Nhập môn Pháp chân đế: XXVII. Khái niệm III
I. Tà định
Tâm tham căn sinh khởi thường xuyên trong đời sống hằng ngày, chúng không chỉ dính mắc vào đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị, đối tượng xúc chạm và các khái niệm, chúng cũng dính mắc vào tà định (micchāsamādhi) nữa.
Ví dụ như một người luyện tập yoga tập trung vào hơi thở để cải thiện sức khoẻ của mình, đó cũng là một loại định (samādhi). Khi luyện tập, tại khoảnh khắc tâm không phải là thiện thì sẽ có sự dính mắc vào định để làm tăng sức khoẻ, tức là có tâm tham căn hợp tà định sinh khởi.
Tà định tràn ngập khắp thế giới. Tà định (micchāsamādhi) có thể là đối tượng của tâm tham căn không hợp với tà kiến hoặc hợp với tà kiến.
Ví dụ mọi người có thể tin rằng trước hết mình cần thực hành định để sau đó có thể suy xét về danh sắc và đó là cách nhanh hơn để có chánh niệm về các đặc tính của danh và sắc. Quan điểm đó là tà kiến. Khi mọi người thực hành loại định sinh kèm với tà kiến như vậy thì đó là tà định. Tà định thì không thể làm duyên cho Chánh định và Chánh niệm của Bát Chánh Đạo.
Cần có hiểu biết đúng về sự khác biệt giữa đặc tính của danh và sắc cũng như hiểu biết về đặc tính của danh và sắc đang xuất hiện. Hiểu biết đúng này sẽ được tích luỹ dưới dạng hành uẩn (saṅkhārakkhandha) và nhờ vậy có sự tích luỹ nhân duyên cho sự sinh khởi chánh niệm trực tiếp về các thực tại đang xuất hiện.
Khi có cái thấy, ta cần phải biết đối tượng đó là khái niệm hay là thực tại chân đế. Tương tự như vậy với cái nghe, ngửi, nếm, kinh nghiệm đối tượng xúc chạm và kinh nghiệm đối tượng qua ý môn.
II. Luôn có tâm lấy khái niệm làm đối tượng
Khi nghiên cứu giáo pháp và suy xét, ta sẽ thấy rằng tâm sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày hoặc lấy thực tại chân đế làm đối tượng, hoặc lấy khái niệm làm đối tượng. Ở khoảnh khắc thực tại chân đế không phải là đối tượng thì khái niệm ắt phải là đối tượng.
Trong cuộc sống hàng ngày, khi tâm của lộ trình nhãn môn đã diệt đi, có các chặp tâm hộ kiếp xen giữa và rồi có một loạt lộ trình tâm qua ý môn có đối tượng là thực tại chân đế giống như các tâm thuộc lộ trình nhãn môn vừa diệt. Sau khi các tâm hộ kiếp ở giữa hai lộ trình diệt đi thì có các tâm của lộ trình ý môn suy nghĩ về hình khối của cái mới xuất hiện và lúc này khái niệm về hình khối là đối tượng. Tâm lúc này kinh nghiệm một khái niệm hình thành trên cơ sở màu đã được thấy. Cái thấy làm duyên cho cho suy nghĩ về khái niệm, vì thế ta có thể biết rằng có cái này hoặc cái kia, người này hay người kia.
Chúng ta nên tự xét xem mình có các khái niệm làm đối tượng thường xuyên đến mức nào. Có cái thấy và rồi ta suy nghĩ về câu chuyện của những thứ xuất hiện qua mắt. Tương tự như vậy với những thứ xuất hiện qua tai và các cửa giác quan khác. Luôn có các tâm sinh khởi trong các lộ trình ý môn suy nghĩ theo nhiều cách khác nhau về những khái niệm được hình thành trên cơ sở các thực tại chân đế được kinh nghiệm trước đó.
Nếu không biết các khái niệm, làm sao ta có thể sống trong cuộc đời này đây? Nếu ta không biết những thứ khác nhau như bàn, ghế, thức ăn, bát, đĩa, thìa ... thì ta không thể sống cuộc sống đời thường được. Các con thú cũng có đối tượng là các khái niệm. Để sống sót, chúng cần phải biết cái gì là thức ăn và cái gì không.
