Nhập môn pháp chân đế: XXIX. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo

 I. Các mức độ của phiền não và Giáo pháp

1. Các phiền não thô (vītikkama kilesa)

 Là các phiền não làm duyên cho việc tạo nghiệp bất thiện qua thân và qua khẩu. Trước khi Đức Phật thành đạo, mọi người đã biết tránh xa phiền não thô của bất thiện pháp qua việc giữ giới.

2. Các phiền não bậc trung (pariyuṭṭhāna kilesa)

Là các phiền não sinh khởi với các tâm bất thiện chưa ở mức độ của nghiệp bất thiện. Trước khi Đức Phật thành đạo, có những người phát triển samatha và nhờ đó đè nén được các phiền não này một cách tạm thời (vikkhambhava pahāra). Họ đã có thể vun bồi thiện tâm thiền (kusala jhāna citta) đến các tầng thiền vô sắc giới cao nhất (mức độ "phi tưởng phi phi tưởng xứ")

3. Các phiền não vi tế

 Là các phiền não ngủ ngầm (anusaya kilesa). Các phiền não này luôn tiềm ẩn trong các tâm sinh và diệt nối tiếp chừng nào các loại phiền não chưa được tận diệt hoàn toàn (samuccheda pahāra). Khác với các phiền não thô và bậc trung, không ai có thể tận diệt các phiền não ngủ ngầm này cho đến khi Đức Phật chứng đắc Phật quả sau khi đã tích luỹ Ba la mật trong bốn a tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Như thế, chỉ sau khi Đức Phật trở thành một bậc Chánh đẳng giác và thuyết giảng con đường dẫn đến chứng ngộ Tứ Thánh Đế thì mới xuất hiện các vị đệ tử chứng ngộ, tận diệt được các phiền não ngủ ngầm vĩnh viễn, đồng nghĩa với việc Tăng đoàn ra đời.

Giáo pháp mà Đức Phật đã dạy rất vi tế, phức hợp và có nghĩa lý vô cùng sâu sắc. Đức Phật đã dạy về đặc tính của tất cả các thực tại được xuyên thấu ở thời điểm Ngài giác ngộ. Ta cần phải nghiên cứu và thẩm xét Giáo pháp mà Đức Phật đã dạy một cách chi tiết để có được hiểu biết đúng về nó, nếu không sẽ không thể phát triển tuệ giác có thể xuyên thấu đặc tính thực sự của thực tại và tận diệt phiền não.

Ngay từ đầu, chúng ta cần có hiểu biết đúng, cần phải biết một cách chi tiết đâu là các thực tại mà tuệ giác có thể xuyên thấu, đó là tất cả những gì là thực và đang sinh khởi hiện tại qua sáu môn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).

Đức Phật thuyết giảng rất chi tiết về các pháp sinh khởi và xuất hiện hàng ngày ở mỗi khoảnh khắc qua sáu môn để ta có thể thấy được sự nguy hiểm của phiền não và mối hiểm họa của vòng luân hồi. Chừng nào ta còn chưa thấy được mối hiểm họa đó, sẽ không có trạng thái khẩn cấp tu niệm, không có nỗ lực để phát triển tuệ giác vipassanā, loại trí tuệ duy nhất có thể tận diệt được phiền não.


II. Sự phát triển samattha, vipassanā, Ngũ chánh đạo và Tứ niệm xứ

Sự phát triển samattha và sự phát triển vipassanā có mục tiêu khác nhau và mức độ tuệ giác trong mỗi trường hợp cũng khác nhau. 

Trong samattha, các đề mục thiền là đối tượng của tâm đại thiện hợp trí. Thiện tâm thiền suy niệm trên các đề mục để đạt được sự an tịnh và để tâm có thể an trụ trên đề mục. 

Trong vipassanā, các pháp chân đế là đối tượng của tâm đại thiện hợp trí. Tâm đại thiện hợp trí lúc này nhận ra và thẩm xét từng thực tại chân đế hết lần này qua lần khác và nhận ra chúng là vô ngã.

Quả của sự phát triển samattha là được tái sinh vào một trong các cõi Phạm thiên. 

Quả của sự phát triển vipassanā là tuệ giác biết được thực tại như chúng là và tận diệt phiền não. 

Với sự phát triển vipassanā, phiền não được tận diệt bởi theo từng giai đoạn và theo một trật tự nhất định. Trước tiên, tà kiến về ngã (sakkāya diṭṭhi) cho các thực tại là một khối, là chúng sinh, tự ngã hay con người... cần phải được tận diệt, sự tận diệt sân chỉ có thể xảy ra sau đó và sự tận diệt tham chỉ xảy đến sau cùng. Chừng nào còn có tà kiến về ngã thì các phiền não khác sẽ không thể được tận diệt.

