Nhập môn Pháp chân đế: XXI. Nhân

Tâm rất đa dạng do bởi các pháp tương hợp (sampayutta dhamma) là nhân. Trong số các pháp tương hợp với tâm, có một số tâm sở đặc biệt được gọi là "nhân" (hetu). Tâm muôn màu vẻ là do bởi các nhân khác nhau sinh kèm với chúng. Một số tâm sinh khởi cùng các tâm sở là nhân, trong khi một số các tâm khác sinh khởi mà không có nhân. 

Chỉ có sáu tâm sở là nhân, đó là:

(ba nhân bất thiện)

  • Tâm sở tham (lobha cetasika) là nhân tham
  • Tâm sở sân (dosa cetasika) là nhân sân
  • Tâm sở si (moha cetasika) là nhân si

(ba nhân tịnh hảo)

  • Tâm sở vô tham (alobha cetasika) là nhân vô tham
  • Tâm sở vô sân (adosa cetasika) là nhân vô sân
  • Tâm sở vô si (amoha cetasika) là nhân vô si

Một điểm lưu ý là sáu loại nhân ở trên không được phân thành "bất thiện" và "thiện" mà ở đây thuật ngữ "tịnh hảo" (sobhana) được sử dụng thay cho thuật ngữ "thiện" (kusala). Lý do là nhân (hetu) là thiện chỉ sinh khởi với tâm thiện (kusala citta) và tâm này làm duyên cho tâm quả thiện (kusala vipāka) sinh khởi về sau. Trong khi ấy, nhân tịnh hảo sinh khởi không chỉ với các tâm thiện mà cũng có thể sinh khởi với các tâm quả thiện và các tâm duy tác tịnh hảo (sobhana kiriyacitta). Như vậy, nhân tịnh hảo không chỉ sinh khởi cùng tâm thiện. 

I. Nhân và Nhân duyên 

Các pháp không phải sáu loại tâm sở nêu trên thì không thể làm nhân duyên (hetu paccaya). Các tâm sở không phải là nhân vẫn làm duyên cho tâm khi sinh khởi cùng nó, nhưng không phải theo nhân duyên. Nhân duyên chỉ là một trong 24 loại duyên hệ khác nhau. 

Sáu loại tâm sở là nhân có thể so sánh với gốc rễ của một cái cây, nó làm cho cây phát triển, trưởng thành để có thể đơm hoa kết trái. Khi sáu loại nhân này sinh khởi, chúng khiến các pháp đồng sinh lớn mạnh, phát triển và tạo ra quả, lần này sau lần khác và ngày càng nhiều. 

Những ai chưa phải là A la hán thì vẫn còn nhân thiện (kusala hetu) và nhân bất thiện (akusala hetu). Một vị A la hán thì không còn nhân thiện và nhân bất thiện nữa. Tâm sở vô tham (alobha), vô sân (adosa) và tâm sở trí tuệ (amoha) sinh kèm với tâm duy tác (kiriya citta) đảm nhận chức năng tốc hành tâm (javana) của vị A la hán được gọi là nhân vô ký (avyākata hetu), tức là loại nhân không phải là thiện cũng không phải là bất thiện. 


Trong tất cả các duyên hệ, yếu tố làm duyên là một pháp hỗ trợ các pháp khác, làm duyên cho pháp khác sinh khởi, hoặc duy trì pháp khác, tuỳ thuộc vào loại duyên. 

Ta có thể xét tâm sở xúc và tâm sở tham. Đây là hai tâm sở khác nhau nhưng đều là những yếu tố hỗ trợ các pháp khác (tâm, tâm sở và sắc) để tạo duyên cho sự sinh khởi của chúng, tuy nhiên hai tâm sở này tạo duyên theo hai cách khác nhau.

Tâm sở xúc tạo duyên theo vật thực duyên (arāhā paccaya), còn tâm sở tham tạo duyên theo nhân duyên. 

Như đã thấy, hetu (nhân) có thể được so sánh với rễ của một cái cây, giúp cho cây lớn mạnh và trưởng thành. Tuy nhiên cái cây ấy không chỉ phụ thuộc vào rễ. Nó không chỉ cần đến đất và nước mà còn cần đến cả dưỡng chất để trổ quả. Mặt khác, nếu không có rễ thì đất và nước cũng không thể làm cây lớn mạnh và sum suê được. Như vậy, cây cần có những duyên khác nhau để trưởng thành. Bên cạnh nhân duyên cũng có những duyên hệ khác nữa cho sự sinh khởi của các thực tại. Các hiện tượng tạo duyên cho các hiện tượng khác theo nhiều cách khác nhau.

