Nhập môn Pháp chân đế: XVII. Các tâm thuộc cõi dục giới
Có 89 loại tâm khác nhau và những loại tâm này có thể chia theo bốn cấp độ hay bốn cõi tâm thức như sau:
- Cõi dục giới (kāmāvacara bhūmi): 54 loại tâm
- Cõi sắc giới (rūpāvacara bhūmi): 15 loại tâm
- Cõi vô sắc giới (arūpāvacara bhūmi): 12 loại tâm
- Cõi siêu thế (lokuttara bhūmi): 8 loại tâm
Có tâm dục giới ở mỗi khoảnh khắc của cuộc sống hàng ngày, trừ khi có tâm thuộc một cõi thức cao hơn. Khi ta phát triển tâm thiện (kusala citta) trong samatha (sự an tịnh) nhờ một đề mục thiền sắc giới và khi sự an tịnh được thiết lập chắc chắn tới mức độ an chỉ định (appanā samādhi), khi ấy có tâm thiền sắc giới, đối tượng của tâm này lệ thuộc vào sắc. Lúc này, tâm thoát ly ngũ dục và do đó thuộc về một cõi thức cao hơn: cõi sắc giới, tâm lúc này là tâm sắc giới (rūpāvacara citta).
Một cõi thức ở mức độ cao hơn nữa là cõi vô sắc giới. Tâm thuộc cõi này - tâm vô sắc giới (arūpāvacara citta) có một mức độ an tịnh vi tế hơn nữa, được thiết lập một cách vững vàng trên một đối tượng không lệ thuộc vào sắc. Tâm vi tế hơn cả tâm vô sắc giới là tâm siêu thế (lokuttara citta), tâm kinh nghiệm Niết bàn. Như vậy các tâm khác nhau bởi chúng thuộc những cõi thức khác nhau.
I. Chi tiết về dục giới
Bất cứ khoảnh khắc nào không có tâm sắc giới, vô sắc giới hay siêu thế thì đều có tâm dục giới. Cuốn Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Atthasālinī) giải thích ý nghĩa của dục giới theo những cách sau:
- Tâm dục giới là tâm thuộc cõi dục, nó không thoát ly khỏi dục (kāma)
- Tâm dục giới là tâm lui tới, "đi đến" các cõi (tái sinh) thuộc dục giới: bốn cõi khổ, cõi người và sáu cõi thiên giới
- Tâm dục giới thì hướng tới, qua lại các đối tượng dục giới như thị giác, âm thanh, mùi, vị hay đối tượng xúc chạm (ngũ dục)
Thuật ngữ "dục" (kāma) có hai nghĩa:
- Dục phiền não (kilesa kāma)
- Dục căn (hay vật dục) (vatthu kāma)
Gọi là dục phiền não bởi vì nó có tính khát ái và gọi là dục căn bởi vì nó là đối tượng khát ái bởi dục (phiền não)
Kilesa kāma hay dục phiền não chính là tham dục giới (chandarāga), là tâm sở tham (lobha cetasika), là pháp thích thú với đối tượng, hào hứng với đối tượng và dính mắc vào đối tượng. Vatthu kāma là các đối tượng làm cơ sở cho sự dính mắc hay khát ái đó sinh khởi, là cái được khát ái. Chừng nào tâm tham vẫn còn chưa được tận diệt thì ta còn chưa thoát khỏi vòng luân hồi và như vậy ta vẫn còn tái sinh vào tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới).
Những tâm dục giới có tính chất dính chặt vào đối tượng ngũ dục (đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị, đối tượng xúc chạm), mặc dù đối tượng ấy chỉ xuất hiện trong chốc lát. Đối tượng thị giác chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi khi nó in dấu lên nhãn căn. Âm thanh xuất hiện cũng trong thời gian cực kỳ ngắn ngủi khi nó in dấu lên nhĩ căn. Cũng hệt như vậy với mùi, vị và đối tượng xúc chạm. Tất cả những pháp ấy được gọi là những pháp tiểu tốt (paritta dhamma) vì chúng xuất hiện chỉ trong một khoảnh khắc rồi diệt đi ngay. Tuy nhiên tâm dục giới lại luôn dính mắc và bám chặt vào những pháp tiểu tốt đó. Vì những pháp này sinh và diệt nối tiếp lẫn nhau, chúng dường như trường tồn và không diệt đi.