Đức Phật đã dạy sự phát triển Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất để giác ngộ chân lý. Các chi của Bát Chánh Đạo là tám tâm sở, dẫn đầu là Chánh kiến (paññā) và tám chi này chỉ cùng sinh khởi ở khoảnh khắc của tâm siêu thế. Khi tâm siêu thế chưa sinh khởi thì thông thường chỉ có năm chi của Bát Chánh Đạo sinh khởi cùng nhau, nghĩa là tâm không sinh kèm cùng ba tâm sở tiết chế là Chánh nghiệp, Chánh ngữ và Chánh mạng. Chỉ ở khoảnh khắc của tâm siêu thế mới có ba tâm sở tiết chế sinh khởi cùng nhau. Ngũ chánh đạo, tức là trừ ba tâm sở tiết chế ra, cùng đảm nhận chức năng riêng của chúng khi có chánh niệm về đặc tính của danh và sắc xuất hiện qua một trong sáu căn. 

Các thực tại xuất hiện qua sáu môn có thể được xếp thành Tứ niệm xứ: 

1. Niệm thân, kāyanupassanā satipaṭṭhāna. Khi chánh niệm (sati) sinh khởi và hay biết đặc tính của sắc trên thân, khi ấy có niệm thân

2. Niệm thọ, vedanānupassanā satipaṭṭhāna. Khi chánh niệm (sati) sinh khởi và hay biết đặc tính của thọ xuất hiện, khi ấy có niệm thọ

3. Niệm tâm, cittānupassanā satipaṭṭhāna. Khi chánh niệm (sati) sinh khởi và hay biết đặc tính của một trong các loại tâm khác nhau, khi ấy có niệm tâm

4. Niệm pháp, dhammānupassanā satipaṭṭhāna. Niệm xứ này bao gồm các thực tại được xếp theo những khía cạnh khác nằm ngoài ba niệm xứ trên. Khi chánh niệm (sati) sinh khởi và hay biết đặc tính của một pháp trong niệm xứ này, khi ấy có niệm pháp

Từ "satipaṭṭhāna" (tứ niệm xứ) có ba nghĩa:

  • .Là những đối tượng mà chánh niệm hay biết, tức là một pháp chân đế, hoặc là danh pháp hoặc là sắc pháp, được phân thành bốn niệm xứ
  • .Tâm sở chánh niệm (sati cetasika) sinh khởi cùng với tâm dục giới hợp trí (ñāna sampayutta) hay biết các đối tượng của chánh niệm, tức là bốn niệm xứ
  • .Con đường mà bậc Chánh đẳng giác và các vị Thánh đệ tử đã phát triển

III. Tứ niệm xứ và các phẩm trợ đạo khác

Sự phát triển của con đường Bát chánh đạo thực chất là sự phát triển của tứ niệm xứ. Đó là sự phát triển của chánh niệm và chánh kiến về các đặc tính của thực tại khi chúng sinh khởi từng thứ một trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta qua ngũ môn và ý môn. 

Do bởi vô minh, dính mắc và các pháp bất thiện khác đã được tích luỹ một khoảng thời gian vô cùng tận trong vòng sinh tử luân hồi cũng như vô số phiền não được tích luỹ hàng ngày ngay trong kiếp sống này mà chánh niệm không thể sinh khởi dễ dàng và lúc ban đầu sẽ không thể sinh khởi thường xuyên. Người hiểu đúng nhân và quả của các thực tại biết rằng mình phải rất kham nhẫn và bền bỉ để nghe Pháp, nghiên cứu Pháp một cách kỹ lưỡng và suy xét về Pháp. Chỉ khi ấy, ta mới có thể hiểu đúng các đặc tính của thực tại xuất hiện qua sáu môn. Chỉ khi đó, các nhân duyên thích hợp cho sự sinh khởi của tứ niệm xứ mới được tích luỹ. 

Khi có nhân duyên đầy đủ, các tâm đại thiện hợp trí sinh khởi đi sinh khởi lại, trí tuệ được tích luỹ và Chánh niệm của tứ niệm xứ có thể sinh khởi. Khi tứ niệm xứ sinh khởi và hay biết về các thực tại, ta sẽ trực nhận được sự thật giống như những gì ta đã nghe và hiểu về thực tại ở mức độ tư duy, rằng mọi pháp kể cả các chi của Bát Chánh Đạo đều là vô ngã. Khi đó, mọi người sẽ không đi theo sự thực hành nào khác ngoài sự hay biết, ghi nhận và suy xét các danh pháp và sắc pháp xuất hiện qua sáu cửa giác quan. 

