi diệt đi, thay vào đó ta chỉ nhớ những khái niệm chế định. Chúng ta nhận ra hình và dạng của vạn vật và chúng trở thành cốc, đĩa, thìa, đài phát thanh, cái xe hay cái ti vi. Nhưng đó chỉ là các khái niệm, các sự thật chế định. Sự thật chế định thì không phải là thực theo nghĩa tuyệt đối và chúng ta cần phân biệt một cách chính xác cái gì là sự thật tuyệt đối và cái gì là sự thật chế định.

Chúng ta biết khái niệm về một khối, hay một đống (gaṇa paññatti), bởi kinh nghiệm về đối tượng thị giác và bởi ta cũng biết khái niệm mà âm thanh biểu đạt (sadda paññatti).

II. Một cách phân loại khái niệm

Cuốn Abhidhammattha Vibhāvinī phân biệt sáu loại khái niệm như sau:

1. Vijjamāna paññatti: là các khái niệm được dùng để chỉ những thứ có thực, ví dụ như các từ sắc (rūpa), danh (nāma), thọ (vedanā), tưởng (saññā)

2. Avijjamānena paññatti là các khái niệm được dùng để chỉ những thứ không có thực, ví dụ như: người Việt Nam hay người nước ngoài. Các khái niệm này không thể hiện các thực tại tuyệt đối như danh pháp hay sắc pháp. Người VN không có thực theo nghĩa tuyệt đối, đó chỉ là một khái niệm quy ước (sammutti dhamma).

3. Vijjamāneavijjamāna paññatti: là các khái niệm về cái không tồn tại (không có thực) dựa trên cái tồn tại (có thực). Chẳng hạn "người có sân hận" thì "sân hận" là có thực, nhưng "người" thì không có thực.

4. Avijjamāneavijjamāna paññatti: là các khái niệm về cái tồn tại (có thực) dựa trên cái không tồn tại (không có thực). Ví dụ "giọng nói của người phụ nữ", âm thanh là cái có thực nhưng "người phụ nữ" là không có thực

5. Vijjamāneaavijjamāna paññatti: là các khái niệm về cái có thực dựa trên cái có thực. Ví dụ như thuật ngữ "cakkhu-viññāṇa" (nhãn thức). Cả 2 từ "cakkhu" và "viññāṇa" đều là các thực tại

6. Avijjamāneaavijjamāna paññatti: là các khái niệm về cái không có thực dựa trên cái không có thực. Ví dụ "con trai của nhà vua". Cả "vua" và "con trai" đều không có thực, chúng là các pháp chế định.

IV. Pháp trần, khái niệm và các lộ trình tâm

Có các đối tượng là có thực và các đối tượng không phải là thực. Đối tượng được kinh nghiệm qua sáu căn môn có thể được xếp làm sáu loại:

  • Năm loại là các đối tượng được biết qua ngũ môn: Đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị, đối tượng xúc chạm, và
  • Pháp trần (dhammārammaṇa) được biết qua ý môn. Có sáu loại pháp trần gồm có: Các sắc thần kinh (pasāda rūpa), 16 loại sắc vi tế (sukhumarūpa ), tâm, tâm sở, Niết bàn và Khái niệm (paññatti). 

Trong số sáu loại pháp trần thì Khái niệm không phải là pháp chân đế, năm loại pháp trần còn lại đều là các pháp chân đế (paramattha dhamma).

Các tâm của lộ trình ngũ môn (bao gồm ngũ môn hướng tâm, một trong các ngũ song thức, tiếp nhận tâm, suy đạt tâm, xác định tâm, các tốc hành tâm và đăng ký tâm) kinh nghiệm đối tượng ngũ quan còn chưa diệt đi, chúng không có khái niệm là đối tượng. 

Khi các tâm lộ thuộc lộ trình ngũ môn đã diệt đi, có các tâm hộ kiếp giữa các lộ trình rồi có các tâm thuộc lộ trình ý môn. Chuỗi tâm đầu tiên của lộ trình ý môn sinh khởi sau lộ trình ngũ môn sẽ kinh nghiệm đối tượng của lộ trình ngũ môn vừa diệt đi; chúng không có khái niệm là đối tượng. 

Khi các chuỗi tâm thuộc lộ trình ý môn đầu tiên diệt đi, có nhiều tâm hộ kiếp tiếp nối xen kẽ và sau đó là các chuỗi tâm thuộc lộ trình ý môn lấy khái niệm làm đối tượng (chẳng hạn như hình dạng hay hình ảnh về một cái gì đó theo "khối") dựa trên đối tượng ngũ quan đã tiếp nhận.

Khi chuỗi tâm thuộc lộ trình ý môn này diệt đi, có các tâm hộ kiếp tiếp nối xen kẽ và rồi lại có nhiều vòng lộ trình ý môn nối tiếp. Những lộ trình này sẽ biết ý nghĩa của cái gì đó. Chúng biết từ ngữ và tên gọi, tức là chúng có khái niệm làm đối tượng. Xen giữa các lộ trình khác nhau là các tâm hộ kiếp.

Khi chúng ta biết rằng mình đang nhìn thấy mọi người hay mọi thứ khác nhau thì thực chất là tâm đang kinh nghiệm khái niệm chứ không phải sắc chân đế. Khi biết rằng có chúng sinh, có con người và những thứ khác nhau, khi ấy thực chất đã có các tâm lộ thuộc lộ trình ý môn có đối tượng là khái niệm sinh khởi. Chúng biết về cái cụ thể đó là gì.

