why it's hard? (tại sao việc học ngoại ngữ lại khó)

Trước tiên, tôi quay lại mô hình communication:

thực tại tuyệt đối –>(1) thực tại tương đối A –>(2) trích xuất thực tại và khái niệm hóa –>(3) diễn đạt thông điệp –>(4) truyền tin –>(5) diễn giải thông điệp –>(6 ) tái hiện thực tại mức khái niệm –>(7) tổng hợp vào thực tại tương đối B  (← thực tại tuyệt đối)

Như bài trước đã trình bày, việc học hành thông thường đòi hỏi người học tập trung năng lượng vào bước 5) và bước 6) bằng quá trình ôn bài và nhắc lại, làm theo, quá trình học hành được tạm coi là kết thúc nếu hoàn thành bước 6).

Mô hình này làm việc tốt với các môn toán, lý, hóa, hay các môn tự nhiên, các môn mà nền tảng hầu hết là khái niệm. Ta chỉ cần dựa trên các khái niệm cũ để xây dựng và vận hành hệ thống khái niệm mới. Dù có cũ và mới, ở trình độ toán học/ vật lý phổ thông, những khái niệm nền tảng hầu như không thay đổi với mọi người, vẫn là đường thẳng, điểm, độ lớn, chất, vận tốc, …



Mô hình này sẽ làm việc ít hiệu quả hơn, chẳng hạn với những môn ít khái niệm hơn và có nền tảng thiên về trải nghiệm hay thực hành, ví dụ làm thủ công hay tập bơi. Cũng giáo trình như vậy, nhưng việc thuộc bài (bước 6) không đảm bảo việc áp dụng sẽ xuôn sẻ (ai thử thuộc lòng lý thuyết bơi trên cạn rồi cứ thế nhẩy thẳng xuống nước sẽ rõ). Điểm khác biệt ở đây thuộc về bản chất của khái niệm: vì khái niệm là sự mã hóa thực tại, nên nó không bao giờ phản ánh hoàn hảo được thực tại. Nói cách khác, với những môn này, logic không bao giờ là đủ, nó cho thấy trong cuộc sống có những kỹ năng hay thông tin hay phản xạ mà nhận thức thuần túy không thể nắm bắt hữu hiệu, nó đòi hỏi ta phải xây dựng những kỹ năng bằng trải nghiệm, nó cho ta hình dung lờ mờ về sự tồn tại của xử lý phi khái niệm, loại xử lý mà ta đoán rằng sẽ là chủ đạo cho bước 7): tổng hợp vào thực tại tương đối.

Còn bây giờ, quay lại việc học ngoại ngữ. Vì ngôn ngữ là khái niệm, nó hẳn phải một môn dễ học kiểu “sách vở” giống toán lý hóa, ít nhất là ở cấp độ phổ thông. Nhưng thực tế lại không phải như vậy, nhất là với các bạn gặp khó khăn với tiếng Anh hoặc với phần lớn các kỹ sư định học tiếng Nhật.

Ở đây, tôi chọn cách đi sâu vào bản chất khái niệm của ngoại ngữ. Xuất phát từ nền tảng khái niệm hóa, có lẽ sẽ đúng hơn nếu ta coi từ vựng ngoại ngữ là những khái niệm tương đối mới (thử nghĩ mà xem, house không chính xác là “nhà” mà ta biết, “prank” không hẳn có từ tương đương trong tiếng Việt, …) , ngữ pháp là những phân hệ khái niệm khác biệt. Việc học ngoại ngữ, do đó, tác động đến các khái niệm nền tảng theo cách khác với toán lý hóa. Toán lý hóa chỉ mở rộng chứ không ảnh hưởng đến kết cấu, trong khi đó các khái niệm ngoại ngữ gây ra sự biến dạng thậm chí xung đột trong kết cấu khái niệm nền tảng. Điều này gây ra các phản ứng khác biệt ở mỗi người học. Việc học không vào có thể đơn thuần là biểu hiện của tính tự vệ cao, trong đó người học bám chặt lấy hệ thống khái niệm của ngôn ngữ mẹ đẻ và tiềm thức đơn thuần từ chối nỗ lực tổng hợp các khái niệm mới. Mức độ dính mắc vào các khái niệm cũ thậm chí khiến việc chỉ nghe/nói ngoại ngữ thôi cũng đã tạo ra một trạng thái tâm lý bất an rất tinh tế. Để vượt qua điểm này, một tâm ý dễ buông xả, linh hoạt và tích cực cởi mở đón nhận các khái niệm mới là điều cần thiết.

Đó là khó khăn ở giai đoạn đầu, khi mà số lượng các khái niệm mới (ví dụ từ vựng tiếng Anh) còn ít và cần được truy cập thông qua các khái niệm và cấu trúc hệ thống khái niệm tiếng Việt sẵn có. Ở giai đoạn sau, những người nhanh chóng làm chủ ngoại ngữ cho thấy khả năng truy cập trực tiếp (bỏ không thông qua tiếng Việt) cũng như kết hợp trực tiếp các khái niệm tiếng Anh thành một hệ khái niệm tiếng Anh đơn thuần và tương đối độc lập (mặc dù vẫn overlap) với hệ khái niệm tiếng Việt. Điều này đòi hỏi một quá trình tạo dựng thậm chí bản thân một nền tảng khái niệm mới (mà người ta hay ví von là một bộ não thứ hai). Vì thế câu hỏi tiếp theo là điều gì tác động đến một quá trình như vậy?

Thông thường, một hệ thống khái niệm được xây dựng từ một hệ thống khái niệm khác và quá trình này có thể hoàn toàn diễn ra trong khuôn khổ tư duy ý thức. Tuy nhiên, tôi cho rằng các khái niệm của ngôn ngữ thì đặc biệt hơn, chúng là các khái niệm nguồn hay nguyên thủy (primitive). Bạn có thể cảm nhận điều đó nếu quan sát quá trình học nói của trẻ em. Khi trẻ em phát ra những từ đầu tiên, không có từ nào trước đó hết, tức là trước khi có ngôn ngữ, người ta không có khái niệm nào hết! Ngôn ngữ là thứ khái niệm được hình thành từ phi khái niệm. Cái gì làm việc với phi khái niệm? Tiềm thức. Một nền tảng khái niệm mới chỉ có thể được xây dựng bằng các quá trình xử lý phi khái niệm diễn tra trong tiềm thức. Trong mô hình của tôi, các xử lý phi khái niệm nằm ở bước 7). Cũng như lãnh hội võ thuật hay nghệ thuật trong bài trước, một lần nữa, bước 7) là trở ngại. Nếu như việc học thông thường là lấy ý thức (cũ) để huấn luyện ý thức (mới), không cần đến tiềm thức, thì về một mặt nào đó, có thể nói việc làm chủ ngoại ngữ là lấy ý thức để huấn luyện tiềm thức.

Ý thức có thể huấn luyện tiềm thức như thế nào? Theo thiển ý của tôi, có hai giai đoạn: 1) exposure và 2) injection, tức là 1) ban đầu phải cố gắng tiếp xúc càng nhiều càng tốt, phải bỏ qua các rào cản tự vệ để tiếp xúc cởi mở tối đa với ngoại ngữ, rồi sau đó 2) cố gắng vận dụng càng nhiều càng tốt, tự thử nghiệm nghe/nói/đọc viết/ dịch viết/ dịch nói ngoại ngữ (rồi tự rút kinh nghiệm) càng nhiều càng tốt.

Chúc mọi người tinh tấn để làm chủ ngoại ngữ!

Comments

Popular Posts