Người phát triển trí tuệ chân thực với sự phát triển của mình, người ấy biết khoảnh khắc tứ niệm xứ sinh khởi khác với khoảnh khắc của sự thất niệm về thực tại. Người ấy biết trí tuệ chỉ phát triển một cách rất từ từ, biết rằng khi tứ niệm xứ mới sinh khởi, chưa thể có ngay hiểu biết rõ ràng về đặc tính của danh và sắc. 

Khi chánh niệm của tứ niệm xứ nhận biết và suy xét đặc tính của danh và sắc xuất hiện, cũng có chánh tinh tấn cũng sinh khởi cùng chánh niệm. Chánh tinh tấn (sammāpadhāna) có thể được xếp vào bốn loại: 

  • .Saṁvara-padhāna là tinh tấn để tránh pháp bất thiện chưa sinh khởi
  • .Padhāna-padhāna là tinh tấn để vượt qua hay loại bỏ các pháp bất thiện đã sinh khởi
  • .Bhāvanā-padhāna là tinh tấn phát triển các thiện pháp vẫn chưa sinh khởi
  • .Anurakkhaṇa-padhāna là tinh tấn để duy trì các thiện pháp đã sinh khởi để chúng trở nên hoàn mãn

Tứ chánh cần nói trên là cơ sở cho sự thành công, nhưng còn cần cả các pháp tịnh hảo khác để có thể đạt được mục tiêu và trong số đó có Tứ như ý túc (iddhi pāda) bao gồm:

  • .Dục như ý túc, đó là tâm sở dục chanda cetasika. Chanda mong muốn suy xét và hay biết về các đặc tính của danh và sắc.
  • .Tinh tấn như ý túc, đó là tâm sở tinh tấn (viriya), sự tinh tấn để ghi nhận và suy xét các đặc tính của danh và sắc đang xuất hiện.
  • .Tâm như ý túc, Quả có thể đạt được qua tâm.
  • .Trí như ý túc (trạch pháp - vīmaṃsā), đó chính là tâm sở trí tuệ suy xét một cách cẩn thận và thẩm định các đặc tính của thực tại.

Tứ chánh cần phụ thuộc vào Ngũ căn để có thể đảm nhận chức năng của mình. Ngũ căn bao gồm những yếu tố sau:

  • .Tín căn, là tâm sở tín saddhā cetasika. Đây là yếu tố dẫn dắt niềm tin vào chánh niệm
  • .Tấn căn, là tâm sở tinh tấn viriya cetasika. Đây là yếu tố dẫn dắt sự tinh tấn và can đảm, ngăn ngừa sự lười nhác và chán nản về chánh niệm hiện giờ
  • .Niệm căn, là tâm sở niệm sati cetasikia. Đây là yếu tố dẫn dắt ngăn ngừa sự lơ là, là chánh niệm hay biết đặc tính của các thực tại đang xuất hiện
  • .Định căn, samādhi, là tâm sở nhất tâm ekaggatā cetasika. Đây là yếu tố dẫn dắt sự tập trung vào đối tượng đang xuất hiện
  • .Tuệ căn, là tâm sở tuệ paññā cetasika. Đây là yếu tố dẫn dắt trong việc suy xét một cách kỹ lưỡng, thẩm định và nghiên cứu đặc tính của các thực tại đang xuất hiện

Khi ngũ căn đã được phát triển, chúng trở nên mạnh mẽ và không thể lay chuyển. Khi ấy, chúng có thể trở thành lực (bala). Ngũ lực bao gồm những yếu tố sau:

  • .Tín lực (saddhā), không thể bị chao đảo bởi sự thiếu tín tâm
  • .Tấn lực (viriya), không thể bị chao đảo bởi sự chán nản
  • .Niệm lực (sati), không thể bị chao đảo bởi sự thất niệm về thực tại đang xuất hiện
  • .Định lực (samādhi), không thể bị chao đảo bởi sự xao nhãng với đối tượng đang xuất hiện
  • .Tuệ lực (paññā), không thể bị chao đảo bởi vô minh

Khi tuệ giác đã hiểu thấu đáo các đặc tính của danh và sắc, nó trở nên mạnh mẽ đến mức không thể lay chuyển. Khi trí tuệ và chánh niệm suy xét các đặc tính của danh và sắc hết lần này qua lần khác, nó càng trở nên viên mãn hơn và các tầng tuệ minh sát (vipassanā ñāṇa) có thể được liễu ngộ, khi ấy trí tuệ sẽ sinh khởi cùng bảy yếu tố của giác ngộ (Thất bồ đề phần - bojjhanga):