V. Khái niệm là đối tượng thì có nhiều khía cạnh, tầng lớp

Rõ ràng các tên gọi chỉ là khái niệm, vì chúng chuyển tải các đặc tính hay ý nghĩa của các hiện tượng. Tuy nhiên, kể cả khi ta chưa gọi ra tên, hay khi chưa có một tên gọi cụ thể, ta đã có thể có ý niệm về một "khối" hay một "đống", ý niệm về một "cái gì đó" đã xuất hiện. Khi ta biết như thế về cái đang xuất hiện thì dù không đặt tên cho nó, ta đã đang biết một khái niệm rồi. 

Khi ta thấy một bức tranh vẽ trái cây hay thấy trái cây thực, cả bức tranh và trái cây thực đều là các khái niệm, không phải là thực tại tuyệt đối. Như vậy, có nhiều khía cạnh khác nhau của khái niệm. Nó có thể là ý niệm về một khối hay một đống, hoặc nó có thể là một cái tên hay thuật ngữ để chỉ một cái gì đó có thực hoặc không có thực. 

Bất kể ta đang thấy một bức tranh về chùm nho hay đang thấy các quả nho thực sự, thực chất chỉ có màu là cái đang xuất hiện qua mắt. Chúng ta có thể tưởng rằng chỉ có bức tranh mới là khái niệm và quả nho thực thì không phải là khái niệm. Tuy nhiên, trên thực tế, cả quả nho thực và bức tranh xuất hiện đều là những đối tượng là các khái niệm (được kinh nghiệm qua lộ trình ý môn). Các tâm của lộ trình nhãn môn kinh nghiệm màu đang xuất hiện. Các tâm của lộ trình ý môn thì kinh nghiệm khái niệm, qua đó biết được ý nghĩa của một cái gì đó, biết rằng có những "quả nho". Như vậy, các tâm biết "đó là quả nho" thì có đối tượng là khái niệm chứ không phải là pháp chân đế. 

Khi ta thấy ai đó hay gì đó, về mặt bản chất điều đó cũng chỉ giống như thấy một bức tranh mà thôi. Trong cả hai trường hợp ấy, chúng ta đều chỉ biết một khái niệm. Rất khó tách biệt khái niệm và thực tại, khi ta nhận thấy có một chiếc ghế chẳng hạn. Đối tượng là thực tại chân đế xuất hiện qua mắt và đối tượng là thực tại chân đế xuất hiện qua thân căn thì không phải là khái niệm.

VI. Các lớp khái niệm che lấp thực tại chân đế

Khi tâm lấy thực tại chân đế làm đối tượng thì khoảnh khắc ấy không có chúng sinh, con người hay thứ này thứ kia, không có tự ngã. Ngay bây giờ đây, các thực tại chân đế đang sinh và diệt tiếp nối nhau một cách nhanh chóng đến mức dường như ta thấy một cái gì đấy. Nhưng thực chất, khi đó có nhiều chuỗi tâm thuộc lộ trình ý môn lấy khái niệm làm đối tượng. Vì vậy, đặc tính của thực tại chân đế bị che lấp. Ta không biết đặc tính thực sự của thực tại chân đế như chúng là.

Việc loại bỏ khái niệm là điều không thể, tuy nhiên, ta cần phải hiểu một cách đúng đắn khi ta biết về chúng sinh, con người và thứ này thứ khác, hiểu rằng khi ấy đang có các tâm thuộc lộ trình ý môn lấy khái niệm làm đối tượng. Đối tượng khi ấy đã là khái niệm, không phải là thực tại chân đế. Các đặc tính của thực tại chân đế cần được biết một cách thật chi tiết để sự sinh và diệt của chúng có thể được chứng ngộ. Khi ta chưa phân biệt được các đặc tính khác nhau của thực tại chân đế khi chúng sinh khởi một mình ở một thời điểm, ta sẽ gom chúng thành một khối. Khi ta thấy một cái ghế là đang biết một khái niệm. Khái niệm thì đâu có sinh và diệt.

Trí tuệ (paññā) cần suy xét các thực tại và biết chúng lần lượt một mình ở một thời điểm; trí tuệ sẽ chia chẻ hình khối được ghi nhớ bởi tưởng (saññā) thành các yếu tố khác nhau. Bằng cách đó trí tuệ sẽ biết được rằng cái vẫn được cho là những thứ cụ thể thực chất chỉ là các thực tại chân đế, mỗi cái có đặc tính riêng của chúng, sinh và diệt cùng nhau. 

Bản thân việc thấy một khái niệm thì không có gì sai. Tuy nhiên, trí tuệ cần phải nhận ra được sự khác biệt giữa lộ trình ý môn và lộ trình nhãn môn. 

Thế giới đầy ắp các khái niệm và đầy ắp sự dính mắc. Sự dính mắc là tham (lobha) và nó không ngừng thích tất cả mọi thứ, kể cả khái niệm. Khi ta thích một thứ gì đó thì thực chất có sự dính mắc cả vào thực tại chân đế xuất hiện lẫn các khái niệm được hình thành bởi các thực tại chân đế đó.

>> tiếp theo

--- Lời bạt của người viết ----

Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch. 

Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.

---- Lưu ý (disclaimer) ----

Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.

Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.


Comments

Popular Posts