II. Tính dính mắc của các tâm dục giới
Không có điểm dừng cho sự dính mắc vào ngũ dục: cảnh sắc, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm. Chúng ta mê đắm với những đối tượng ấy và dính mắc vào chúng. Những đối tượng ngũ dục diệt đi, nhưng chúng lại được thay thế; các sắc diệt đi lại được tiếp nối bởi những sắc mới, chúng ta vô minh và lại tiếp tục dính mắc vào các đối tượng ngũ quan mới thay thế các đối tượng đã diệt đi và vì vậy luôn có tham ái.
Khi thấy cảnh sắc, chúng ta thích đối tượng ấy và muốn thấy lại nó. Khi nghe âm thanh ưa thích, chúng ta muốn nghe lại nó; cũng như vậy đối với mùi, vị và đối tượng xúc chạm mà ta yêu thích. Khi ăn và thích một vị nào đó, chúng ta muốn ăn lại món đó và thưởng thức vị ấy lần nữa. Như thế, sự dính mắc vào các đối tượng ngũ dục sinh khởi hằng ngày, lần này qua lần khác. Dính mắc qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đã trở thành bản chất của chúng ta.
Khi chúng ta thích cái ta nhìn thấy, chúng ta muốn thấy nó mãi, nhưng điều ấy là không thể. Tất cả các pháp hữu vi (saṅkhāra dhamma) đều sinh và diệt; đó là bản chất của chúng. Khi một vị ngon xuất hiện, có sự dính mắc qua lưỡi (thiệt căn) sinh khởi. Ở cùng khoảnh khắc ấy, sự dính mắc qua các căn khác (mắt, tai, mũi, thân căn) không thể sinh khởi, vì chỉ có một tâm sinh khởi ở một thời điểm bất kỳ. Sẽ không thể có hai tâm sinh khởi ở cùng một thời điểm.
Tất cả chúng ta dính mắc vào những đối tượng xuất hiện đan xen nhau qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý môn. Chúng ta không chỉ dính mắc vào màu hay âm thanh..., mà dính mắc vào tất cả những đối tượng ấy. Lý do là bởi sự dính mắc vào tất cả các đối tượng ngũ quan đã được tích luỹ một cách liên tục suốt từ quá khứ đến hiện tại, và vẫn còn được tiếp tục tích luỹ trong tương lai.
Như thế, các tâm dục giới sẽ thường xuyên lui tới các đối tượng ngũ dục, bám dính vào những đối tượng ấy không rời. Một số người muốn giải thoát khỏi đối tượng ngũ dục nói rằng nhờ việc tạo phước thiện, họ muốn được tái sinh ở những cõi thiên giới, tuy nhiên, chúng sinh ở các cõi thiên giới cũng không thoát khỏi đối tượng của ngũ dục, chỉ là các đối tượng ngũ dục ở các cõi đó vi tế hơn các đối tượng ở cõi người mà thôi.
Từ khi sinh ra đến khi chết đi, chừng nào tâm vẫn còn chưa đạt đến mức độ an chỉ định (appanā samādhi), khi ấy tâm vẫn sẽ là tâm dục giới (kāmāvacara citta), dù là lúc ngủ say hay thức, dù đang thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay suy nghĩ ... Ở tất cả những khoảnh khắc ấy, thực ra đều không có một chúng sinh, một con người hay một tự ngã nào hết, chỉ có các tâm dục giới đang kinh nghiệm đối tượng của chúng mà thôi.
Chừng nào một người chưa phải là một vị Thánh Bất lai (Anāgāmī - tầng giác ngộ thứ ba) hay một vị A la hán, sự dính mắc vào đối tượng ngũ dục vẫn chưa thể bị đoạn diệt. Kể cả khi một người đã đắc thiền và tái sinh ở cõi Phạm Thiên, sự dính mắc đó vẫn còn, và vị ấy sẽ còn tiếp tục tái sinh trở lại vào những kiếp sống của sự dính mắc với ngũ dục. Điều đó cho thấy tận diệt được sự dính mắc vào các đối tượng ngũ dục xuất hiện qua sáu cửa giác quan là vô cùng khó. Vì thế, chúng ta không nên lơ là với phiền não. Chúng ta cần phát triển hiểu biết về thực tại-như-chúng-là, cần hiểu nguyên nhân gì mang đến kết quả gì. Chỉ khi ấy, chúng ta mới đi đúng con đường Bát Chánh Đạo, con đường duy nhất dẫn đến việc tận diệt hoàn toàn các phiền não.