Bốn pháp chân đế có thể được xếp thành hai loại: không-là-nhân (na-hetu) và nhân (hetu)

  • Tâm (citta): là na-hetu (không-là-nhân)
  • Tâm sở (cetasika): chỉ có sáu trong số 52 tâm sở là hetu (nhân), 46 tâm sở còn lại là na-hetu (không-là-nhân)
  • Sắc (rūpa): là na-hetu (không-là-nhân)
  • Niết bàn (nibbāna): là na-hetu (không-là-nhân)

II. Hữu nhân và Vô nhân

Các tâm và tâm sở đồng sinh với ít nhất một trong sáu tâm sở là nhân được gọi là tâm và tâm sở hữu nhân (sahetuka citta và sahetuka cetasika). Các tâm và tâm sở không sinh kèm với bất cứ nhân nào thì được gọi là tâm và tâm sở vô nhân (ahetuka citta và ahetuka cetasika).

Một ví dụ về tâm vô nhân là nhóm các tâm ngũ song thức (nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, tỉ thức, thân thức). Nhãn thức, cái thấy đối tượng thị giác (cảnh sắc) chỉ đồng sinh với bảy tâm sở là: xúc, thọ, tưởng, tư, mạng căn, nhất tâm và hướng tâm. Nhãn thức thuộc về loại tâm quả (vipāka citta), vì thế nó không phải là thiện mà cũng không phải bất thiện. Trong trường hợp của tâm quả, tâm sở tư (cetanā cetasika) chỉ đảm nhận chức năng phối hợp, đôn đốc tâm và các tâm sở đồng sinh hoàn thành chức năng riêng của chúng (khác với khi tâm sở tư sinh kèm với tâm thiện hay bất thiện). Bảy tâm sở này là vô nhân và vì vậy nhãn thức là tâm quả vô nhân (ahetuka vipākacitta). 

Ngay sau khi nhãn thức sinh khởi, tâm căn tham (lobha-mūla-citta) có thể sinh khởi. Tâm căn tham này sinh kèm với hai tâm sở là nhân: tham (lobha) và si (moha), nó là tâm hữu nhân (sahetuka citta)

Khi xét đến các xếp loại hetu (nhân), na-hetu (không-là-nhân), sahetuka (hữu nhân) và ahetuka (vô nhân), các pháp hữu vi có thể được chia như sau:

  • Sắc (rūpa): là na-hetu (không-là-nhân)
  • Tâm (citta): là na-hetu (không-là-nhân), có một số tâm là sahetuka (hữu nhân), một số là vô nhân (ahetuka)
  • Tâm sở (cetasika): có sáu tâm sở là hetu (nhân); 46 tâm sở là na-hetu (không-là-nhân); một số tâm sở là sahetuka (hữu nhân), một số là ahetuka (vô nhân)

Lưu ý rằng cùng là một tâm sở nhưng khi nó sinh kèm với một tâm sở khác là hetu (nhân) thì khoảnh khắc đó nó là tâm sở hữu nhân, khi nó không sinh kèm với bất kỳ tâm sở nào là hetu thì khoảnh khắc đó nó là tâm sở vô nhân. 

III. Một nhân, nhị nhân, tam nhân

Đức Phật đã thuyết giảng rất chi tiết khi nào tâm là vô nhân và khi nào là hữu nhân. Ngài đã giảng các loại nhân nào và các loại tâm sở nào sinh kèm với tâm hữu nhân cũng như chỉ ra số lượng của các tâm sở đồng sinh, ví dụ:

  • Tâm căn si (moha-mūla-citta) sinh kèm với một nhân, là si (moha), nó là một nhân (eka-hetuka)
  • Tâm căn tham (lobha-mūla-citta) sinh kèm với hai nhân, là tham (lobha) và si (moha), nó là nhị nhân (dvi-hetuka)
  • Tâm căn sân (dosa-mūla-citta) sinh kèm với hai nhân, là sân (dosa) và si (moha), nó là nhị nhân (dvi-hetuka)
  • Tâm thiện không hợp trí sinh kèm với hai nhân, là vô sân (adosa) và vô tham (alobha), nó là nhị nhân (dvi-hetuka)
  • Tâm thiện hợp trí sinh kèm với ba nhân, là vô sân (adosa), vô tham (alobha) và vô si (amoha = paññā), nó là tam nhân (ti-hetuka)

Như vậy ta thấy, tâm thiện thì không thể là một nhân, nó luôn là nhị nhân hoặc tam nhân vì nó luôn sinh kèm với tối thiểu hai nhân: vô tham và vô sân.

IV. Cảnh duyên, quyền duyên

Như đã nói, có nhiều loại duyên hệ khác nhau, chúng đều rất quan trọng. Ngoài nhân duyên và vật thực duyên được nhắc đến ở trên, còn nhiều duyên hệ khác nữa. Đức Phật đã thuyết giảng rất chi tiết về 24 loại duyên hệ chính và cả các loại duyên hệ khác xuất phát từ 24 duyên hệ chính.