  • .Niệm bồ đề phần: tâm sở niệm (sati cetasika)
  • .Trạch pháp bồ đề phần: tâm sở trí tuệ (paññā cetasika)
  • .Tấn bồ đề phần: tâm sở tinh tấn (viriya cetasika)
  • .Hỷ bồ đề phần: tâm sở phỉ (pīti cetasika)
  • .Khinh an bồ đề phần: tâm sở khinh an (pasaddhi)
  • .Định bồ đề phần: tâm sở nhất tâm (ekaggatā cetasika)
  • .Xả bồ đề phần: xả (upekkhā) hay tâm sở quân bình (tatramajjhattatā cetasika)

Khi tuệ giác đã trở nên viên mãn đến mức độ có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế, nó sẽ sinh kèm với bảy yếu tố giác ngộ này. Trí tuệ đạt đến độ hoàn mãn bởi ba mươi bảy phẩm trợ đạo (bodhipakkhiyadhamma), bao gồm:

  • .Tứ niệm xứ
  • .Tứ chánh cần
  • .Tứ như ý túc
  • .Ngũ căn
  • .Ngũ lực
  • .Thất Bồ đề phần và
  • .Bát Chánh Đạo

IV. Lộ tâm đạo

Tâm siêu thế sinh khởi với đầy đủ tám chi của Bát Chánh Đạo, bao gồm các tâm sở: Chánh kiến (sammā diṭṭhi), Chánh tư duy (sammā sankappa), Chánh ngữ (sammā vāca), Chánh nghiệp (sammā kammanta), Chánh mạng (sammā ājīva), Chánh tinh tấn (sammā vāyāma), Chánh niệm (sammā sati) và Chánh định (sammā samādhi).

Tâm siêu thế sinh kèm với tất cả các pháp trợ đạo (bodhipakkhiyadhamma) ở khoảnh khắc giác ngộ và niết bàn được kinh nghiệm, trong lộ trình ý môn như sau:

  • .Tâm hộ kiếp (bhavanga citta), là tâm quả hợp trí (vipākacitta ñāna sampayutta)
  • .Tâm hộ kiếp rung động (bhavanga calana), là tâm quả hợp trí
  • .Tâm hộ kiếp dứt dòng (bhavanga upaccheda), là tâm quả hợp trí
  • .Ý môn hướng tâm (manodvārāvajjana citta), là tâm duy tác (kiriya citta)
  • .Chuẩn bị (parikamma), là tâm đại thiện hợp trí (mahā akusala ñāna sampayutta)
  • .Cận định (upacāra), là tâm đại thiện hợp trí (mahā akusala ñāna sampayutta), cùng loại tâm với parikamma
  • .Thuận thứ (anuloma), là tâm đại thiện hợp trí (mahā akusala ñāna sampayutta), cùng loại tâm với parikamma
  • .Tâm đạo dự lưu (sotāpatti magga citta), là tâm siêu thế
  • .Tâm quả dự lưu (sotāpatti phala citta), là tâm siêu thế
  • .Tâm quả dự lưu (sotāpatti phala citta), là tâm siêu thế
  • .Tâm hộ kiếp (bhavanga citta), là tâm quả hợp trí

* Trong trường hợp của các tầng thiền siêu thế (lokuttara jhāna), tâm thiền siêu thế được sinh kèm bởi các thiền chi của tầng thiền đã đắc ngay trước thời điểm giác ngộ. 

Khi các tâm đạo lộ (magga vīthi citta) đã diệt đi, sẽ có các tâm hộ kiếp sinh và diệt rồi sau đó có các lộ trình của tâm xem xét lại (pacca vekkhaṇa vīthi - lộ trình hồi quán) sự giác ngộ đã đạt được. Có năm lộ trình hồi quán khác nhau và trong mỗi lộ trình, tâm sẽ hồi quán tâm quả, tâm đạo, niết bàn, các phiền não được tận diệt và các phiền não vẫn còn chưa được tận diệt.

Khi tâm đạo lộ của các giai đoạn giác ngộ khác nhau đã diệt đi, lộ trình hồi quán luôn phải tiếp nối. Như vậy, các vị Thánh nhân sẽ không nhầm lẫn về mức độ giác ngộ của mình. Một vị Dự lưu sẽ không lầm tưởng rằng mình là một vị Tư đà hàm và tương tự như vậy với các mức độ giác ngộ khác.

>> tiếp theo

--- Lời bạt của người viết ----

Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch. 

Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.

---- Lưu ý (disclaimer) ----

Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.

Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.

Comments

Popular Posts