III. Các Thánh nhân kinh nghiệm khái niệm thế nào?
Đức Phật chắc chắn cũng có các khái niệm là đối tượng. Tuy nhiên có sự khác biệt trong cách thức các bậc Thánh nhân và người phàm phu kinh nghiệm khái niệm. Người phàm phu thì không biết chút nào về pháp chân đế (paramattha dhamma), cho rằng các khái niệm là có thực. Còn bậc Thánh nhân đã chứng ngộ Tứ Thánh Đế biết rằng tất cả các khái niệm thì không phải là các thực tại hay các pháp có đặc tính vô thường và vô ngã.
Các khái niệm không phải là thực tại, nhưng chúng là phương tiện để cho chúng ta biết mọi thứ. Khái niệm là đối tượng của tâm và tâm sở khi chúng ta biết ý nghĩa của những thứ đang xuất hiện, biết những thứ khác nhau đó là gì. Nếu không có tâm và tâm sở thì liệu có các khái niệm không? Không thể nào. Nếu tâm và tâm sở không sinh khởi thì không thể nào biết các khái niệm. Phàm nhân cho các khái niệm là có thực; trong khi đó các vị thánh nhân thì biết rõ khi nào tâm có thực tại chân đế làm đối tượng và khi nào nó có khái niệm làm đối tượng.
Khi tâm có khái niệm làm đối tượng thì có tà kiến (micchā-diṭṭhi) hay không? Còn tuỳ. Tất cả các vị Thánh nhân đều có khái niệm là đối tượng nhưng không còn tà kiến nữa vì họ đã hoàn toàn diệt được tâm sở tà kiến.
IV. Các loại tâm lấy khái niệm làm đối tượng
Nếu ta không suy xét các thực tại một cách cẩn thận, ta không thể nào biết được sự khác biệt giữa tâm tham căn hợp với tà kiến và tâm tham căn không hợp với tà kiến.
Tâm tham căn không hợp với tà kiến dính mắc vào tất cả các đối tượng. Nó dính mắc vào những gì xuất hiện qua mắt và vào các khái niệm dựa trên đó. Cũng tương tự như vậy với các đối tượng xuất hiện qua các cửa giác quan khác. Như vậy tâm tham căn có thể dính mắc vào tất cả các đối tượng mà không nhất thiết có tà kiến về đối tượng ấy.
Các bậc Thánh Dự lưu (Sotāpanna) và Thánh Nhất lai (Sakadāgāmī) vẫn có tâm tham căn không hợp với tà kiến, các tâm này có thể dính mắc vào cả sáu loại đối tượng. Một vị Thánh Bất lai thì sẽ có tâm tham căn không hợp với tà kiến nhưng tâm này chỉ dính mắc vào một loại đối tượng là các pháp trần (Dhammārammaṇa: các đối tượng được kinh nghiệm chỉ qua ý môn), do vị ấy đã tận diệt được sự dính mắc với năm loại đối tượng còn lại (các đối tượng ngũ dục). Một vị A la hán thì không còn các pháp thiện hay pháp bất thiện dựa trên cả sáu loại đối tượng nữa.
Mặc dầu các khái niệm không phải là pháp chân đế, chúng ta vẫn cho chúng là những thứ tồn tại, khi đó có tà kiến. Khi một ai đấy dính mắc vào ý niệm về tự ngã, chúng sinh, con người, những thứ khác nhau, đấng toàn năng, đấng sáng tạo v.v... và thực sự tin vào sự tồn tại của những thứ hay những đấng ấy ... thì khi đó có thân kiến (sakkāya-diṭṭhi), một loại tà kiến.
Các khái niệm trên thực tế thường là đối tượng của các tâm bất thiện. Có thể có tâm tham dính mắc vào khái niệm và có thể có tâm sân không hài lòng với khái niệm. Khi ta thích hay không thích một người, khái niệm là đối tượng của tâm. Vì vậy, khái niệm có thể là đối tượng của bất kỳ tâm bất thiện nào.
Liệu khái niệm có thể là đối tượng của tâm thiện được không? Có thể. Các khái niệm là một phần không tách rời của đời sống và chúng có thể là đối tượng của tất cả các loại tâm sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày. Nếu ta không biết khái niệm quà bố thí theo nghĩa chế định là gì chẳng hạn, sẽ không thể có các tâm thiện thực hiện việc bố thí. Sẽ không thể có sự tiết chế (virati) khỏi những hành vi hay lời nói sai lầm nếu ta không biết chúng là gì; nếu ta không biết rằng có chúng sinh hay con người theo nghĩa chế định.