Ta đã biết tâm bắt buộc phải có đối tượng để sinh lên. Bản thân điều này là một duyên hệ: Cảnh duyên (ārammaṇa paccaya). Trong duyên hệ này, cảnh là duyên cho tâm sinh khởi và biết đối tượng.

Sắc nhãn căn (cakkhuppasāda rūpa) như đã biết được duyên bởi nghiệp duyên (kamma paccaya). Đến lượt nó, sắc nhãn căn lại làm duyên cho các pháp khác với tư cách là quyền duyên (indriya paccaya). Cụ thể, nó dẫn đầu trong khả năng làm duyên cho nhãn thức sinh khởi và thấy đối tượng thị giác. Năm loại sắc thần kinh (nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn) đều là quyền duyên, chúng dẫn đầu trong việc thực hiện chức năng riêng của chúng là làm duyên cho ngũ song thức sinh khởi. Các loại sắc khác thì không thể đảm nhận loại chức năng này. Việc cái thấy chẳng hạn, xuất hiện mờ hay tỏ là không phụ thuộc vào ý chí hay mong muốn của một ai cả mà chỉ phụ thuộc vào nhãn căn, cái là quyền duyên cho nhãn thức.

V. Nhân trí tuệ và Tứ niệm xứ

Mỗi pháp làm duyên cho sự sinh khởi của các pháp khác và có nhiều loại duyên hệ khác nhau. Tham, sân, vô tham, vô sân hay trí tuệ là các tâm sở tạo duyên cho những pháp khác bằng nhân duyên (bằng cách làm nhân cho các pháp khác). 

Trong ngày có rất nhiều nhân bất thiện sinh khởi, chúng sinh khởi thường xuyên hơn là nhân thiện. Đôi lúc có các nhân thiện và khi chúng dần phát triển và trở nên mạnh mẽ, các nhân bất thiện sẽ suy giảm. Trí tuệ (tâm sở vô si, một trong sáu pháp là nhân) cần phải được phát triển để đặc tính của các thực tại được biết như chúng là. Chừng nào trí tuệ chưa phát triển, chưa biết rõ các đặc tính của thực tại, các nhân bất thiện: tham, sân, si sẽ lớn mạnh và phát triển. Không có thực tại nào khác ngoài trí tuệ (tâm sở vô si) có thể tận diệt được các nhân bất thiện. Khi ta nghiên cứu Giáo pháp và hiểu đặc tính của các thực tại xuất hiện qua sáu cửa giác quan và phát triển tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna), tâm sở thiện vô si hay trí tuệ sẽ phát triển dần dần. 

Chúng ta không nên quên mục đích của việc nghiên cứu tâm, tâm sở và sắc. Mục đích chính là phát triển tứ niệm xứ và như vậy cũng là hiểu biết về đặc tính của tâm, tâm sở và sắc khi chúng xuất hiện một cách tự nhiên, mỗi thứ ở một thời điểm. Đó là sự thật mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng cho mọi người. Nếu ta chỉ nghiên cứu các thực tại từ sách vở nhưng không học cách biết thực tại khi chúng xuất hiện thì sẽ không thể nào tận diệt được phiền não.

Khi ta chứng ngộ Tứ Thánh Đế ở mức độ thứ nhất, tức giai đoạn giác ngộ của một vị Thánh Dự lưu (Sotāpanna), một vài phiền não được đoạn tận. Tại thời điểm chứng ngộ A la hán quả, toàn bộ các phiền não sẽ bị tận diệt, khi ấy các nhân thiện và bất thiện đều sẽ không còn sinh khởi nữa. Một vị A la hán đã tận diệt được hoàn toàn phiền não, đã đi đến tận cùng của vòng sinh tử luân hồi, sẽ không còn nhân thiện nào sinh khởi nữa, bởi nếu có, nó sẽ là duyên cho sự sinh khởi của quả thiện trong tương lai một cách bất tận. 

Liệu có bao giờ ta đạt được đến mức độ đó không? Có, nếu ta có đủ kiên nhẫn và bền bỉ với sự phát triển tuệ giác, ngày này qua ngày khác. Đã có nhiều người trong quá khứ đạt được quả vị A la hán và nếu điều này là không thể thì đã chẳng có ai chứng đắc. Tuy nhiên, điều ấy không thể đạt được một cách nhanh chóng. Quả bao giờ cũng tương ứng với nhân. Trí tuệ chỉ có thể được phát triển dần dần, từng bước một và khi ấy nó có thể xuyên thấu được các đặc tính của thực tại và phiền não chỉ có thể bị tận diệt bằng cách ấy.

>> tiếp theo

--- Lời bạt của người viết ----

Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch. 

Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.

---- Lưu ý (disclaimer) ----

Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.

Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.

Comments

Popular Posts