III. Dục phiền não và các cõi có Dục căn (vatthu kāma)
Xin nhắc lại, vatthu kāma là "cơ sở của dục" (dục căn), nó có nghĩa bao hàm rộng hơn không chỉ các đối tượng ngũ dục: bất cứ pháp nào là cơ sở cho tham ái đều là cơ sở của dục. Dục phiền não vì thế là Tâm sở tham (lobha cetasika), một thực tại có tính dính mắc. Tham tâm sở (lobha) dính mắc vào tất cả, ngoại trừ các pháp siêu thế. Nó dính mắc vào cả các cõi phạm thiên sắc giới và phạm thiên vô sắc giới. Như vậy, những cõi đó cũng là cơ sở của dục, cùng với toàn bộ các cõi dục khác từ thấp nhất là cõi A tì địa ngục (avīci) đến cõi cao nhất là Tha hoá tự tại thiên (paranimmita vasavatti deva). Tất cả các pháp ngoài pháp siêu thế (lokuttara dhamma) đều là cơ sở của dục và là cơ sở của tham ái.
Liệu một vị A la hán có thể có tâm dục giới hay không? Hoàn toàn có. Khi vị A la hán thấy một đối tượng thị giác xuất hiện qua mắt thì tâm thấy sinh khởi lúc đó là một tâm dục giới, bởi vì nó lấy một đối tượng ngũ dục làm cảnh. Bất cứ khi nào tâm kinh nghiệm một đối tượng ngũ dục thì tâm là tâm dục giới, dù rằng đó là tâm của một vị Phật, một vị A la hán đệ tử hay bất kỳ người nào.
Như đã biết, tâm dục giới tạo nên sự tái sinh ở các cõi dục giới. Cõi người chẳng hạn, nơi mà chúng ta đang sống, là một cõi thuộc dục giới. Tái sinh ở cõi người là kết quả của tâm thiện dục giới đã tạo nên các phước thiện như bố thí, trì giới, phát triển samatha hay vipassanā. Tất cả các thiện pháp này được tạo bởi tâm thiện dục giới, tức là tâm chưa thoát khỏi cõi dục và khi ấy nó sẽ cho quả tái sinh ở cõi dục. Ngoài ra, một người cũng có thể phát triển samatha tới mức độ đắc được các tầng thiền sắc giới hoặc vô sắc giới. Nếu người ấy không đánh mất kỹ năng đắc thiền và có tâm thiền sinh khởi ngay trước tử thức thì tâm thiền sẽ tạo duyên cho sự tái sinh không phải ở cõi người mà ở cõi phạm thiên sắc giới hoặc phạm thiên vô sắc giới, tuỳ thuộc vào mức độ tầng thiền đã được chứng đắc.
Tâm thì muôn màu muôn vẻ, các tâm thuộc cùng một cấp độ cõi thức cũng hết sức đa dạng. Tâm thiện dục giới (kāmāvacara kusala citta) sinh khởi rất đa dạng, tương ứng với sự khác biệt về mức độ của tín (saddhā), tuệ (paññā) và các tâm sở đồng sinh khác. Có rất nhiều sự kết hợp khác nhau của các tâm sở đồng sinh ở các tâm thiện dục giới và vì thế dẫn đến kết quả là sự tái sinh ở các cõi lành khác nhau chứ không phải chỉ ở cõi người.
Tâm bất thiện dục giới (kāmāvacara akusala citta) cũng kết hợp với nhiều mức độ khác nhau của các tâm sở đồng sinh như tham (lobha) hay sân (dosa) và các tâm sở khác. Đôi khi có rất nhiều sân hận, thù hằn, đôi khi sự sân hận không đáng kể.... Đôi khi ta không cần cố gắng nhiều để giết hay làm tổn thương một chúng sinh khác, khi đó tác ý sát sinh có thể không mạnh lắm và chỉ có các chúng sinh nhỏ có thể bị chết do nỗ lực sát sinh ấy.... Vì các nghiệp bất thiện được tạo bởi các tâm dục giới sinh kèm với các tâm sở khác nhau có cường độ khác nhau nên chúng có thể cho quả đa dạng dưới hình thức tái sinh ở bốn cõi ác đạo khác nhau.
Như vậy cả nghiệp thiện và nghiệp bất thiện đều đa dạng, tạo nên các kết quả đa dạng, vì thế dẫn đến có nhiều cõi khác nhau cho sự tái sinh. Ngoài cõi người ra còn có những cõi tái sinh khác nữa.
--> tiếp theo
--- Lời bạt của người viết ----
Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch.
Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.
---- Lưu ý (disclaimer) ----
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.
Comments
Post a Comment