Khi một người phát triển samatha (an tịnh), liệu khái niệm có thể là đối tượng của tâm hay không? Nếu suy xét đúng đắn rằng: khi các thực tại chân đế không phải là đối tượng thì chắc chắn khi đó khái niệm là đối tượng, ta sẽ hiểu trong samatha, khái niệm có thể là đối tượng của tâm.
Tất cả các tâm, trừ các tâm tứ niệm xứ và các tâm thuộc lộ trình ngũ môn, đều có thể có khái niệm làm đối tượng.
V. Tứ niệm xứ không có khái niệm là đối tượng
Không kể đến các tâm thuộc lộ trình ngũ môn thì các pháp chân đế chỉ xuất hiện trước tứ niệm xứ. Chỉ khi phát triển tứ niệm xứ ta mới biết liệu một hiện tượng (pháp) có phải là pháp chân đế hay không? Khi tứ niệm xứ chưa sinh khởi, chưa có chánh niệm và không có sự thẩm sát các đặc tính của các thực tại chân đế. Sự phát triển của tứ niệm xứ là rất phức tạp bởi vì trí tuệ (paññā) phải trở nên rất tinh tế để có thể thấy các thực tại như chúng là.
Tứ niệm xứ không lấy khái niệm làm đối tượng, vậy có phải khi ta phát triển tứ niệm xứ thì cần phải ngăn không cho tâm lấy khái niệm làm đối tượng hay không? Thực ra điều đó là không thể, không có cách nào ngăn không cho tâm trí lấy khái niệm làm đối tượng. Tuy nhiên, trí tuệ có thể phát triển để biết được khi nào có khái niệm làm đối tượng.
Khi phát triển tứ niệm xứ, ta không nên bắt ép mình không nghĩ về các khái niệm, cố gắng ngăn mình biết những thứ khác nhau mà ta vẫn thường nhận ra trong cuộc sống hằng ngày. Nếu làm vậy, ta sẽ không thể biết được các đặc tính của danh pháp, cái có chức năng biết một thứ gì đó. Khi một khái niệm là đối tượng, ta cần phải nhận ra rằng có các tâm và tâm sở, tức là các danh pháp, sinh khởi và ở khoảnh khắc ấy danh pháp biết đối tượng là khái niệm.
Tứ niệm xứ có thể nghiên cứu và suy xét các thực tại và hay biết chúng. Nhờ vậy, có thể biết được rằng khi có suy nghĩ thì thực chất là danh pháp, một thực tại chứ không phải là ta hay con người nào suy nghĩ cả. Trí tuệ cần phải được phát triển và xuyên thấu các đặc tính của các loại danh khác nhau kinh nghiệm các đối tượng khác nhau qua cả sáu môn. Khi đó, hoài nghi về các đặc tính của danh pháp có thể được tận diệt.
Các pháp đều vô ngã và không thể ngăn tâm suy nghĩ về những thứ khác nhau. Chính bởi vô minh mà ta cố gắng không nghĩ hay không biết các đối tượng là khái niệm đang xuất hiện. Nếu ai đó làm thế thì tuệ giác không thể sinh khởi được.
Mọi người không sống cuộc đời thường của mình khi họ cố gắng theo một cách thực hành cụ thể nào đó như lựa chọn các môi trường yên tĩnh hay tránh suy nghĩ về các khái niệm hay cố gắng tập trung vào một số khái niệm chế định như hơi thở, đi/ đứng/ ngồi ... Những sự thực hành đó rất khác với sự phát triển tuệ giác, cái bao gồm sự nghiên cứu, nhận biết và suy xét các đặc tính của các danh pháp và sắc pháp.
Khi không có sự suy xét về đặc tính của các thực tại chân đế thì có con đường sai lầm hay phi đạo (micchā magga) bao gồm cái hiểu sai (tà kiến), suy nghĩ sai (tà tư duy), lời nói sai (tà ngữ) ..... Đó không phải là chánh đạo, cái phải là sự phát triển tứ niệm xứ và vipassanā (minh sát tuệ). Khi tứ niệm xứ sinh khởi và hay biết về đặc tính của các thực tại xuất hiện, ta có thể nói rằng đó là cỗ xe của trí tuệ dẫn tới sự tận diệt phiền não.
>> tiếp theo
--- Lời bạt của người viết ----
Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch.
Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.
---- Lưu ý (disclaimer) ----
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.
Comments
Post a Comment